“Bàn tay ta làm nên tất cả”

10:06, 17/06/2013
.

(QNg)- Đến thôn Đông Hòa (xã Tịnh Giang, Sơn Tịnh) hỏi ông Trần Đình Xuân không ai là không biết. Người đàn ông chạm ngưỡng lục tuần này nổi tiếng làm giàu từ mảnh đất gò đồi cằn cỗi.  

TIN LIÊN QUAN


Ông Trần Đình Xuân sinh ra và lớn lên ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ngày trước, ông là giáo viên cấp I trường làng. Cứ nghĩ sẽ gắn bó trọn cuộc đời với nghiệp “gõ đầu trẻ”, nhưng rồi ông Xuân đã phải gác lại ước mơ bởi trách nhiệm gia đình đè nặng trên vai. Ông Xuân nhớ lại: “Ngày ấy cha mẹ già yếu, các em nheo nhóc. Tiền lương giáo viên không đủ trang trải, cuộc sống gia đình rất khó khăn, thiếu thốn”. Căng tràn quyết tâm đưa gia đình thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ, chàng trai trẻ Trần Đình Xuân xung phong lên vùng kinh tế mới Tịnh Giang. “Tôi luôn động viên bản thân không cầm phấn được thì cầm cuốc, cái nào cũng là lao động chân chính”, ông Xuân nói.

 

Bước sang tuổi 60, thế nhưng ông Xuân vẫn miệt mài với công việc đồng áng.
Bước sang tuổi 60, thế nhưng ông Xuân vẫn miệt mài với công việc đồng áng.


Ông Xuân cho biết, vùng đất Tịnh Giang khi đó hầu hết là đất gò đồi hoang hóa, bạc màu. Mỗi hộ gia đình đến đây nhận được 1ha đất đồi. Là vùng kinh tế mới nên ở Tịnh Giang ngày ấy chẳng có phương tiện cơ giới nào ngoài con trâu và đôi bàn tay. Nhiều hộ gia đình vì không chịu được cảnh sống khắc nghiệt nơi vùng đất cằn cỗi đã phải bỏ đi tìm kế khác để mưu sinh. Vợ chồng ông Xuân vẫn kiên trì bám trụ. Ngày qua ngày vợ chồng ông miệt mài cải tạo từng tấc đất. Ông Xuân còn mạnh dạn mua thêm 5 ha đất của các hộ chuyển đi để tiếp tục cải tạo, trồng trọt. Đất không phụ công người, những thửa đất hoang hóa dần trở nên màu mỡ và được bao phủ bởi màu xanh tươi tốt của cây cối. Vợ chồng ông Xuân đã gặt hái nhiều vụ mùa bội thu. Cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định. Với bản tính cần cù, chịu khó, không tự bằng lòng với những gì đã có, ông Xuân vẫn miệt mài lao động, sáng tạo, quyết thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất được ông xác định là quê hương thứ hai của mình.     

Từ thu nhập có được, ông Xuân từng bước đầu tư mua sắm nông cụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện ông sở hữu khá nhiều máy móc như máy cày, máy băm, máy nước… Năm 2012, với 4 ha đất đồi, gia đình ông Xuân đã thu được trên 200 tấn mía. Ngoài trồng mía cung cấp cho nhà máy đường, ông Xuân còn trồng mía trái vụ cung cấp cho các đại lý thu mua mía ép nước trên địa bàn xã và các xã lân cận. Bên cạnh đó ông còn trồng ớt, dưa, mì… Ông Xuân cũng đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi công nghiệp. Hiện trong chuồng trại của gia đình ông Xuân có 10 con bò sinh sản và trên 500 con gà kiến thùng. Mỗi năm gia đình ông Xuân đều có khoản thu nhập đáng kể từ công việc chăn nuôi, trồng trọt. Nhìn cơ ngơi bề thế của gia đình ông Xuân hiện nay nhiều người không khỏi trầm trồ thán phục.    

Bên cạnh nỗ lực trong công việc đồng áng của gia đình, ông Xuân còn tích cực tham gia công tác hội nông dân, giúp các hộ dân trên địa bàn xã đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả. Ông Xuân cùng với hơn 10 hộ dân ở địa phương thành lập tổ cơ giới hóa để phục vụ bà con nông dân làm đất, gieo trồng… 5 năm qua, ông Xuân còn đứng ra tín chấp để Công ty cổ phần Phân hữu cơ HUMIC Quảng Ngãi cho nông dân trong xã mua nợ phân bón. Vụ đông-xuân vừa qua, nhờ ông đứng ra tín chấp, có hơn 200 hộ dân nghèo trong xã được mua 40 tấn phân bón trả sau phục vụ kịp thời cho mùa vụ. Nghe chúng tôi hỏi đâu là bí quyết giúp ông thành công, ông Xuân chìa đôi bàn tay thô ráp, chai sạm ra và bảo: “Đây. Cơ ngơi của tôi được xây dựng từ đôi bàn tay này. “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết như thế” và ông  Xuân đã làm được như vậy.

Bài, ảnh: Vũ Yến
 
 


.