Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình

06:11, 09/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư công, trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư thường gộp chung các hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), xây lắp vào chung trong một dự án. Việc thực hiện này đã bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, các cơ quan liên quan đề xuất tách công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB và TĐC thành một dự án độc lập song song với dự án xây lắp. 
[links()]
 
Cần thiết...
 
Hiện nay có không ít dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thi công kéo dài, công tác giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra, mà nguyên nhân là do công tác GPMB gặp nhiều khó khăn.
 
Dự án Tỉnh lộ 624B sau nhiều năm triển khai đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng trong khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Dự án Tỉnh lộ 624B sau nhiều năm triển khai đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng trong khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Đơn cử như dự án Tỉnh lộ 624B Quán Lát - Đá Chát có chiều dài hơn 3km, nhưng hơn 3 năm qua dự án này vẫn chưa thể hoàn thành. Trong khi đó, nhiều nhà thầu cho rằng, nếu có mặt bằng sạch, thì thời gian thi công để hoàn thành công trình chưa đến 6 tháng. Tương tự là dự án Tỉnh lộ 623B, điểm nghẽn hiện nay cũng là công tác bồi thường, GPMB và TĐC nên sau nhiều năm triển khai đến nay dự án này thi công... đứt quãng.
 
Mới đây, Sở TN&MT đã có công văn gửi các đơn vị lấy ý kiến về việc đánh giá và đề xuất tách phần TĐC, bồi thường, GPMB ra khỏi dự án đầu tư để thành lập dự án độc lập, nhằm tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. 
 
“Chúng ta cần làm sạch mặt bằng rồi mới giao các nhà đầu tư triển khai thi công, xây dựng. Như vậy sẽ không còn tình trạng dự án dở dang, nhếch nhác và giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông, môi trường sống", Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung lý giải.
 
... nhưng phải có cơ chế hợp lý 
 
Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phong, đặc thù các công trình giao thông là trải dài theo đoạn tuyến nên khối lượng bồi thường, GPMB rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, thời gian thực hiện kéo dài, nhất là các dự án đi qua đô thị, khu dân cư. Tiến độ và thời gian thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ GPMB. Do đó, việc đề xuất tách bồi thường, TĐC, GPMB thành dự án độc lập là cần thiết. Khi đó, việc triển khai thực hiện sớm sẽ góp phần rất lớn trong việc rút ngắn thời gian, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
 
“Tuy vậy, khi tách thành dự án độc lập thì công tác TĐC, GPMB đối với các công trình giao thông chỉ được thực hiện sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, kinh phí thực hiện cũng được xác định song song với bước lập dự án đầu tư. Vì vậy, nếu thực hiện như đề xuất cần phải xem xét có cơ chế riêng để thực hiện đảm bảo thuận lợi và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan”, ông Phong kiến nghị.
 
Một cán bộ tham gia quản lý nhiều dự án đầu tư cho rằng, khi tách phần bồi thường, hỗ trợ, TĐC, GPMB thành dự án độc lập sẽ phát sinh thêm những bất cập và thiếu hợp lý. Bởi theo Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020 và Thông tư số 9/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng, thì các chi phí này đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án.
 
“Nếu tách riêng thành dự án độc lập có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC, GPMB xong nhưng lại không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu vốn, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”. Do đó, chỉ thực hiện tách công tác bồi thường, GPMB và TĐC thành dự án độc lập đối với các trường hợp đặc thù”, vị này đề xuất.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.