Sau cơn mưa

10:12, 29/12/2021
.
*Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
 
(Báo Quảng Ngãi)- I. Nhà có mỗi một người con trai duy nhất, mẹ cưng anh như người hiếm hoi cưng đứa con cầu tự. Con nhà nghèo nhưng từ hồi mới sinh cho tới khi nghỉ học, rồi đi học nghề, nhìn anh Ba không ai đoán được gia cảnh anh đâu, lúc nào cũng bảnh bao, tươm tất. Mẹ đã làm mọi thứ cho đứa con trai duy nhất, nhưng rồi phải nói “Sợ nhất sau này sẽ khổ, mà rồi cũng không khỏi" khi anh theo làm thợ hồ ở TP.Hồ Chí Minh.  
    
 Anh Ba bỏ học từ năm lớp 9, ở nhà làm nông ba năm, rồi đi học nghề hớt tóc. Mẹ cũng mua đồ nghề, xây tiệm đàng hoàng nhưng làm được hơn một năm anh bỏ, kêu làm có mấy đồng, không đủ tiêu. Đi làm thợ hồ được vài năm, anh lấy vợ. Thợ hồ mới vào nghề không đủ tiền mua đất. Mẹ phải đập căn nhà dưới để anh xây nhà riêng, ba mẹ thu về ở gian nhà trên. Chưa hết, mẹ giao luôn sổ đỏ để anh vay tiền cất nhà. Cất nhà, sinh hai con, thu nhập một thợ hồ không đủ trang trải cuộc sống. “Vợ chồng nó làm đâu phủi lủm đó, không dư một hào”. Mẹ nói vậy thì tôi hình dung được tình cảnh của anh mình.
 
II. Hai đứa con gái của anh chị ngày mỗi lớn, bữa nay đứa này đòi sách vở, bữa mai đứa kia đòi tiền đóng quỹ nọ quỹ kia, rồi cưới hỏi, giỗ chạp... Thu nhập chính của gia đình là một thợ hồ thì mỏng lắm, như gió vào nhà trống thôi. Chị em tôi biết vậy nhưng cũng chỉ biết hỗ trợ cho cháu tấm áo, gói quà. Chúng tôi ổn định hơn vì có lương, nhưng thu nhập của giáo viên thì đâu cũng vào đó chứ không thể giúp được nhiều cho anh chị.
 
“Con còn nhỏ thì đỡ chứ con mà lớn sẽ tốn nhiều tiền lo cho ăn học. Chúng sẽ quay mình như cái chong chóng”. Mẹ nói vậy khi anh Ba kéo thêm chị dâu vào công trường. Anh chị đi làm, hai con ở nhà bảo ban nhau. Cũng may, nhà sát vách nội nên mọi thứ tạm ổn. Bé đi học giao nhà cho ông bà, hằng tháng ba mẹ đều đặn gửi tiền về.
 
Nếu đợt nào về chơi lâu như Tết, hay vào mùa mưa, anh chị tôi về trong bộ dạng vui vẻ và thởi lởi. Có đồng ra đồng vô, sửa chữa nhà cửa, quà cáp cho ba mẹ, lo cho các con đủ đầy, tự dưng thấy người cũng bảnh bao ra, đáy mắt lung linh những tia sáng, hy vọng ngày mai sẽ khá hơn.
 
Nhưng hy vọng ngày mai sẽ khá hơn đang tạm thời khựng lại do dịch Covid-19. Năm trước, dịch còn nhẹ mà công việc đã bị ảnh hưởng nhiều. Anh chị từ thành phố về, nghĩ sẽ chơi ít ngày rồi vào lại TP.Hồ Chí Minh, có ai ngờ bị kẹt lại quê do dịch. Ở nhà ba tháng, cái đói hiện liền trước mắt. Mấy chỉ vàng dự trữ ăn thua gì khi nhà bốn người suốt ngày chỉ ngồi coi tivi, rồi tới bữa ăn, mà vật giá chỉ tăng chứ không giảm. Hết tiền, anh Ba hỏi em gái mượn. Tôi biết, phải chẳng đặng đừng chứ tính anh sĩ diện lắm, con trai duy nhất trong nhà mà.
 
Đợt đó, tôi chở con về thăm ngoại mới biết anh chị đã đi làm. Mẹ nói, thấy tình hình ổn là tụi nó phóng liền. Tôi gọi điện hỏi làm ở đâu. Anh nói TP.Hồ Chí Minh chứ đâu. Bộ anh hổng sợ Covid-19 à? Đi làm chứ ở nhà lấy đâu ra tiền mà chi tiêu. Tôi “dạ” nhỏ xíu, rồi dặn anh chị giữ gìn sức khỏe. Mẹ tinh ý, thấy con gái thoáng buồn thì nói: Chắc sẽ ổn. Hai vợ chồng vô làm cho một công trình, nghe nói lớn lắm, ở trong công trình luôn, cách ly với bên ngoài. Họ trả công cũng cao nên tụi nó trụ chân. Kệ, còn trẻ, ráng cày vài năm, đợi hai đứa nhỏ học xong đại học thì về quê làm ruộng, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít.
 
Tôi nghe mẹ nói vậy cũng tạm yên tâm. Dịch giã bao người mất việc, mình có việc nuôi con đã hên rồi. Anh chị ít chữ nhưng bù lại hai bé cháu sáng dạ, học giỏi. Còn nhỏ nhưng hai cháu đã ngộ được tính tự trọng, hiếm hỏi xin mấy cô thứ gì. Chị em tôi cũng tinh ý nên mỗi lần về mẹ đều chủ động cho cháu tiền tiêu vặt, mua cái áo, cái mũ, cuối năm có quà, động viên cháu cố gắng học. Bé nhỏ lạc quan: Cô đừng lo, nay ba mẹ cháu tháng nào cũng gửi lương về. Nhà cháu nay sắp giàu rồi. Nói rồi, con bé nở nụ cười. Nghe cháu nói mà tôi mừng. Nghĩ cũng đúng, anh làm thợ hồ, ngày công gần năm trăm ngàn, chị phụ hồ ngày cũng được gần bốn trăm. Lương giáo viên mấy triệu của tôi bõ bèn gì với thu nhập đấy, chưa nói tôi còn phải làm mẹ đơn thân. Anh chị được vầy, mẹ là người vui nhất.
 
Nhưng tạm ổn cũng chỉ được đôi ba tháng. Khi TP.Hồ Chí Minh bùng dịch, mẹ lo lắng xanh xao. Biết mẹ lo nên anh thường điện về, dặn đừng lo lắng, chỗ này an toàn, người lạ không được phép vô. Mẹ nghe vậy cũng đỡ lo. Nhưng đỡ thôi chứ sao đừng lo được. Khi dịch ở mức đỉnh điểm, quê nhà có những chuyến xe vào thành phố đưa người dân về. Lần nào anh chị điện về, mẹ cũng hỏi hai đứa tính chừng nào về. Anh Ba nói: Không tính được đâu mẹ. Dễ gì tìm được công việc ổn định vầy, nắng mưa đều làm, được trả công cao, ăn uống đàng hoàng. Được máy móc hỗ trợ tối đa, còn bảo hộ lao động nữa. Giờ về rồi bị mắc kẹt do dịch không vào lại được, rồi sẽ khó khăn như năm ngoái… Nghe con nói vậy, mẹ chỉ còn biết thở hắt.
 
Số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong ở TP.Hồ Chí Minh tăng cao. Mẹ cứ hóng bản tin Covid -19. Hôm đó, tôi điện thoại cho anh, nghe anh nói xong thì quả tim như bật khỏi lồng ngực.
 
- Anh chị vẫn ổn chứ? - Tôi hỏi.
 
 Anh ờ ờ, giọng ngập ngừng, nửa muốn nói nửa muốn không. Thấy anh bối rối, tôi nhận ra ngay điều chẳng lành, liền hỏi:
 
- Có chuyện gì rồi hả anh?
 
- Chị nằm viện rồi.
 
- Sao vậy, mới đầu tuần nói chuyện với em, còn cười rổn rảng mà?
 
- Cả tháng nay, cái bụng sao cứ đầy hơi, đau râm ran. Mua thuốc ngoài tiệm về uống, bớt rồi lại đau hơn. Hôm kìa vô bệnh viện khám, họ test Covid, dương tính rồi.
 
Sau phút sững sờ, tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh và trấn an anh: Mọi việc rồi sẽ ổn, anh đừng lo lắng quá ảnh hưởng sức khỏe, lỡ có chuyện gì thì không ai lo cho các con. Những ngày sau, tôi thu xếp công việc, bữa nào cũng điện thoại cho anh sau giờ cơm chiều. Anh tôi nam nhi nhưng rất dễ mềm lòng. Giữa lúc đang cần nhất sự mạnh mẽ, chỉ sợ nơi xa một mình, anh bi quan bỏ ăn bỏ uống rồi kiệt sức. Lần nào nói chuyện qua điện thoại, giọng anh cũng nhão chùng.
 
- Tại em đã nghi rồi nên anh nói luôn. Im lặng, đừng cho ai trong nhà biết chuyện này nghen, đặc biệt ba mẹ. Cứ nói anh chị vẫn ổn.
 
- Dạ! Mà em nghĩ sẽ ổn thôi. Chị thể trạng tốt, lại thêm ý chí mạnh nữa nên sẽ mau khỏi bệnh. Em đang lo anh đây. Coi rồi người bệnh không sao mà người mạnh lại nguy kịch đó. Anh ráng ăn uống đàng hoàng đợi chị ra viện nha!
 
Thú thực, lúc nghe tin chị bị Covid, tôi cũng hoang mang run rẩy, nhưng nghĩ lại, chị đã tiêm vắc xin nên sẽ không đáng lo lắm. Hơn nửa tháng sau anh điện về, phấn khởi nói chị được ra viện rồi. Cầm giấy xét nghiệm âm tính, anh chị theo đoàn xe đưa người về quê. Mẹ tôi mừng rớt nước mắt.
 
III.Trời đang giữa mùa đông. Mùa đông năm nay mưa khiếp quá. Suốt ngày mưa gió ầm ào, tôi dạy học online, phải ôm máy vào phòng kín. Với lại nghĩ chắc ba mẹ, anh chị cũng không có chuyện gì nên không thường xuyên điện về. Riêng mấy chị em gái thì ngày nào cũng gặp nhau trên thế giới ảo.
 
Sáng nay, tôi điện về. Mẹ hỏi: Điện mẹ có gì không con? Tôi lại trả lời: Nhớ mẹ nên điện thôi! Hai mẹ con nói chuyện một hồi, tôi chuyển qua hỏi thăm anh chị Ba.
 
- Vợ chồng nó mới đi rồi. Ra Đà Nẵng làm. Ông chủ cũ gọi.
 
- Cái gì, dịch mới tạm yên yên, giờ lại có dấu hiệu bùng rồi, sao lại đi?
 
- Tụi nó tiêm đủ hai mũi vắc xin rồi. Mưa gió gần xong, quay qua quay lại tới Tết liền giờ. Phải đi làm kiếm cơm chứ chờ dịch bệnh hết thì biết chừng nào. Chủ yếu mình tự bảo vệ bản thân để sống chung với Covid chứ trốn miết trong nhà sao mà được. Chắc gì ở quê đã không bị bệnh.
 
Mẹ nói vậy, tôi chỉ biết “dạ”. “Chắc gì ở quê đã không bệnh”. Mẹ nói mà tôi giật mình, thấy mẹ tám mươi mà còn vững vàng và sáng suốt hơn cô con gái có học. Vâng mẹ, qua mưa rồi, trời sẽ sáng!/.
 
 

.