Nỗi niềm sau đạt chuẩn nông thôn mới

09:01, 24/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giúp cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi ngày càng hoàn thiện; chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, người dân một số xã miền núi gặp những khó khăn nhất định, do các chính sách hỗ trợ đặc thù không còn.
[links()]
 
Sau niềm vui là lo lắng
 
Sau niềm vui đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019, người dân xã miền núi Long Sơn (Minh Long) hụt hẫng khi những chính sách hỗ trợ đặc thù bị chấm dứt. Trong đó có việc người dân không còn được nhà nước cấp thẻ BHYT, học sinh cũng không được miễn giảm học phí như trước. “Thẻ BHYT của cả nhà đã hết hạn, tôi báo với cán bộ xã để được cấp lại, nhưng được biết lần này phải mua. Nhà tôi có bảy người, số tiền mua thẻ BHYT hằng năm là gần 3 triệu đồng, trong khi gia đình tôi rất khó khăn”, ông Đinh Văn Ren, ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, cho biết. Ông Ren cũng bất ngờ khi các con ông giờ phải nộp học phí, những trường hợp đi học xa nhà cũng không còn được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và 745 nghìn/tháng tiền ăn, nhà ở (tương ứng 50% mức lương tối thiểu).
 
Việc dừng các chính sách hỗ trợ đặc thù khi xã đạt chuẩn nông thôn mới khiến người dân miền núi gặp khó. Trong ảnh: Nông dân xã Sơn Long (Minh Long) chăm sóc lúa vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Mỹ Hoa
Việc dừng các chính sách hỗ trợ đặc thù khi xã đạt chuẩn nông thôn mới khiến người dân miền núi gặp khó. Trong ảnh: Nông dân xã Sơn Long (Minh Long) chăm sóc lúa vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Mỹ Hoa
Chủ tịch UBND xã Long Sơn Võ Văn Gấm cho biết, cuộc sống người dân địa phương chủ yếu dựa vào trồng keo, nuôi gia súc, gia cầm, nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ BHYT, học tập được duy trì nhiều năm, giờ không còn khiến người dân cảm thấy hụt hẫng. 
 
Không chỉ xã Long Sơn, mà người dân các xã miền núi vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM cũng khá bất ngờ khi phải mua thẻ BHYT, con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng không còn được hỗ trợ tiền, gạo và miễn, giảm học phí như trước. Bởi Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Tất cả các xã ở miền núi nếu đạt chuẩn NTM sẽ không còn xã khu vực 3, mà thuộc xã khu vực 1. Chính vì vậy, hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân sẽ chấm dứt, trong đó có khoản kinh phí 5 tỷ đồng/năm/xã (bình quân) nhà nước cấp cho các địa phương để mua và cấp thẻ BHYT cho người dân.
 
Cần cơ chế và lộ trình phù hợp
 
Để tháo gỡ khó khăn, huyện Minh Long đã linh hoạt sử dụng kinh phí từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đặc thù khu vực miền núi, để mua thẻ BHYT cấp cho người dân xã Long Sơn, trong đó ưu tiên hộ nghèo, gia đình chính sách, neo đơn... Đồng thời, huy động các nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ lương thực, chi phí đối với học sinh đi học xa nhà có gia cảnh khó khăn, nhằm chia sẻ, khuyến khích các em.
 
Tuy nhiên, theo chính quyền huyện Minh Long, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh, trung ương sớm rà soát và ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp. Bởi, dù đã đạt chuẩn NTM, nhưng điều kiện sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp và thiếu tính ổn định.
 
Hơn nữa, dù khó khăn, nhưng suốt quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, người dân các xã miền núi đã góp công, góp sức và đồng lòng thực hiện, góp phần rất lớn vào việc hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM của địa phương. “Do đó, việc cắt hỗ trợ các chính sách y tế, giáo dục không chỉ khiến người dân gặp khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Thậm chí, người dân không mặn mà góp sức xây dựng NTM, vì lo mất các chính sách hỗ trợ”, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết kiến nghị.
 
Trước những vướng mắc này, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu xây dựng NTM tỉnh đã tổng hợp, báo cáo Sở NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia xây dựng NTM tỉnh đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét tháo gỡ. Trong đó có việc xây dựng lộ trình và cơ chế hỗ trợ chính sách bảo hiểm, học đường đối với người dân, học sinh các xã NTM miền núi, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo sự chuyển biến trong xây dựng NTM vùng dân tộc thiểu số.
 
 MỸ HOA
 
 

.