Siết chặt hoạt động của giới "cò đất"

09:03, 21/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để siết lại tình trạng hỗn loạn sàn giao dịch bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD, quy định từ ngày 16.2.2016, nhân viên môi giới BĐS phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề.

TIN LIÊN QUAN

 Mua, bán đất đều... gặp “cò”

 Cách đây hơn năm, chị N. (phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi) có nhu cầu mua đất. Tìm hiểu thông tin trên mạng, chị gọi vào số điện thoại của một người tự giới thiệu là chủ lô đất có vị trí đẹp, giá lại phải chăng. Sau đó “chủ đất” đồng ý bán đất cho chị N. với điều kiện phải đặt cọc trước 2 triệu đồng. Không nghi ngờ gì trước những lời lẽ thuyết phục của “chủ đất”, chị N. lập tức trao tiền với hy vọng sẽ có được lô đất như ý. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy giao đất, gọi điện thoại lại thì chị không nhận tín hiệu trả lời. Biết là bị lừa, nên chị N. quyết đi tìm hiểu thì mới vỡ lẽ, đó là tay “cò đất” và chị không phải là nạn nhân đầu tiên.

Theo quy định, từ ngày 16.2, người môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề.
Theo quy định, từ ngày 16.2, người môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề.


 Còn với ông T. (tổ 2, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi), vì thiếu tiền để sửa chữa nhà, ông rao bán lô đất 100m2. Ông T. treo bảng bán đất được vài ngày, thì có người gọi điện thoại gợi ý đưa lô đất của ông “lên mạng”, kèm theo giá thành 550 triệu đồng. Không biết gì về internet, ông T. trả lời, chỉ tiếp người có nhu cầu mua thật sự, chứ chẳng cần ai môi giới làm gì. Ra thăm lô đất, ông T. bất ngờ thấy bảng rao bán đất của mình “không cánh mà bay”. Thay vào đó là một bảng rao bán đất khác, với dòng chữ: “Bán đất, liên hệ điện thoại 09...”!

 Đồng thời, trong thời gian qua, dù chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm trong các hồ sơ tham gia đấu giá đất ở các dự án khu đô thị do Nhà nước làm chủ đầu tư, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng “cò đất” kiếm lời thông qua các buổi đấu giá đất. Hàng loạt “cò” nhảy vào tham gia đấu giá, làm giá lúc ấy “nhảy” loạn xạ, gây thiệt hại không nhỏ cho chính người mua lẫn Nhà nước. Sở dĩ khó phát hiện ra trường hợp “cò đất” này, vì về thủ tục, họ không làm gì sai.

Siết chặt hoạt động?

 Để siết lại tình trạng hỗn loạn sàn giao dịch bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD, quy định từ ngày 16.2.2016, nhân viên môi giới BĐS phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Sàn giao dịch BĐS phải do đơn vị doanh nghiệp lập ra, có đăng ký.

Người dự thi sát hạch, để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như: Pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS; thị trường BĐS; đầu tư BĐS; phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS. Phần kiến thức chuyên môn, bao gồm: Tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS; quy trình và kỹ năng môi giới BĐS; giải quyết tình huống trên thực tế. Ngoài ra, người dự thi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù; tốt nghiệp từ THPT trở lên; đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho đơn vị tổ chức kỳ thi theo quy định.

 Ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng, Thông tư 11 của Bộ Xây dựng được xem là một động thái mạnh tay của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà môi giới, nâng cao chất lượng dịch vụ môi giới nhằm giúp thị trường BĐS phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông Hòa cũng băn khoăn, việc đào tạo và cấp chứng chỉ do cơ quan nào thực hiện? Không gian hoạt động của người làm môi giới bất động sản trong phạm vi nào, chỉ trong địa bàn một tỉnh, thành phố hay cả nước? Thời gian kéo dài của chứng chỉ là bao lâu, có thời hạn hay không có thời hạn? Cơ quan chức năng có thể quản lý chứng chỉ hành nghề môi giới tại các sàn lớn với nhiều nhân viên, nhưng với các sàn, văn phòng môi giới nhỏ lẻ sẽ rất khó kiểm soát...
 

Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 


.