Khoa học công nghệ: Đồng hành cùng phát triển

02:02, 21/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) đã hướng vào mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh thông qua các chương trình KHCN trọng điểm hằng năm và đã đạt được những thành tựu to lớn.

TIN LIÊN QUAN


Trợ lực cho nông dân

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ngãi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác nghiên cứu KHCN hướng về nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hàng chục hội thảo khoa học về ứng dụng KHCN vào phát triển nông nghiệp. Việc ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KHCN vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa của nông dân.

Nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất, năng suất tỏi ở Lý Sơn đã tăng 20 - 25% so với canh tác truyền thống.
Nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất, năng suất tỏi ở Lý Sơn đã tăng 20 - 25% so với canh tác truyền thống.


Hiện nay, Quảng Ngãi đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi có bộ giống tốt, ứng dụng rất thành công vào sản xuất như lúa, mì, mía, bò, lợn siêu nạc... Nhờ mạnh dạn đưa giống mới và áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất, nên năng suất các loại cây trồng, vật nuôi ở Quảng Ngãi có bước tăng trưởng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt gần 4%. Năng suất bình quân của cây lúa đạt hơn 50 tạ/ha.

Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển nông thôn và miền núi tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015”. Nhờ đó, nhiều thành tựu KHCN trong phát triển giống cây trồng, vật nuôi được nông dân ứng dụng rộng rãi. Nhưng quan trọng hơn là, người dân đã làm chủ được công nghệ sản xuất và bảo quản giống, nên đã chủ động được giống phục vụ phát triển sản xuất như sử dụng lúa giống thuần đạt tiêu chuẩn, năng suất trên 60 tạ/ha; mô hình thâm canh mì bền vững sử dụng các giống mì cao sản có tỷ lệ bột cao, năng suất đạt trên 35 tấn/ha; mô hình thâm canh giống mía mới ROC27, ROC22, MY 55-14 trên đất đồi và đất chuyển đổi; sử dụng keo giống được ươm bằng phương pháp giâm hom vào trồng rừng...

Hoạt động ứng dụng KHCN  ở các huyện miền núi trong tỉnh đã góp phần xoá bỏ dần tập tục sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây, cây mía được trồng trên đất gò, đồi là “chuyện hiếm”, thì đến nay, các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long đã trồng mía trên diện tích 1.000 ha, với hàng ngàn hộ nông dân tham gia. Năng suất, chất lượng bình quân của cây mía đạt trên 70 tấn/ha, chữ đường đạt 10 CCS. Từ đó, người trồng mía có lãi khoảng 35 triệu đồng/ha. Bây giờ, các huyện miền núi đã trở thành “thủ phủ” của cây mía.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong xu thế phát triển hiện nay, KHCN và doanh nghiệp (DN) luôn đồng hành cùng nhau. Từ năm 2006, Sở KHCN đã tham mưu UBND tỉnh Chương trình KHCN hỗ trợ DN. Từ đó đến nay, Chương trình đã giúp đào tạo ngắn hạn cho hàng trăm lượt cán bộ quản lý của các DN trên địa bàn tỉnh, nhằm trang bị cho các nhà quản lý DN những kiến thức mới theo thông lệ của Tổ chức thương mại thế giới về quản trị DN, định hướng phát triển DN trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ DN thực hiện xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; khuyến khích và vận động DN xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến trên thế giới. Thông qua Chương trình, nhiều DN đã ứng dụng KHCN vào sản xuất và có bước phát triển vượt bậc như các nhà máy của Công ty CP Đường Quảng Ngãi.

Từ các luận cứ do các nhà khoa học nghiên cứu, cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất đã được đầu tư xây dựng. Đây là nền móng cho sự hình thành KKT Dung Quất và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới. Hiện nay, KKT Dung Quất là nơi có nhiều DN lớn hoạt động, đóng góp gần 80% GDP của tỉnh như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Cảng Dung Quất (1 trong 5 cảng lớn nhất nước). Điều này đã “kéo” nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài uy tín đến với Quảng Ngãi như Doosan Vina, Điện tử Foster... Khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã chính thức đi vào hoạt động, với số vốn đầu tư hơn 125 triệu USD. Nhờ đó, tốc độ phát triển kinh tế của Quảng Ngãi luôn ở mức trên 7%. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) đạt trên 30,5 ngàn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.