Tảo tần mưu sinh trong đêm

07:03, 09/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi màn đêm buông xuống, mọi người quây quần bên gia đình, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, thì họ lại bắt đầu công việc mưu sinh của mình. Đó là những người phụ nữ cần mẫn với quán ăn vỉa hè, là những người lao công thầm lặng làm sạch đường phố...

TIN LIÊN QUAN

Vất vả, nặng nhọc, độc hại và cả nguy hiểm ít ai biết đến, đó là công việc quét đường đêm. Lúc mọi người chìm vào giấc ngủ, bà Bùi Thị Minh (1967) ở đường Quang Trung (TP. Quảng Ngãi) sửa soạn chổi, thùng đựng rác, để bắt đầu công việc.

Hơn chục năm qua, chị Cao Thị Thu Nguyệt gắn bó với quán hủ tiếu vào ban đêm.
Hơn chục năm qua, chị Cao Thị Thu Nguyệt gắn bó với quán hủ tiếu vào ban đêm.


Hơn 20 năm quét đường đêm, bà Minh đã quen với từng góc đường, con phố và chứng kiến bao sự đổi thay của phố phường. Bà Minh trải lòng, so với hàng chục năm trước, thì công việc bây giờ đỡ vất vả hơn vì đường phố khang trang, có xe máy kéo theo thùng đựng rác. Tuy nhiên, nghề lao công vẫn rất cực nhọc, chưa kể những nguy hiểm rình rập khi làm việc ban đêm, xe cộ phóng nhanh, vượt ẩu...

Bắt đầu đi làm lúc 21 giờ, đến gần 5 giờ sáng, bà Minh mới hoàn thành xong công việc và trở về nhà. Phần lớn những người lao công hay bị các bệnh về khớp hay hô hấp. Vì mưu sinh, bà Minh vẫn gắn bó với công việc quét đường đêm và luôn nỗ lực hoàn thành phần việc của mình.

Ở góc ngã tư đường Quang Trung – Phạm Xuân Hòa, gần 21 giờ, chị Cao Thị Thu Nguyệt (1982) vẫn bán hàng không ngơi tay. “Vốn liếng” hai vợ chồng chị Nguyệt tạo dựng sau nhiều năm là lượng khách đông đến với quán. “Hai vợ chồng tôi cùng quê ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ), trước đây, chúng tôi bán hủ tiếu ở TP.Hồ Chí Minh.

Đến năm 2007, tôi mang bầu đứa con thứ hai, nên về quê sinh con, rồi cùng chồng ra TP.Quảng Ngãi tìm hướng mưu sinh. Ban đầu hai vợ chồng bán dưới đường Trương Quang Trọng, sau mới chuyển lên đường Quang Trung”, chị Nguyệt kể. Thông thường, mỗi ngày khoảng 17 giờ 30 phút, hai vợ chồng chị Nguyệt lại đẩy xe đến địa điểm bán đến tầm 1 giờ 30 phút sáng.

Những người bán thức ăn vào ban đêm hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Vì thế, đôi mắt chị Nguyệt lúc nào cũng thâm quầng do giờ giấc thay đổi, ngủ ít. Về nhà, chỉ kịp đặt lưng nằm đến khoảng 5 giờ sáng, chị Nguyệt phải thức dậy để lo cho con đi học. Buổi sáng, hai vợ chồng chị Nguyệt đi chợ mua thực phẩm để chuẩn bị cho buổi tối. Chị Nguyệt chia sẻ, công việc tuy nhọc vì thức đêm, nhưng bù lại vợ chồng tôi có tiền nuôi con ăn học và trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Còn quán bún riêu của bà Năm ở góc ngã tư đường Quang Trung – Nguyễn Tự Tân luôn tấp nập khách mỗi đêm. Bà Năm bán bún riêu hàng chục năm qua, kể từ khi con nhỏ. Nhờ những nồi bún riêu mà bà Năm đã nuôi con lớn lên, rồi phụ con cái nuôi các cháu ăn học. Đến nay, dù những người con của bà đều đã lập gia đình, nhưng bà vẫn gắn bó với công việc này.

Với những phụ nữ tần tảo, mưu sinh trong đêm, ngày 8.3 cũng như mọi ngày. Những vòng xe chở gánh hàng đêm vẫn lăn đều, như gửi gắm bao mong ước của họ về tương lai cho con cái đầy đủ hơn...


Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.