Phòng chống thiên tai: Không chủ quan

04:09, 13/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết bất thường, cực đoan ngày càng thể hiện rõ qua nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm hay những trận mưa, lũ, lốc có cường độ cao. Điều này đặt ra cho chính quyền và người dân nhiều thách thức trong việc tìm kiếm, thực thi những giải pháp nhằm phòng chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai...

TIN LIÊN QUAN

Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng của trên 20 đợt lốc, mưa, bão, lũ, lốc và áp thấp nhiệt đới; đặc biệt là đợt mưa, lũ từ ngày 24– 27.3 với lượng mưa đo được ở vùng núi từ 400 – 500 mm, mức lịch sử so với cùng kỳ từ năm 1977 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cụ thể, toàn tỉnh có 8 người chết, 17 người bị thương, nhiều nhà cửa và công trình giao thông, thủy lợi, trường học, y tế... bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước gần 181 tỷ đồng.

Từ ý thức người dân…

Từng chịu thiệt hại nặng nề trong trận lũ lịch sử năm 2013 nên hiện giờ, người dân xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đã ít nhiều tích lũy được kinh nghiệm ứng phó và phòng, chống thiên tai cho riêng mình. Trong đó có việc chủ động và tuân thủ việc di dời, sơ tán khi có lệnh của chính quyền. Nhắc đến điều này, hộ Nguyễn Sáu, ngụ thôn Mỹ Hòa thừa nhận rằng, trận lũ năm 2013, nhà bị mất nhiều tài sản, heo gà cũng do ông chủ quan. Vì nghĩ “nhà mình cao ráo, chắc nước chỉ…tráng nền”. Hậu quả, đêm 15.11.2013, nhà bị nước lũ nhấn chìm, ông Sáu đã phải điện thoại cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã, huyện để cầu cứu. “Lúc đó hoảng quá, tôi nhớ ai gọi đó. May mà mấy anh ở xã cứu kịp, không là tôi mất mạng rồi”, ông Sáu nhớ lại. Với bài học nhớ đời ấy nên ngay bây giờ, không chỉ ông Sáu mà người dân xã Nghĩa Mỹ đã chủ động kê gác tài sản lên cao để khi có lệnh là lập tức di dời, sơ tán.

Người dân di dời tài sản trong trận lũ năm 2013.
Người dân di dời tài sản trong trận lũ năm 2013.


Trong khi đó, thiệt hại của người trồng hoa, nuôi tôm  không đến từ sự chủ quan mà vì bà con chưa có kinh nghiệm ứng phó. Bởi nói như hộ Phạm Duy, ngụ thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp thì “khu nhà tôi ở cũng cao, nên hơn chục năm trồng hoa, chưa bao giờ nước lụt ngập quá 2/3 chậu”. Có lẽ vì suy nghĩ ấy nên không chỉ anh Duy, mà nhiều người trồng hoa ở huyện Tư Nghĩa đều bất lực khi lũ tràn về quá nhanh, quá mạnh khiến hơn 300 nghìn chậu hoa trong toàn huyện bị ngập, cuốn trôi. Sau bận ấy, người trồng hoa như anh Duy đã nghĩ ra cách ứng phó. Đó là nâng mặt bằng hoặc dùng chậu hoa kê chậu hoa. Còn những người nuôi tôm có điều kiện thì bê tông các bờ ao để tránh vỡ hồ vì nước lũ.

…đến “4 tại chỗ”

Trong khi người dân quan tâm, chủ động các biện pháp đề phòng, ứng phó với thiên tai thì chính quyền các địa phương cũng đang hối hả hoàn thiện, triển khai phương án “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, điều khiến các địa phương lo lắng chính là vật tư - phương tiện vẫn còn nhiều thiếu thốn. Đơn cử như huyện Nghĩa Hành, “rốn lũ” năm 2013 nhưng vì “thiếu kinh phí” nên hiện chỉ có 6/12 xã có máy phát điện; 4/12 xã có ghe, thuyền đảm bảo chất lượng hoạt động. Trong khi đó máy phát điện và ghe, thuyền được xem là phương tiện thiết yếu nhằm đảm bảo thông tin liên lạc, đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như cứu hộ cứu nạn khi xảy ra thiên tai.

Hơn nữa, theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, địa bàn huyện Nghĩa Hành rất khó thực hiện công tác di dời dân. Lý do, các trụ sở cơ quan, trường học đều ở gần điểm lũ nên việc di dời phải thực hiện từ thôn này sang thôn kia, thậm chí phải đến xã khác nên mất rất nhiều thời gian, mức độ rủi ro vì thế cũng cao hơn. Vậy nhưng đến cuối tháng 8, địa phương này vẫn chưa hoàn chỉnh phương án di dời dân cho từng cấp độ rủi ro. Điều này theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đàm Bàng là do “các xã chưa báo cáo phương án nên huyện không có cơ sở để tổng hợp”.

Khác với Nghĩa Hành, huyện Tư Nghĩa đã hoàn chỉnh phương án “4 tại chỗ” bằng cách phân bổ 300 triệu đồng từ ngân sách cho các xã, thị trấn để đóng mới 15 chiếc thuyền, trang bị máy phát điện cho 100% xã, thị trấn. Tuy nhiên, địa phương này vẫn lo lắng vì các điểm xung yếu, có nguy cơ cao như Xuân Phổ (Nghĩa Kỳ), Mỹ Phước (Nghĩa Thuận), Mỹ Hòa (Nghĩa Mỹ), xóm Đồng (Nghĩa Hòa) hay Tân An (Nghĩa Thương)… chưa được xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng. Nguyên nhân vì “kinh phí thực hiện quá lớn, vượt quá khả năng của huyện. Chúng tôi tha thiết mong cấp trên quan tâm bố trí vốn để sớm xây dựng các nhà tránh lũ cộng đồng, hoặc hỗ trợ người dân làm nhà tránh lũ vì chúng phát huy hiệu quả rất lớn”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh bày tỏ.    
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.