Nhân lực ngành du lịch Quảng Ngãi: Vừa thiếu lại vừa yếu

09:10, 15/10/2012
.

(QNg)- Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có đến hơn chục cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề với các cấp độ khác nhau từ  đại học đến hệ sơ cấp. Thế nhưng, phần lớn các đơn vị đào tạo hiện nay vẫn chưa mặn mà đến một ngành đào tạo khá hấp dẫn và đầy tiềm năng trong hiện tại và tương lai.

TIN LIÊN QUAN


Đó chính là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, một ngành mà theo Nghị Quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XVII) đã xác định, đến 2015 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong tổng sản phẩm của tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện nay là rất tiềm năng. Mỗi năm có hàng trăm học sinh, người lao động trong tỉnh đăng ký theo học các lớp du lịch từ trình độ sơ cấp đến đại học tại các trường công lập, dân lập của các tỉnh, thành phố lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế…

Hướng dẫn viên thuyết trình, hướng dẫn du khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.          Ảnh: PD
Hướng dẫn viên thuyết trình, hướng dẫn du khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: PD


Theo thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, đến năm 2011 tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch tỉnh Quảng Ngãi ước khoảng 3.410 người (trong đó lao động trực tiếp chiếm khoảng 1.100 người, tỷ lệ qua đào tạo còn thấp, nguồn lao động đã qua đào tạo tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp du lịch lớn). Như vậy có thể thấy nguồn nhân lực du lịch Quảng Ngãi đang có một lỗ hổng rất lớn.

Cũng theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2012, toàn tỉnh có 72 cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1 sao  - 4 sao với đầy đủ các trang thiết bị, tiện nghi, dịch vụ. Cùng với đó là nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng đang được triển khai đầu tư tại biển Mỹ Khê, đảo Lý Sơn, các huyện Bình Sơn,  Đức Phổ… Các doanh nghiệp này cần hàng trăm lao động có tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu ẩm thực, phong tục tập quán nhưng không thể tuyển dụng được, vì phần lớn lao động chưa qua đào tạo hoặc rất yếu về kỹ năng, nghề nghiệp. Chính vì vậy, để có thể hoạt động được các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn đưa nhân viên đến cơ sở đào tạo của tỉnh khác hoặc thuê giáo viên về doanh nghiệp huấn luyện và bồi dưỡng cho lao động.

Du lịch Quảng Ngãi đang có những lợi thế nhất định như Khu kinh tế Dung Quất thu hút hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư trong, ngoài nước đến làm việc và lưu trú; hơn 130km bờ biển với khá nhiều bãi biển đẹp, cùng hàng trăm các danh lam, thắng cảnh, khu di tích văn hóa, lịch sử quốc gia... Đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời gắn liền với chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều du khách trong, ngoài nước; Từ thực tế đó các đơn vị đào tạo có năng lực, nhiệt huyết và các cơ quan quản lý nhà nước, cùng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nên ngồi lại để tìm ra tiếng nói chung. Qua đó đề ra giải pháp mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách với một chất lượng cao và chuyên nghiệp ngay từ bây giờ.


L P
 


.