Công ty CP Đường Quảng Ngãi: Vững vàng vượt khó

03:01, 22/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2021 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức. Song, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây là tiền đề để năm 2022, QNS tiếp tục nỗ lực đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
[links()]
 
Lợi nhuận tăng cao
 
QNS đặt ra kế hoạch doanh thu 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 913 tỷ đồng trong năm 2021. Kết thúc năm, doanh thu hợp nhất của QNS đạt 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.235 tỷ đồng. Tuy doanh thu chưa đạt so với kế hoạch, nhưng lợi nhuận lại tăng 322 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ lực trên thị trường của công ty là sữa đậu nành, đường, bánh kẹo... Kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, nên hiện tại, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của QNS đang giao dịch ở mức 48,3 nghìn đồng/cổ phiếu, tăng hơn 26% so với đầu năm 2021.
 
Phương tiện cơ giới của Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi thu hoạch mía.
Phương tiện cơ giới của Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi thu hoạch mía.
Năm 2022, QNS đặt kế hoạch doanh thu 8.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, giảm 18,4% so với năm 2021. Trong báo cáo triển vọng ngành đường năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra quan điểm lạc quan đối với QNS, nhờ kết quả kinh doanh tích cực từ mảng đường. Sản lượng đường RS sẽ tăng mạnh lên 158 nghìn tấn và RE sẽ tăng lên 63 nghìn tấn, do sản lượng mía tăng và nhà máy đường RE hoạt động cả năm. 
 
Hội đồng quản trị QNS đã thông qua nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2021 cho cổ đông. Theo đó, ngày 20/1/2022 sẽ là ngày cuối cùng đăng ký thực hiện quyền nhận cổ tức, tỷ lệ tạm ứng là 5%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 500 đồng. Với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi ra gần 179 tỷ đồng, để thanh toán cho cổ đông. Trước đó, vào tháng 8/2021, QNS đã thực hiện tạm ứng cổ tức lần 1 cho cổ đông, cũng với tỷ lệ 5%.

Nhiều triển vọng

 
Giá đường thế giới hiện đang tăng trở lại, với mức tăng 49%, còn giá đường trong nước tăng khoảng 13%. Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá đường thế giới tăng là do nguồn cung đường giảm tại Brazil, vì tình trạng khô hạn nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mía và niên vụ 2022 - 2023, những khó khăn này vẫn chưa giảm. Vì thế, việc tăng sản lượng mía tại Brazil rất thấp. Do đó, mặc dù hiện chưa công bố dự báo nguồn cung đường của thế giới trong niên vụ 2022 - 2023, nhưng theo tính toán thì sẽ thiếu hụt. Trong khi đó, dự báo sự khôi phục vùng mía kịp thời của Việt Nam, trong đó có vùng mía của QNS tập trung ở Gia Lai sẽ tăng mạnh về sản lượng. Giá mua mía cây hiện cũng được tính toán, dao động từ 820 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn tại ruộng.
 
Lãnh đạo QNS cho biết, hiện công ty đang giải phóng đường tồn kho trong niên vụ 2020 - 2021 (khoảng 25 nghìn tấn) và bán thêm 10 nghìn tấn đường RE mới sản xuất. Ngoài đường kính trắng, QNS còn có sản phẩm đường vàng, việc đóng gói cũng linh hoạt theo nhu cầu của thị trường. Riêng mảng sữa đậu nành, năm 2022, sản lượng được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10%, lợi nhuận tăng khoảng 28% so với năm 2021.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.