Mùa chế biến hải sản

09:17, 15/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đang vụ khai thác hải sản chính, lại được mùa nên sản lượng các loại cá cơm, cá nục, ruốc... dồi dào. Các cơ sở hấp cá, sản xuất nước mắm vì thế cũng tấp nập, nhộn nhịp vào mùa chế biến.

 

Lò hấp cá đỏ lửa

Những ngày cuối tháng 3, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đượm mùi cá hấp. Đường sá nhộn nhịp, tấp nập người và xe thu mua, vận chuyển cá cơm, cá nục. Bên trong các cơ sở sơ chế và hấp cá là những lò lửa đỏ rực, nóng hầm hập, nhưng không khí làm việc khẩn trương và náo nhiệt. Tại cơ sở hấp cá Vân Tùng, gần 20 lao động nữ được chia thành các nhóm làm việc từ tờ mờ sáng đến chiều tối. Các chị nhanh chóng sơ chế cá, xếp cá vào vỉ đưa vào lò hấp, mang ra sân phơi rồi thu gom, đóng gói thành phẩm. Chị Nguyễn Thị Sinh, ở thôn An Vĩnh cho biết, công việc tại lò hấp cá tuy không nặng như gánh cá thuê nhưng nhọc công, chịu đựng nắng nóng. Đổi lại thì thu nhập khá, bình quân mỗi ngày tôi kiếm được 250 - 300 nghìn đồng, giúp trang trải cuộc sống gia đình.

Xếp cá cơm lên vỉ trước khi đưa vào lò hấp.
Xếp cá cơm lên vỉ trước khi đưa vào lò hấp.

Từ tháng 1 - 4 âm lịch là mùa khai thác cá cơm, cá nục, sản lượng dồi dào, cộng với tiết trời nắng nóng nên nghề hấp cá ở xã Tịnh Kỳ cũng tất bật vào vụ. Lúc cao điểm, mỗi ngày cơ sở Vân Tùng hấp, phơi gần 10 tấn cá cơm, thu được hơn 3 tấn cá cơm khô các loại. Cơ sở lúc nào cũng có từ 15 - 20 lao động chia ca làm việc, đảm bảo lò hấp đỏ lửa liên tục từ tờ mờ sáng đến chiều tối. Thành phẩm cá hấp làm ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, chủ yếu là xuất đi các tỉnh Tây Nguyên và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xã Tịnh Kỳ hiện có 15 cơ sở hấp cá cơm, cá nục, tập trung ở thôn An Vĩnh. Ngoài việc tiêu thụ cá cơm tươi cho các tàu khai thác địa phương, các cơ sở này còn giải quyết việc làm cho 200 - 300 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 250 - 300 nghìn đồng/ngày/người hoặc 25 - 30 nghìn đồng/giờ. Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Nguyễn Hoài Thanh, nghề hấp cá không chỉ gia tăng giá trị thủy sản sau khai thác, mà còn góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương. Cùng với việc lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung, xã khuyến khích người dân mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cơ sở chế biến nước mắm tất bật

Sau thời gian hoạt động cầm chừng, hoặc nghỉ làm nước mắm (do thiếu hụt nguồn nguyên liệu), từ đầu năm 2023 đến nay, chủ các cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng ở 2 thôn Kỳ Tân và An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) như Hồng Út, Đức Hải, Phát Hải, Phương Loan, Bảy Hiền, Hồng Việt... hối hả nhập hàng trăm tấn cá cơm nguyên liệu để muối chượp. Chủ cơ sở chế biến nước mắm Hồng Út Bùi Thị Út cho biết, sản lượng cá cơm được khai thác trong vụ cá Nam dồi dào, cá đẹp, kích cỡ lớn nên tôi tranh thủ mở lều nhập hàng, muối đầy các thùng gỗ.

Theo các cơ sở chế biến nước mắm tại các địa phương trong tỉnh, từ tháng 1 - 4 âm lịch, cá cơm than, cơm quế theo dòng biển đổ về vùng ven bờ, cũng là mùa họ làm nước mắm. Để có nguồn nguyên liệu, chủ các cơ sở thu mua ở các cảng cá và bến cá trong tỉnh.

Tại xã Đức Lợi hiện có trên 300 hộ sản xuất nước mắm các loại, sản lượng bình quân 1,5 - 2 triệu lít mỗi năm, giá bán từ 30 - 70 nghìn đồng/lít (tùy loại). Tuy khẳng định được vị thế trên thị trường, nhưng nước mắm Đức Lợi truyền thống chỉ làm từ cá với muối nên có giá thành cao, khó cạnh tranh với các các loại được sản xuất “không truyền thống”. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở chế biến nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh thường sản xuất cầm chừng, dù nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng.             

   Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 


Ý kiến bạn đọc


.