Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi):
Tăng thời hạn làm thêm giờ lên không quá 300 giờ/năm

07:03, 03/03/2010
.

Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ rà soát, cân nhắc, hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động trình Chính phủ trước 12/3, và Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào đầu tháng 5.
 
 
tổ chức huấn luyện an toàn định kỳ, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho toàn bộ người sử dụng lao động
 
Theo ông Kiều Đình Thụ - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, đây là Bộ Luật quan trọng liên quan tới toàn xã hội. Việc sửa đổi lần này là rất cần thiết, theo hướng sửa đổi cơ bản và toàn diện trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Bộ Luật Lao động sau 14 năm, kế thừa pháp luật lao động hiện hành nhằm tạo hành lang pháp luật hợp lý và mềm dẻo để người lao động và người sử dụng lao động cùng nhau xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và phát triển vì lợi ích của người lao động, sự phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và sự phát triển của đất nước. 
 
Ông Thụ cho biết, đây là lần đầu tiên Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo của các cơ quan quản lý nhà nước các tổ chức đoàn thể và thành phần kinh tế khác nhau... Dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương và 271 điều. 
 
Nhiều sửa đổi quan trọng trong dự thảo Bộ luật Lao động mới 
 
Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động (BLLĐ) có khá nhiều điểm mới và được điều chỉnh phù hợp hơn với hiện hành dựa trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực tiễn thực hiện trong thời gian qua và phù hợp yêu cầu của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay. 
 
Dự thảo có một chương mới quy định về đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, trong đó quy định: Doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm tổchức đào tạo để nâng cao trình độ nghềcho Người lao động (NLĐ) đang làm việc tại DN; đào tạo lại cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác trong DN. DN phải có kế hoạch hàng năm và dành kinh phí cho việc nâng cao trình độ nghề của NLĐ để theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những nghề, công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trình độ ngoại ngữ nhất định. Dự thảo cũng quy định cụ thể về hợp đồng và chi phí đào tạo nghề. DN tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc tại DN thì không được thu học phí và được miễn thuế…
 
Về tiền lương trong thời gian thử việc, dự thảo quy định bằng 80% mức lương cấp bậc của công việc đó và không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, thay vì 70% như trước đây …
 
Dự thảo BLLĐ sửa đổi cũng quy định thời giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành (200 giờ/năm, trừ một số trường hợp  đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm do Chính phủ quy định). 
 
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của DN trong việc sử  dụng NLĐ khuyết tật (Điều 183). Theo đó, DN phải đảm bảo sử dụng NLĐ khuyết tật theo tỷ  lệ từ 2 - 3% so với tổng số lao động có  mặt bình quân tháng tùy theo ngành nghề kinh doanh của DN… 
 
Sửa đổi phù hợp với yêu cầu hội nhập của đất nước
 
Tại Hội thảo, các đại biểu chú trọng đến các điều khoản liên quan đến quan hệ lao động như vai trò của tổ chức công đoàn, thời giờ làm việc, đình công….
 
Thực tế chỉ rõ, xung đột quyền lợi giữa các nhóm có thể  làm nảy sinh mâu thuẫn. Về giờ làm thêm, kết quả khảo sát 1.500 doanh nghiệp ở 15 tỉnh thành phố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy 72% người sử dụng lao động cho rằng cần tăng thêm, trong khi 89,3% người lao động có quan điểm nên giữ nguyên như hiện tại. 
 
Về đình công, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo khảo sát gần đây cho thấy, 90% các cuộc đình công của công nhân xuất phát từ vấn đề tiền lương không thoả đáng và doanh nghiệp vi phạm giờ làm thêm. Quy định 200 giờ làm thêm/năm là hợp lý, không nên tăng lên 300 giờ/năm vì tại một số ngành nghề như dệt may, giầy da… công nhân phải làm việc rất vất vả, tăng giờ làm thêm sẻ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.
 
Vai trò của tổ  chức công đoàn cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm bởi hiện công đoàn cơ sở vẫn chưa thành lập ở 100% doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn về vai trò của đại diện tập thể lao động trong những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn. Bộ Luật Lao động hiện hành đã thừa nhận vai trò của đại diện tập thể lao động trong việc lãnh đạo và tổ chức đình công, song luật sửa đổi cần mở rộng vai trò của chủ thể này trong việc thương lượng tập thể, thường xuyên bàn bạc với chủ sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề phát sinh.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này là rất cần thiết phù hợp với yêu cầu hội nhập của nước ta trong giai đoạn mới.
 
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ  nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ  nhấn mạnh, Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi phù hợp để phát triển quan hệ lao động, thị trường lao động; bảo vệ quyền lợi hợp lý của các bên liên quan, và đặc biệt cần phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
 
Theo VnMedia

 


.