Mùa mưa lũ, lo sạt lở

08:11, 01/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sạt lở, ngập lụt dự báo trong mùa mưa lũ năm nay không chỉ đến từ núi cao, bờ sông, suối, biển mà còn đến từ chính các công trường đang thi công dở dang...

TIN LIÊN QUAN

Mùa mưa lũ 2015, 2016 đã gây ra 17 điểm sạt lở, hư hỏng mái ta luy trên tuyến đường ĐH 83 dài 31km, đoạn qua các xã Sơn Tân  - Sơn Tinh - Sơn Lập (Sơn Tây). Mùa mưa 2016, trên tuyến đường này (đoạn qua xã Sơn Tinh) đã xảy ra sạt lở đường, chia cắt giao thông. Các đơn vị thi công trên công trường đã huy động máy móc múc đất, đá để cho các phương tiện tham gia giao thông đi lại. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

 Lán trại của công nhân thủy điện sát sông Xà Lò, tiềm ẩn nguy hiểm khi mưa lũ về.
Lán trại của công nhân thủy điện sát sông Xà Lò, tiềm ẩn nguy hiểm khi mưa lũ về.


Điều đáng lo ngại là tại tất cả các điểm sạt lở trên tuyến đường này, đến nay huyện Sơn Tây vẫn chưa khắc phục được. Hơn nữa, tình trạng phương tiện thi công thủy điện và các dự án khác đi lại trên tuyến này thời gian qua cũng góp phần làm hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông trong vùng, vì đây là tuyến đường huyết mạch nối liền ba xã nói trên với huyện Sơn Tây.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, cho biết: “Huyện đã xác định hàng trăm điểm xung yếu để khắc phục, nhưng chỉ khắc phục tạm thời bằng giải pháp mềm, tức là di dời, cảnh báo để dân biết không đi lại trong vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Về lâu dài, để giải quyết thấu đáo thì nguồn lực chưa có. Mùa mưa bão trước, nhiều tuyến đường, khu dân cư sạt lở, nhưng chưa có kinh phí khắc phục. Mùa mưa bão này vết nứt, mức độ sạt lở sẽ gia tăng, huyện đang rất lo lắng”.

Tại huyện Trà Bồng, ngày 20.10, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra về tình hình sạt lở bờ sông, suối, khu dân cư (KDC). Ngay sau đó đã có công văn khẩn gửi lên UBND tỉnh, xin hỗ trợ khắc phục khẩn cấp tình hình sạt lở tại KDC Nà Tpok Tket, thuộc thôn Cả, xã Trà Hiệp. Hiện tại KDC này sạt lở cả ta luy dương và âm, với chiều dài vết sạt lở rộng đến vài chục mét và đang tiếp tục sạt lở thêm.

Bờ sông Trà Bồng đoạn thác Công Nhân bị sạt lở dài 600m, rộng 20m và sâu 5m, làm lệch dòng chảy, đe dọa tính mạng, nhà cửa của người dân vùng lân cận. Tuyến đường Di Lăng – Trà Trung nhiều điểm sạt lở đã xuất hiện, nguy cơ tiếp tục gia tăng, gây ách tắc giao thông.

Mùa mưa bão này, tình trạng sạt lở, lũ, ngập úng được cảnh báo là không chỉ đến từ núi cao, sông suối, bờ biển, mà còn được cho là sẽ do chính các dự án đang thi công trên địa bàn gây ra. Trong đó đặc biệt lo lắng là tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến đường này đi qua địa phận các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và tất cả đều trong tình trạng xây dựng dở dang. Riêng đoạn qua Sơn Tịnh, tuy mặt đường cơ bản hoàn thành, song các hạng mục khác, đặc biệt là kè ta luy vẫn ngổn ngang.

Các dự án thủy điện Đăkre (Ba Tơ), Sơn Trà 1, Sơn Tây (Sơn Tây) hiện đang vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công. Lượng đất đá, vật liệu, máy móc gia tăng đột biến. Thêm vào đó, các công trình này lại nằm trên thượng nguồn các con sông lớn đổ về hạ du, nên tình trạng cảnh báo mưa lũ luôn đặt trong tình trạng thường trực. Ngoài đảm bảo tính mạng công nhân, quá trình thi công còn phải hạn chế đến mức thấp nhất sạt lở đất đá xuống lòng sông.

Mỗi công trình dự án thủy điện này, hiện tại có từ 100 - 300 lao động, lán trại bố trí dọc theo bờ sông, suối, trong khi đây là vùng cảnh báo sạt lở cao. Trước đây, tại vùng này đã xảy ra tình trạng lũ về cuốn trôi cả lán trại; công nhân đi lên công trường bị nước cuốn trôi. Vì thế, chủ đầu tư, nhà thầu không được chủ quan trong phòng chống mưa lũ, bảo vệ tính mạng công nhân và bảo vệ công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.