Những giấc mơ trên đường Đông Trường Sơn

01:05, 23/05/2011
.

(QNg)- Nhiều người gọi đây là con đường chiến lược, nhưng  tôi gọi đó là con đường chở những ước mơ - đó là con đường Đông Trường Sơn. Con đường huyết mạch chạy qua 7 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên, trong đó có huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Từ con đường Đông Trường Sơn, nhiều giấc mơ đã và sẽ trở thành hiện thực.

Chúng tôi đến huyện vùng cao Sơn Tây vào những ngày hè nắng như thiêu đốt, nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi để các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành nhiều hạng mục trên tuyến đường Đông Trường Sơn. Ngồi trên chiếc ô tô 2 cầu hẳn hoi, nhưng tôi và anh bạn đồng nghiệp vẫn không khỏi băn khoăn: "Xe này có leo được trên đường Đông Trường Sơn không?".
 
Anh tài xế thì cười: "Đi rồi sẽ biết...". Quả thật chỉ độ chục phút vượt qua những con dốc nhấp nhô, đường Đông Trường Sơn đã hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ đẹp ngỡ ngàng. Con đường được đổ bê tông, lượn quanh những đồi núi được phủ một màu xanh mát mắt.
 
Các đơn vị thi công đang hoàn tất tuyến đường Đông Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi).                                                                         Ảnh: N.TRIỀU
Các đơn vị thi công đang hoàn tất tuyến đường Đông Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: N.TRIỀU
 
Hai bên đường là những ngôi nhà 167 vừa mới xây dựng. Mái ngói đỏ đổ trong nắng chiều, khiến lòng người xốn xang. Đúng, đây là con đường đã "hiện thực hóa" biết bao ước mơ. Nhiều phận người cũng đã đổi thay bên con đường Đông Trường Sơn này.

Xe của chúng tôi dừng lại tại điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, thuộc địa phận xã Trà Vân (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Một điểm trường của Trường tiểu học xã Trà Vân nằm vắt vẻo trên ngọn đồi, tại thôn 3 Nóc Ông Thanh. Thấy khách lạ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thùy không khỏi "cảnh giác". Sau một hồi trò chuyện, Thùy mới trải lòng với chúng tôi. Thùy kể: Thùy quê ở tận huyện Núi Thành. Tuy mới 25 tuổi nhưng Thùy đã có gần 4 năm công tác nơi vùng cao hẻo lánh này.

Ngày đầu mới bước vào nghiệp "trồng người", Thùy ước mong một ngày lại trở về xuôi. Nhưng đến cái ước mơ giản dị là hằng tháng được về thăm nhà cũng trở nên xa vời vợi. Khi chưa có con đường Đông Trường Sơn thì việc đi lại khó khăn vô cùng. Và con đường với từng mảng bê tông chắc chắn xuất hiện, ước mơ giản dị ấy của Thùy mới trở thành sự thật. Nhưng con đường Đông Trường Sơn mang lại cho Thùy nhiều hơn thế- một tấm chồng.
 
Định mệnh đã gắn Thùy với anh chàng kĩ sư xây dựng đang thi công tuyến đường Đông Trường Sơn. Hỏi Thùy có muốn về quê nữa không? Thùy nhanh nhảu: "Quê mình đây chứ đâu! Bây giờ vợ chồng mình có nhà ở đây rồi. Mình sẽ gắn bó với vùng núi non này. Nhờ có đường Đông Trường Sơn mà đường về nhà được dễ dàng hơn, mình thích về thăm quê lúc nào cũng được". Đúng là bây giờ Thùy chỉ cần đi theo tuyến đường Đông Trường Sơn về hướng huyện lỵ Sơn Tây là có thể về huyện Núi Thành, Quảng Nam ngon lành.

Ngược về Sơn Tây, dọc con đường Đông Trường Sơn đi qua, ở đâu chúng tôi cũng thấy được niềm vui của đồng bào. Các em nhỏ người Ca dong hồn nhiên chạy nhảy, hay tập đi xe đạp trên con đường rộng thênh thang. Hình ảnh mà nếu cách đây chỉ vài năm thôi, thật khó hình dung lại xuất hiện ở nơi núi non này.
 
Cụ Đinh Văn Mân (thôn Mang Tà Bể, Sơn Bua) cười rung cả chòm râu bạc phơ, nói: "Từ ngày có đường mới, các cháu của già không phải lội bùn đến trường nữa. Đi mua con cá, cái rựa cũng nhanh lắm. Nhà già bây giờ không còn xa trụ sở xã, nên con cháu có làm giấy tờ gì cũng dễ dàng, không khó như ngày xưa đâu". Hiện nay nhờ có đường Đông Trường Sơn mà xã Sơn Bua ngày một đổi thay. Trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang hơn.

Ông Phạm Tấn Hoàng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Đường Đông Trường Sơn qua huyện Sơn Tây có chiều dài trên 36 km, thuộc địa phận 4 xã Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Dung và Sơn Long. Khi đường Đông Trường Sơn hoàn thành sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 8.000 dân của huyện Sơn Tây đang sống ở những vùng có đường đi qua, hầu hết là đồng bào dân tộc Ca dong.

Đường Đông Trường Sơn cùng với Tỉnh lộ 623 tạo thành những tuyến lưu thông huyết mạch nối huyện Sơn Tây với các vùng miền khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Kon Tum. Mặc dù Sơn Tây được đánh giá có tiềm năng về rừng, chăn nuôi, sản xuất hàng nông lâm sản, nhưng lâu nay do cách trở về giao thông, nên nơi đây vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Vì vậy, đường Đông Trường Sơn hứa hẹn sẽ mang lại nguồn sinh khí mới để đồng bào dân tộc Ca dong ngày càng nâng cao đời sống vật chất- tinh thần, phát huy được tiềm năng của địa phương.
 
Theo ông Hoàng trong thời gian đến, dọc theo tuyến đường Đông Trường Sơn, huyện Sơn Tây sẽ quy hoạch hơn 2.000 ha diện tích đất, nhằm trồng các cây công nghiệp như mì và keo. Và, đó sẽ là cú hích quan trọng đưa Sơn Tây thoát nghèo.

Đường Đông Trường Sơn là một tuyến quốc lộ mới chạy giữa đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A, có tổng chiều dài trên 667km. Đây được xác định là một tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh- quốc phòng trên địa bàn trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên. Đường Đông Trường Sơn sẽ có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), điểm cuối của tuyến đường là cầu Suối Vàng (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
 
Tuyến đường Đông Trường Sơn sẽ chạy qua 7 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng). Đường Đông Trường Sơn được ví như trục dọc thứ 3, cùng với hai trục dọc quan trọng khác là QL 1A và đường Hồ Chí Minh, tạo thành xương sống cho ngành giao thông vận tải quốc gia.

Hy vọng cùng với con đường Đông Trường Sơn, huyện miền núi Sơn Tây sẽ ngày một đổi thay hơn. Cuộc sống của hàng ngàn đồng bào dân tộc Ca dong nhờ thế sẽ càng thêm khởi sắc.
 
N.Triều

.