Nhọc nhằn chuyện học ở xã nghèo nhất nước

10:03, 05/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, xã Trà Khê (Tây Trà) xếp diện xã nghèo nhất nước. Một trong những nguyên nhân khiến cái nghèo vây bủa bao đời, đó chính là nơi đây thiếu con chữ...

TIN LIÊN QUAN

Một ngày đầu tháng 2, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Khê Võ Phúc Huy đưa chúng tôi đi thăm điểm trường thôn Sơn - thôn nghèo nhất xã (thôn Sơn có gần 100 hộ dân thì tất cả đều là hộ nghèo-PV). Sau gần một giờ đồng hồ vượt đoạn đường trơn trượt, chúng tôi đã đến điểm trường có 85 học sinh này. Điểm chính của trường nằm trên sườn đồi, chật hẹp, với 7 phòng học, nhưng có 2 phòng mái tôn, vách lồ ô.

Lớp học tạm bợ vách lồ ô, mái tôn tại điểm chính Trường Tiểu học Trà Khê.
Lớp học tạm bợ vách lồ ô, mái tôn tại điểm chính Trường Tiểu học Trà Khê.


Thầy Võ Phúc Huy cho biết: "Cả trường gần 300 học sinh, nhưng chỉ có khoảng 100 em học ở điểm trường chính, còn lại các em học ở các điểm lẻ cho gần nhà. Phòng học tạm nhiều hơn phòng học chính. Giáo viên hợp đồng nhiều gần bằng giáo viên biên chế, với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Nói là gần nhà nhưng thực tế từ nhà đến trường với nhiều em phải mất cả tiếng đồng hồ đi bộ. Hàng trăm học sinh sau 5 năm học tiểu học chưa biết đến điểm trường chính, mà chỉ biết cái phòng học ọp ẹp, tạm bợ. Có nhiều tấm lòng thương cảm với thiếu thốn của học trò điểm lẻ đã lặn lội đem áo quần, chăn ấm lên tặng cũng đành phải nhờ các thầy cô ở điểm trường chính chuyển đến các em, vì đường giao thông quá khó khăn.
 

Ở Trà Khê, bậc THCS hiện nay đã học bán trú. Đầu tuần các em xuống trường, cuối tuần về nhà. Một số ít được chọn đi học trường nội trú ở trung tâm huyện thì cả tháng mới về nhà một lần.

Giáo viên ở xã nghèo Trà Khê cũng vô vàn nhọc nhằn. Ngoài chuyện phải lặn lội đến lớp trong tình trạng áo quần thường lấm lem bùn đất, thì nơi ở, chỗ nghỉ ngơi sau giờ lên lớp cũng không có. "Nhà công vụ" của giáo viên là những phòng tạm vách lồ ô, nếu tường xây gạch thì cũng đầy loang lổ, có thể sập bất cứ lúc nào, vì quá niên hạn sử dụng.

Tại điểm trường thôn Sơn, 5 giáo viên (2 thầy và 3 cô) ở chung một "phòng công vụ" ọp ẹp rộng chưa tới 15m2. Chỗ nghỉ giữa thầy và cô được ngăn bởi tấm rido bằng vải. Sau giờ lên lớp, các thầy cô ra suối bắt ốc, hái rau rừng cải thiện bữa ăn.

Vậy mà trong số ấy, hầu hết đã bám trụ ở vùng nghèo này trên dưới 20 năm. Có cô giáo vì đường sá quá xa xôi, hiểm trở, nhiều khi đi dạy cả tháng mới về miền xuôi thăm gia đình. Vượt qua khó khăn, các cô vẫn gắn bó với công việc dạy học ở chốn heo hút này lấy tiền gửi về quê nuôi con ăn học... Khi hỏi khó khăn thế, đã có lúc nào thầy, cô nản lòng mà bỏ nghề không, các thầy cô đều chung một câu trả lời: "Nghề chọn mình rồi, sao mà bỏ được".

Chiều muộn, chia tay thôn Sơn, chia tay Trà Khê, chúng tôi xuống núi. Hình ảnh những học trò nhỏ cặm cụi vượt dốc cao, suối sâu đến trường; những cô giáo sau buổi học đi hái rau, bắt ốc và cả những phòng học ọp ẹp, nhà công vụ tạm bợ... cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Sự học ở Trà Khê có lẽ không phải đi lên từ sự nỗ lực của riêng thầy và trò nơi đây nữa rồi. Cái chữ ở mảnh đất nghèo nhất nước này đang cần sự chung tay của cả xã hội...

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.