Võ sư Kim Long với đời võ nghiệp văn

04:05, 19/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Năm 1977, tại một ngôi nhà nằm ở góc đường giao nhau giữa Phan Đình Phùng và Nguyễn Tự Tân đã treo bảng bố cáo ra mắt võ đường Kim Long. Người dân Quảng Ngãi thời đó nói nhiều về võ đường này, vì gắn với huyền thoại cao thủ Sáu Cường ở đất Nam Kỳ lục tỉnh.

 Sau giải phóng, phong trào võ thuật từng “thiêu đốt” khắp các võ đài miền đất Quảng Ngãi đã tạm lắng xuống. Võ sư Ngô Đình Long (SN 1949) có cha đi tập kết, làm cán bộ ngành thể dục thể thao, tham gia học 3 dòng thác cách mạng. Vậy nên việc dạy võ thuật bị quản lý nghiêm, nhưng đối với võ đường Kim Long thì gặp nhiều thuận lợi.

    Võ sư Kim Long với những tấm ảnh dạy tại Trung tâm Văn hóa Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Võ sư Kim Long với những tấm ảnh dạy tại Trung tâm Văn hóa Quận 1, TP. Hồ Chí Minh


Sư phụ của Kim Long là thầy Kim Sang vốn được thọ giáo võ sư Sáu Cường lừng danh ở Trà Vinh, có biệt danh là thần cước. Sáu Cường là một bậc cao thủ nhất trong làng võ thời đó. 42 tuổi, ông vẫn đấu với võ sĩ Thái Lập Kỳ nhỏ hơn mình 10 tuổi và ném võ sĩ này khỏi sàn đài.

Năm 1979, võ sư Nguyễn Hồng tổ chức võ đài tại thị trấn Sông Vệ. Kim Long bắt tay đưa võ sĩ Kim Long Công 21 tuổi thượng đài đấu với võ sĩ của lò Quyết Thắng đến từ Nha Trang. Kết thúc hiệp 1, võ sư Kim Long nói như ra lệnh bằng những ngôn từ mạnh của con nhà võ: “Đòn đó dạy rồi sao không áp dụng, lên đài hiệp 2 mà không làm được thì thầy đập cho sưng mặt”. Học trò dạ dạ và nói “con áp vô không được, sợ quá thầy ơi!”. Bí đường, sư phụ Kim Long đành phải giở độc chiêu: “Nhắm mắt và xáp vô, thành công thì thắng, nếu không thì thầy ném khăn đầu hàng”.

Trọng tài vừa phất tay “hiệp 2 bắt đầu”. Võ sĩ Quyết Thắng vừa nhích tấn lướt tới thì Kim Long Công đã hạ thấp người và tung đòn quyết định. Người xem thấy 2 võ sĩ đang đứng bất động ôm nhau, nhưng không hiểu sao một võ sĩ từ từ ngã bật xuống, còn võ sĩ của lò Kim Long thì đang nhắm tít mắt và bất động như pho tượng.

    Còn tại Bình Định, ban tổ chức không dựng được võ đài nên cho thi đấu ngay trên nền đất. Nữ võ sĩ Kim Long Lan gặp một võ sĩ Bình Định rất mạnh. Bước sang hiệp 2, nữ võ sĩ Bình Định vừa xáp tới thì đã bị một trận “cuồng phong”. Kim Long Lan nhìn xuống đài thấy võ sư Kim Long phất tay ra hiệu nên đã tung đòn đảo phong cước. Nữ võ sĩ Bình Định bị gót hậu vào giữa ngực nên nằm bất động. Khán giả la to “Bình Định bị Quảng Ngãi đánh giật như con cá rô”.

Năm 1987, võ sư Kim Long chuyển gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ông kể rằng, cái duyên võ thuật vẫn theo ông trong một dịp may. Đó là tiếp tục được đi dạy võ ở rất nhiều điểm như Trung tâm Văn hóa Quận 1, Nhà Văn hóa Lao Động… Đây là những điểm tập được võ sư Minh Cảnh đỡ đầu nên võ sinh rất đông.

Năm 1990, võ sư Kim Long tham gia cuộc thi ngâm thơ trên sóng truyền hình HTV và bất ngờ đạt danh hiệu “giọng thơ vàng”. Đó là bước ngoặt của cuộc đời võ mà ông gọi là cái duyên nó đến. Từ dạo đó, ông võ sư liên tục tham gia vào các chương trình văn nghệ ở TP. Hồ Chí Minh. Ông còn được mời tham gia vào vai luật sư, giám đốc phản biện, quận trưởng trong các bộ phim “Đất phương Nam, Xích lô, Món nợ miền Đông…”. Ông tâm sự, “mình là dân võ, nhưng chưa lần nào đạo diễn bố trí cho vào vai nhân vật tung chưởng trị ác. Thật tiếc”.

Tại căn nhà nằm trong một hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngày, võ sư Kim Long vẫn hàn huyên với một đệ tử ruột đã theo thầy vào Nam. Nhắc đến Quảng Ngãi, ông luôn kể về võ thuật. Võ sư Kim Long nhẹ nhàng rút tấm ảnh đen trắng trong ví và xúc động nói: “Đây là sư phụ Kim Sang. Cả đời tôi mang theo ảnh của thầy. Mọi sự trên đường đời của tôi có lẽ đều được thầy gia hộ nên gặp nhiều cái duyên may mắn.

Nhưng để nhớ ơn thầy, tôi dự định sẽ quay về quê hương Quảng Ngãi để mở lại võ đường Kim Long”.
                                                           

      LÊ VĂN CHƯƠNG
    





 


.