Đẩy mạnh chuyển đổi số cấp xã

09:03, 23/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số cấp xã mang lại nhiều lợi ích, góp phần thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số giữa thành thị và nông thôn.
[links()]
 
Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành 
 
Chuyển đổi số cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong Kế hoạch số 119 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chuyển đổi số cấp xã không chỉ nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, mà còn mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp (DN). Qua đó, thực hiện thành công mục tiêu phổ cập danh tính số toàn dân đạt trên 30% người dân sử dụng ứng dụng định danh số trong năm 2022.
 
Cán bộ UBND thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) ứng dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung trong quản lý, lưu trữ tài liệu, giúp giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện.
Cán bộ UBND thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) ứng dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung trong quản lý, lưu trữ tài liệu, giúp giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm dùng chung trong quản lý công việc, lưu trữ tài liệu, các nhóm Zalo, trang thông tin điện tử... Qua đó, góp phần truyền tải thông tin kịp thời đến người dân, tạo thuận lợi trong công tác quản lý và khai thác dữ liệu. Theo Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) Huỳnh Văn Long, từ khi quản lý công việc trên môi trường số, tiến độ giải quyết công việc nhanh hơn; việc tìm thông tin, dữ liệu vừa nhanh, lại tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm. Việc cài đặt, ứng dụng Zalo đã tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành từ xã đến thôn và đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. 
 
Chủ tịch UBND xã Đức Lân (Mộ Đức) Mai Tấn Thành cho hay, xã khuyến khích cán bộ, công chức tiếp cận các phần mềm nhằm phục vụ công việc hiệu quả hơn; đồng thời lập các nhóm Zalo, trang fanpage trên Facebook để quảng bá hình ảnh, văn hóa, đặc sản của quê hương; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử, Hệ thống định danh và xác thực điện tử (PostID), Bảo hiểm xã hội số (VssID)... Qua đó, giúp người dân và chính quyền tăng cường sự tương tác, vừa kịp thời nắm bắt và giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vừa giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền.
 
Một số bất cập cần giải quyết   
 
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cơ sở hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi số cấp xã vừa thiếu vừa yếu, nên thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạng và gián đoạn đường truyền. Trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ cấp xã, thôn còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng các phần mềm, hệ thống số còn lúng túng. Vì vậy, chính quyền các địa phương mong muốn Sở TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông tăng cường hỗ trợ về chuyên môn. Thường xuyên tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng khai thác, sử dụng các nền tảng số và thực hành các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên hệ thống dịch vụ công tỉnh và Cổng Dịch vụ công Quốc gia... cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.  
 
Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, DN. đồng thời, từng bước kết nối với Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia để giúp DN, người dân nộp hồ sơ trực tuyến và có thể tra cứu toàn bộ thủ tục hành chính một cách dễ dàng, thuận lợi. Cần đẩy mạnh và ứng dụng rộng rãi việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội qua việc hỗ trợ, hướng dẫn chính quyền cơ sở, người dân, DN quảng bá hình ảnh, thông tin, sản phẩm, dịch vụ, nét văn hóa đặc trưng của địa phương lên  Internet và các sàn thương mại điện tử... Qua đó, góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi số cấp xã, bắt kịp với xu thế chung của cả nước.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.