Cung đường Đông Trường Sơn: Mang đến văn minh và no ấm

06:08, 30/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Dự án đường Đông Trường Sơn qua địa phận huyện Sơn Tây chỉ dài khoảng 40km, nhưng đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của người dân. Người dân vùng cao Sơn Tây vui mừng khi con đường huyền thoại, con đường lịch sử của hôm qua đã trở thành đường Đông Trường Sơn của no ấm, phát triển hôm nay” – Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để khẳng định.

TIN LIÊN QUAN

Cung đường mang đến no ấm

Từ Huyện đội Sơn Tây, bon xe theo con đường bê tông phẳng lỳ chừng 5km là đến UBND xã Sơn Dung. Trước đây khi chưa có đường Đông Trường Sơn, từ Huyện đội đến Sơn Dung chí ít cũng mất gần một giờ đồng hồ vật lộn với đá hộc, suối và vực sâu, cheo leo đồi dốc.

Cung đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận xã Sơn Dung (Sơn Tây).
Cung đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận xã Sơn Dung (Sơn Tây).


Trên địa bàn xã Sơn Dung, dọc theo cung đường Đông Trường Sơn nhà cửa, hàng quán mở ra khá nhiều và khang trang, sạch đẹp. Có đường thông thoáng, xe máy đắt tiền cũng gia tăng. Nhà ít thì một chiếc, nhà khá giả 4 – 5 chiếc. Nhiều người dân trong xã còn sắm được cả ô tô. Nhiều hộ dân có đất mà cung đường Đông Trường Sơn đi qua đã di dời nhà cửa từ trên núi cao, thung lũng sâu ra làm nhà sát đường để thuận lợi làm ăn, buôn bán, cho con cái học hành.

Già làng Đinh Văn Bút ở thôn Ca Sim, xã Sơn Dung nói: “Có con đường Đông Trường Sơn xóm làng khang trang, đông vui lắm! Trẻ con đi học chân không còn lấm bùn. Làm ra củ mì, cây keo, trái cau bán được giá hơn. Gạo, mắm, thịt, cá có xe chở đến tận chân nhà sàn để bán, giá không đắt như cái ngày chưa có con đường to đẹp này”.

Từ Sơn Dung chạy theo đường Đông Trường Sơn độ 10km là đến xã mới chia tách Sơn Long. Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của con đường Đông Trường Sơn này, ông Phạm Hồng Khuyến - Chủ tịch UBND xã Sơn Long đúc kết vỏn vẹn một câu rằng: “Con đường huyền thoại một thời, nay là con đường Đông Trường Sơn giúp dân nghèo vùng cao Sơn Long thêm no ấm”.
 

Đường Đông Trường Sơn nằm ở phía đông dãy Trường Sơn với điểm đầu là thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam), điểm cuối là TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuyến đường đi qua 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, có chiều dài 671 km, với tổng mức đầu tư hơn 10.015 tỷ đồng. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Rồi ông Khuyến giải thích: Có đường to đẹp, đi lại thuận tiện, mở rộng giao thương, kích cầu tiêu dùng, xóa dần khoảng cảnh nghèo nàn lạc hậu giữa miền xuôi – miền ngược. Không còn chuyện thương lái lợi dụng địa hình khó khăn ép giá; trẻ con đi học chuyên cần hơn. “Cũng khoảng cách ấy, ngày chưa có đường vừa đi vừa dắt xe hai giờ đồng hồ mới ra đến trung tâm huyện. Còn nay chỉ 20 phút thôi” – ông Khuyến nói.

Sầm uất một đô thị mới

Ở Sơn Tây, dốc Huyện Đội là điểm giữa của cung đường Đông Trường Sơn. Từ đây, theo đường này ngược lên hướng mặt trời lặn là đến xã Sơn Mùa. Sơn Mùa đang ngổn ngang công trình xây dựng trung tâm hành chính huyện Sơn Tây. Đông Trường Sơn là trục đường chính, điểm nhấn quan trọng của phố núi Sơn Tây này.

Dọc theo cung đường huyền thoại, các khu dân cư san sát đã được quy hoạch chi tiết, khoa học. Một ngày không xa, nơi đây sẽ là một phố thị sầm uất.  Đoạn cuối cung đường Đông Trường Sơn ở Sơn Tây là tuyến đường từ xã Sơn Mùa lên Sơn Bua – địa bàn giáp ranh với huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

 Cũng phẳng lỳ, uốn lượn nhưng phải từ Sơn Bua mới có thể bao quát, cảm nhận hết vẻ đẹp của cung đường Đông Trường Sơn này. Thong dong trên đường cảm giác thư thái, lạc quan và sẽ thấy rõ sự đổi thay từ nếp nhà, tấm áo đến dáng vẻ ngược xuôi của đồng bào Ca Dong Sơn Tây. Dẫu vẫn bám lấy cái rẫy, mảnh ruộng; vẫn chăm đàn trâu, đàn bò nhưng tâm thế của người dân sống dọc theo cung đường Đông Trường Sơn đã khác xưa nhiều lắm. Cái nặng nề, lạc hậu không bủa vây như ngày Sơn Tây còn thiếu những con đường...

Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.