Chuyển đổi loại hình khai thác hải sản: Ngư dân vẫn gặp khó

03:11, 08/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều chủ tàu làm nghề giã cào tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã đóng mới, cải hoán tàu cá để chuyển sang nghề câu. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, ngư dân vẫn gặp khó khăn và liên tiếp thua lỗ.
[links()]
 
Thực hiện quy định của tỉnh về việc tạm dừng phát triển tàu lưới kéo, kể cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ tỉnh ngoài về, từ cuối tháng 12/2015 đến nay, gần 200 chủ tàu làm nghề giã cào ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã đóng mới và cải hoán sang nghề câu khơi. Tuy nhiên, sau khi mạnh dạn chuyển nghề, ngư dân đã gặp phải nhiều khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm với loại hình đánh bắt mới.
 
Nghề câu kém hiệu quả nên một số ngư dân ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) tự ý chuyển lại nghề giã cào
Nghề câu kém hiệu quả nên một số ngư dân ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) tự ý chuyển lại nghề giã cào
“Gia đình tôi có truyền thống làm nghề giã cào đôi. Năm 2017, một trong hai tàu giã cào bị hư hỏng, nhưng theo quy định của tỉnh không được đóng mới nên tôi quyết định đóng mới một chiếc tàu làm nghề câu. Xưa nay cha con tôi chỉ chuyên làm nghề giã cào, chưa từng làm nghề câu khơi, nên những năm qua tàu câu liên tục lỗ tổn. Có chuyến lỗ gần 60 triệu đồng”, ông Phan Trải, một ngư dân ở phường Phổ Thạnh cho biết.
 
Theo thống kê của Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Thạnh, sau một thời gian hoạt động khai thác hải sản bằng nghề câu bị thua lỗ, nên nhiều chủ tàu ở địa phương đã tự ý chuyển trở lại nghề giã cào. Hiện trên địa bàn phường có 160 tàu đăng ký nghề câu nhưng hoạt động nghề giã cào. Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Thạnh Võ Thu cho biết, do đánh bắt trái với nghề đã đăng ký, nên cơ quan chức năng không cho các tàu này hoạt động. Vì vậy, các chủ tàu đã đề nghị các cấp chính quyền xem xét, có giải pháp hỗ trợ tàu cá ở địa phương được hoạt động ổn định nhằm đảm bảo đời sống của ngư dân. 
 
Theo Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Minh Đức, mỗi làng chài trên địa bàn tỉnh có truyền thống  đánh bắt khác nhau, nên khi ngư dân đang thành thạo nghề giã cào lại chuyển sang nghề khác, buộc ngư dân phải có thời gian dài để thích ứng. Hiệu quả đánh bắt phụ thuộc phần lớn vào thời gian ngư dân bám nghề để tích lũy kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. 
 
Ông Đức khuyến cáo, do thiết kế của tàu giã cào khá đặc thù, nên khi cải hoán sang nghề câu phải tùy theo chiều dài của tàu.  Đối với tàu có chiều dài dưới 20m, thì cải hoán sang nghề câu cá ngừ đại dương, còn tàu có chiều dài trên 24m thì cải hoán sang nghề câu mực xà. Tuy nhiên, do sức chứa của tàu giã cào nhỏ, chỉ chứa được từ 20 người trở xuống, trong khi đó những chiếc tàu đóng mới, chuyên làm nghề câu mực xà lại có sức chứa từ 40 - 50 người. Vì vậy, hiệu quả đánh bắt khi ngư dân cải hoán từ tàu giã cào sang câu mực xà cũng chỉ ở mức tương đối. Khó khăn mà ngư dân gặp phải cũng là điều mà ngành chức năng của tỉnh đang trăn trở.  
 
Bài, ảnh : Ý THU
 
.
 

.