Tư Nghĩa: Dồn sức ngăn mặn, giữ ngọt

09:06, 16/06/2013
.

(QNg)- Nắng gắt, mực nước trên sông Trà Khúc, sông Vệ xuống thấp. Khi thủy triều lên, nước biển tràn vào vùng hạ lưu các dòng sông gây nhiễm mặn trên những cánh đồng ở khu Đông huyện Tư Nghĩa. Địa phương này đang dồn sức chống xâm nhập mặn và giữ ngọt nhằm tưới mát các cánh đồng và ổn định nước sinh hoạt cho dân.  

TIN LIÊN QUAN


 Đẩy nhanh tiến độ thi công kè Hòa - Hà  

Đầu tháng 6, cao điểm của mùa khô. Nắng, gió hắt rát da người. Thế nhưng, trên công trình xây dựng tuyến kè Hòa - Hà, các đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tuyến kè trước kế hoạch. Ông Nguyễn Hoàng Anh Tiễn - Kỹ thuật viên Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đại An, theo dõi thi công gói thầu số 10, cho biết: Công ty đảm nhiệm thi công đoạn kè K3+600 đến K3+800, với chiều dài 200m. Đến ngày 30/5, đơn vị đã thi công và hoàn thành 94% khối lượng công việc. Ngày 10/6 đơn vị sẽ bàn giao, trước tiến độ 2 tháng.  

 

Nhờ tu bổ kịp thời, đập Hiền Lương hiện vẫn giữ được nguồn nước ngọt dồi dào.
Nhờ tu bổ kịp thời, đập Hiền Lương hiện vẫn giữ được nguồn nước ngọt dồi dào.


Nối tiếp đoạn kè trên, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đại An đảm nhận thi công gói thầu số 9, với chiều dài hơn 410m. Công ty khởi công xây dựng từ tháng 4/2012, kế hoạch đến tháng 8/2013 hoàn thành, nhưng đến thời điểm này đã hoàn thành 95% khối lượng công việc. Các đoạn kè còn lại, các đơn vị thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tuyến bao bọc các cánh đồng,  đáp ứng việc ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa khô hạn năm nay.

Ông Trương Ngọc Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch quy hoạch (Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều), cho biết: Công trình đê kè Hòa - Hà (đoạn từ Quan Thánh đến Hiền Lương), huyện Tư Nghĩa được đầu tư hơn 168,4 tỷ đồng. Xây dựng với quy mô chiều dài gần 5.000m, với nhiều hạng mục được phân nhỏ, như 11 công trình trên đê, trồng cây chắn sóng bãi trước đê... Công trình được chia làm 8 gói thầu. Chi cục đã triển khai 5 gói thầu, với kinh phí bố trí từ năm 2010 - 2013 hơn 41,7 tỷ đồng. Đến nay đã có 4 gói thầu hoàn thành trên 95% giá trị khối lượng thực hiện. Dự kiến đến cuối tháng 6 các đơn vị thi công hoàn thành các gói thầu số 7, 8, 9, 10 trước tiến độ, với chiều dài gần 2.000m.

Dự án đê kè Hòa - Hà nằm trong Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương trình SP-RCC) được Chính phủ phê duyệt đầu tư kinh phí. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên ngành nông nghiệp chỉ xây dựng một số gói thầu để đối phó với trình trạng xâm nhập mặn hiện nay.

Dồn sức ngăn mặn

 Việc xây dựng đê kè Hòa - Hà sẽ khắc phục một phần tình trạng nhiễm mặn ở khu Đông huyện Tư Nghĩa trong tương lai. Nhưng hiện tại, công trình chưa hoàn thành và phía đông nam của huyện chưa thi công kè nên nhiều cánh đồng ở vùng đông Tư Nghĩa  bị nhiễm mặn.

Tại cánh đồng Khánh Lạc thuộc xã Nghĩa Hà, ông Dương Tấn Trúc đang chạy mô tơ đưa nước từ giếng đóng lên ruộng lúa của mình. Ông nói: "Cứ một ngày là chạy nước lên thay một lần. Lúa nhỏ, nước vừa nhiễm mặn, nhiễm phèn nên phải thay liên tục. Hôm nào, không xử lý kịp là lúa héo lá, chậm phát triển".

Ông Bùi Văn Hoanh - Phó Trưởng trạm Quản lý thủy nông số 3,  cho biết: "Trạm quản lý 5 đập. Trong đó có hai đập là Hiền Lương và Tân Quang có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, các công trình này xây dựng lâu năm, nên có nhiều hạng mục, như van đóng mở tự động bị hư hỏng, rò rỉ nguồn nước. Hằng năm, trạm trích kinh phí duy tu bảo dưỡng. Trước vụ hè thu năm nay, Trạm đã huy động nhân công cùng bà con địa phương dồn bao cát để trấn bên dưới đáy các thân đập. Hiện hai đập vẫn đảm bảo chức năng ngăn mặn và đủ nước ngọt tưới cho 400 ha lúa vụ hè thu theo kế hoạch".

Theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tư Nghĩa, ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã nhận định thời tiết năm nay rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài. Dự kiến có khoảng 4.500/7.000 ha bị hạn, chiếm 64% tổng diện tích gieo trồng trong vụ hè thu của huyện. Đặc biệt là khu Đông của Tư Nghĩa, các đập có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt hiện đã bị xuống cấp, nên khó tránh khỏi nạn xâm nhập mặn trên nhiều cánh đồng. Huyện đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, các Hợp tác xã nông nghiệp, Trạm quản lý thủy nông số 3 theo dõi chặt chẽ tình hình nắng hạn, khoanh các vùng thiếu nước để có biện pháp phòng, chống. Các xã khu Đông của huyện phải kết hợp chống hạn với xâm nhập mặn để đảm bảo sản xuất và tạo nguồn nước sinh hoạt cho dân. Huyện đã đầu tư trên 5 tỷ đồng cho công tác chống hạn và xâm nhập mặn.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 
 


.