Nhân Ngày Phòng, chống thiên tai của Việt Nam (22.5):
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường từ thiên nhiên

07:05, 22/05/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Thiên tai ngày càng cực đoan và khốc liệt. Đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu dữ dội trong thời gian gần đây, không chỉ xảy ra vào mùa mưa bão mà giờ đây suốt bốn mùa trong năm đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường từ thiên nhiên.

TIN LIÊN QUAN

Không gì không thể xảy ra
 
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn biến bất thường và cực đoan, gây hậu quả nặng nề.
 
Nếu như năm 2015, cả nước có 154 người chết do các hiện tượng thiên tai, 127 người bị thương, 1.242 ngôi nhà bị sập, đổ, trôi và hơn 35.000 ngôi nhà bị hư hại… tổng giá trị thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng, thì 4 tháng đầu năm 2016, thiên tai càng khốc liệt, gây thiệt hại lớn hơn cả năm 2015 cộng lại, với tổng thiệt hại 9.735 tỷ đồng.
 
 
Lốc xoáy bất ngờ khiến hàng trăm ngôi nhà ở huyện Tư Nghĩa bị tốc mái.
Lốc xoáy bất ngờ khiến hàng trăm ngôi nhà ở huyện Tư Nghĩa bị tốc mái.
 
Không chỉ là những hình thức thiên tai đơn thuần mà các nguy cơ mới về thiên tai lại càng xuất hiện nhiều như: Những trận dông lốc bất thường; mưa lịch sử; các đợt rét đậm, rét hạ; mưa đá, lốc xoáy, băng tuyết xuất hiện ngay trong mùa hè.
 
Cá biệt một số nơi lần đầu tiên quan trắc được mưa tuyết như tại Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Hòa Bình) và Kỳ Sơn (Nghệ An).
 
Điển hình nhất là hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; triều cường xâm thực, xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long,…
 
Rõ ràng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đối với nước ta, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long- nơi chịu tác động rất mạnh mẽ của nước biển dâng. Hiện nay, một số địa phương như Cà Mau mỗi năm 200- 300ha đất bị sạt lở, biến mất. 
 
Trước đây mặn chỉ xâm nhập sớm từ biển Tây, còn năm nay mặn vào cả từ biển Đông. Có nơi độ mặn tại sông đo được là 2%o, chưa từng có trong lịch sử. Mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, gây hậu quả nặng nề đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, lâm nghiệp, thuỷ sản, tác động xấu đến môi trường, đất đai.
 
Liên tục xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại. Ảnh: Internet.
Liên tục xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Ảnh: Internet.
 
Tại Ninh Thuận, vụ đông xuân vừa qua đã có 6.000 ha đất sản xuất nông nghiệp đành bỏ hoang và vụ hè thu tới, diện tích bỏ hoang sẽ lên đến 15.000 ha vì thiếu nước sản xuất.
 
Trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão toàn quốc vào ngày 13.5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải thốt lên: “Không có gì không thể xảy ra, khốc liệt và khó lường, cường độ và tác động mạnh hơn, có những đợt cao kỷ mục trong vòng 100 năm qua”.
 
Phòng là chính
 
Theo ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Mùa mưa bão 2016 đang đến gần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường từ thiên nhiên, khả năng lũ quét, lũ lớn trên các sông suối.
 
Để chuẩn bị đối phó với mùa mưa lũ năm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ này đang cùng 28 tỉnh xây dựng các kế hoạch để đối phó với mưa lũ, sơ tán người dân. Những khu vực nào có nguy cơ cao thì dứt khoát phải di dời ngay người dân ra khỏi đó. 
 
Hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long.
Hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Internet
 
Tuy nhiên, thiên tai là sự cố liên tục rình rập, bất ngờ, chúng ta không thể chống mà phải đề cao công tác phòng, phòng mới là chính, nó đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và nhân dân phải chủ động, linh hoạt, ứng phó có hiệu quả. Công tác dự phòng rất quan trọng, để nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai. 
 
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, những năm qua, Việt Nam đã chuyển từ bị động sang chủ động trong phòng chống thiên tai, dựa vào nhân dân là chính, sự chủ động của các địa phương và nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.
 
Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” có hiệu quả- thực chất đó là thực hiện dựa vào cơ sở là chính, dựa vào nhân dân là chính, trước hết là phải do nhân dân và từng làng xã tổ chức thực hiện thì mới có hiệu quả thiết thực. 
 
Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống thiên tai như: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; lập bản đồ cảnh báo, phân vùng rủi ro; bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân vùng bị thiên tai.. thì việc khi có thiên tai xảy ra, người dân chủ động ứng phó, có những hành động phòng tránh phù hợp là yếu tố rất quan trọng. 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 
 

.