Gìn giữ và phát huy di tích văn hóa làng xã

10:01, 04/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng, nhiều làng xưa đã đổi thay do quy hoạch khu dân cư mới. Thực tế đó đã đem lại nhiều lợi ích dân sinh, nhưng cũng dễ xóa đi những dấu tích văn hóa làng quê từ thời khai mở. 
[links()]
 
Những di tích này có vai trò khá quan trọng trong giữ gìn lịch sử địa phương để các thế hệ sau biết như một bài học về truyền thống quê hương. Do vậy trong quá trình qui hoạch, chỉnh trang, các địa phương cần chú ý đến việc gìn giữ và phát huy các dấu tích văn hóa làng xã.
 
Để làm được điều này mỗi địa phương xã, phường cần điều tra xác định dấu tích và tầm cỡ của các di tích văn hóa ấy bao gồm: Đình miếu cổ, mốc đo đạc ruộng đất thời xưa, núi đồi, sông hồ, kênh rạch, bãi bồi bến sông... Đồng thời có một hội đồng thẩm định, sau đó lưu giữ trong hồ sơ văn hóa địa phương và tiến hành các biện pháp gìn giữ nếu hiện còn, cắm mốc, phục dựng... tùy vào giá trị lịch sử của mỗi nơi ấy. Thực tế hiện nay có những nơi còn gìn giữ nét văn hóa làng như cổng làng Yên Mô thuộc xã Đức Lợi (Mộ Đức) có khắc dòng chữ “Ái bổn căn” nghĩa là yêu gốc rễ; cổng làng Sung Tích, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi)... Trong quá trình quy hoạch xây dựng khu vực phía tây Trường Đại học Phạm Văn Đồng, các cấp quản lý vẫn tạo điều kiện để người dân trong vùng xây dựng lại Nghĩa từ Da Dù...
 
 Cũng có những nơi chưa cắm mốc đặt biển nhưng vẫn mặc nhiên gìn giữ như Đá Dựng (Đá Thần Nông), đá Quay Mỏ, đá Bàn chân khổng lồ, đập Ba Điện của làng Ba La đều thuộc xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi); đập Tài, đập Quang, Đất Sáu Xã thuộc xã Hành Dũng (Nghĩa Hành)... Ngoài ra, có những nơi vốn có bề dày giá trị lịch sử lớn nhưng chưa được phục dựng mô hình, hay cắm mốc lưu giữ như hệ thống bờ xe nước - công trình thủy lợi khai thác nước sông Trà ngày xưa; Bến Tam Thương - một bến sông làm đầu mối giao thương ngày xưa của tỉnh thành Quảng Ngãi với miền xuôi miền ngược, ra Bắc vào Nam... Và còn rất  nhiều địa danh cũ có giá trị lịch sử đánh dấu công cuộc dựng làng mở đất của các thế hệ tổ tiên.
 
Hiện nay, hầu hết các thôn, tổ dân phố, xã, phường đều có nhà văn hóa, việc khai thác sử dụng có nơi mạnh thì dùng để hội họp, tổ chức các sự kiện địa phương, cho dân trong khu vực tổ chức cưới hỏi... Còn nơi sử dụng ít thì đóng cửa, thỉnh thoảng mở cho một ít cuộc họp. Nhiều nhà văn hóa thôn không có tường rào, sân cỏ mọc là nơi chăn thả trâu bò. 
 
Thiết nghĩ, những nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn cần có góc bảo tồn văn hóa làng xã, lưu giữ hình ảnh, hiện vật cùng với tập hồ sơ văn hóa địa phương để các thế hệ sau biết được dấu ấn quê hương mình như một điều không thể thiếu. Quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới cần quan tâm gìn giữ và phát huy di tích lịch sử địa phương để giáo dục thế hệ trẻ, động viên người dân yêu quê hương hơn.
 
     BÙI VĂN TẠO
 

.