Những cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

02:08, 10/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Thực hiện chương trình này, chính quyền và nhân dân huyện Mộ Đức đã có những cách làm hay, ý nghĩa…

TIN LIÊN QUAN

Từ sân khấu hóa việc tuyên truyền…

50 đêm diễn liên tiếp nhằm tuyên truyền và phổ biến nội dung, ý nghĩa, kế hoạch thực hiện Chương trình NTM đến nhân dân toàn huyện. Đây là cách làm mới mà chưa có địa phương nào trong tỉnh thực hiện. Bởi để huy động được lực lượng và phương tiện phục vụ chừng ấy đêm diễn là điều không dễ, chưa kể việc tìm nguồn kinh phí. Chẳng thế mà khi đề xuất cách tuyên truyền này, nhiều người đã ái ngại và ngờ vực vào sự thành công của nó.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở cánh đồng dồn điền đổi thửa xã Đức Phú.                                          Ảnh: MỸ HOA
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở cánh đồng dồn điền đổi thửa xã Đức Phú. Ảnh: MỸ HOA


Vậy nhưng từng đêm diễn trôi qua là thêm một bộ phận người dân ở các thôn, KDC hiểu hơn về NTM. Vì qua các tiết mục được dàn dựng với nội dung gần gũi, giản dị đã giúp người dân biết thế nào là NTM; xây dựng NTM nhằm mục đích gì; Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu; Nhân dân thực hiện và đóng góp như thế nào… mà không cần cán bộ phải nhọc công giải thích, vận động.

Sự thay đổi về nhận thức ấy đã kéo theo hành động cụ thể: Người dân tích cực góp công, góp của để xây dựng NTM. Thậm chí nhiều người còn tình nguyện hiến cả trăm mét vuông đất hay dỡ bỏ tường rào, chặt bỏ cả vườn cây ăn quả chỉ để con đường được rộng hơn, thẳng hơn mà chẳng yêu cầu được đền bù. Bởi nói như bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 2, xã Đức Chánh thì: “Sau khi xem các buổi tuyên truyền sân khấu hóa, tôi biết Nhà nước chủ trương xây dựng NTM là vì muốn cuộc sống của người dân chúng tôi tốt hơn. Vậy nên mình góp chút ít tiền bạc, công sức hay vài mét đất xây dựng NTM cũng chẳng thiệt gì”.  

Không chỉ bà Lan mà dường như người dân Mộ Đức ai cũng nhận ra rằng, cùng nhau xây dựng NTM là để làm mới, làm đẹp cho nhà mình. Bởi khi những con đường đất nhỏ hẹp “nắng bụi mưa bùn” được bê tông xi măng; các mô hình sản xuất hiệu quả được hình thành; rồi cơ sở vật chất văn hóa đầy đủ…thì cuộc sống của họ cũng đổi thay theo hướng “no đủ hơn, vui khỏe hơn”. Thế nên cụ ông Nguyễn Dụng, xã Đức Nhuận mới nói rằng: “Giờ sướng rồi! Đường lớn đường nhỏ đều bê tông hết nên đi đâu chân cũng không dính đất”.  

…đến đột phá trong “dồn điền, đổi thửa”

Thực hiện “dồn điền, đổi thửa” (DĐĐT) có thể nói là việc khó khăn nhất với chính quyền và người dân ở “vựa lúa” Mộ Đức. Khó ở đây chẳng phải do người dân sợ mất “bờ xôi ruộng mật” như các địa phương khác mà là bởi trước đây, khi tiến hành chia ruộng theo Nghị định 64, Mộ Đức lại thực hiện…quá tốt!. Nghĩa là chính quyền nơi đây thực hiện phương án “cắt” đôi cái lợi lẫn khó khăn nên mỗi hộ được sở hữu 2 - 3 thửa ruộng có đều tốt-xấu, xa-gần và gò-trũng. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cũng quy ước rằng, diện tích ruộng đã được chia cho chủ hộ là bất di bất dịch, tức không thu hồi của người mất và cũng không cấp mới nếu tách hộ. Điều này đã giúp Mộ Đức giải quyết được vấn đề lô, thửa nhiều mà diện tích chẳng bao nhiêu. Nhưng cách làm lý tưởng ngày nào giờ đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, buộc phải chỉnh sửa. Và DĐĐT là lựa chọn tất yếu.

Đường giao thông nông thôn ở xã Đức Tân.                     Ảnh: ĐN
Đường giao thông nông thôn ở xã Đức Tân. Ảnh: ĐN


Đi đầu trong DĐĐT ở Mộ Đức là xã Đức Phú. Chỉ trong vòng 3 tháng, đồng ruộng gần 40ha vốn chi chít bờ vùng, bờ thửa đã gọn gàng bởi số thửa giảm đến 2/3 – tức từ 3 thửa/hộ còn 1 thửa/hộ, diện tích bình quân 1.700 m2/thửa. Đã thế, nhờ người dân hiến gần 21 nghìn m2 đất nên toàn bộ hệ thống giao thông, kênh mương được mở rộng, cấp phối và bố trí xung quanh đã giúp ruộng không còn cảnh nắng khát, mưa úng. Chẳng thế mà khi thăm đám ruộng 3 sào đang kết hạt chắc, ông Nguyễn Dũng phấn khởi nói: “Ruộng giờ tuy ít nhưng to, nên nông dân chúng tôi khỏi mất công đi lòng vòng thăm nom; cũng đỡ tốn tiền băm, gặt lẻ tẻ như trước. Mà sướng nhất là hồi trước ruộng thiếu mương, nên cứ mưa là úng, giờ thì hết rồi!”.

Cùng với Đức Phú thì hai xã Đức Hiệp, Đức Thắng cũng sắp hoàn thành việc DĐĐT gần 70ha. Và sắp tới, phong trào DĐĐT sẽ được triển khai lan rộng ra toàn huyện. Bởi theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Thanh Tùng thì: “DĐĐT chính là lực đẩy hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Nếu DĐĐT thành công sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập và cuộc sống của người dân. Và đó cũng chính là mục tiêu mà nông thôn mới hướng tới”.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.