"Mới" nông thôn, nhưng chưa sạch môi trường

09:10, 03/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không tốn nhiều kinh phí đầu tư, nhưng môi trường vẫn được các địa phương đánh giá là tiêu chí khó trong lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Thế nên, các xã đã và sắp được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn canh cánh nỗi lo chưa xử lý triệt để vấn đề môi trường…

TIN LIÊN QUAN

Nghĩa trang: Chật vật chỉnh trang

Được đánh giá là địa phương có nghĩa trang mới đẹp, đáp ứng các điều kiện của tiêu chí NTM, nhưng người dân và chính quyền xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) vẫn canh cánh nỗi lo. Đó là nhiều ngôi mộ cũ nằm rải rác, thậm chí sát nhà dân hiện vẫn chưa được di dời; rồi khu nghĩa trang mới quy hoạch tuy rộng rãi, nhưng không phải người dân nào cũng đủ sức đưa người thân đã mất vào mai táng. “Ai chẳng muốn người đã mất được mồ yên mả đẹp. Nhưng để xây ngôi mộ đúng mẫu của xã cũng phải mất 30 – 40 triệu đồng. Số tiền này với nông dân chúng tôi lớn quá”, ông Võ Duy Vinh, thôn Đề An bày tỏ.  

Nghĩa trang nhân dân xã Hành Thuận đáp ứng các tiêu chuẩn của NTM.
Nghĩa trang nhân dân xã Hành Thuận đáp ứng các tiêu chuẩn của NTM.


Trong khi đó tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), việc quy hoạch và chỉnh trang nghĩa trang nhân dân cũng trở nên bức xúc. Bởi ngoài chuyện nghĩa trang cũ nằm ngay trong lòng khu dân cư nhưng không thể di dời vì liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, thì vẫn còn một số hộ mặc nhiên chôn cất người đã mất ở các nghĩa địa tự phát. “Thậm chí có hộ không chịu làm lễ an táng cho người chết ở nghĩa địa mà thôn, xã đã chỉ định. Lý do là nghĩa địa cũ họ có khu mộ gia đình nên muốn người chết được gần bà con họ tộc”, một người dân nói. Hơn nữa, phần lớn các nghĩa trang hiện nay đều vắng người trông nom, quản lý nên xảy ra tình trạng rác thải tràn lan.

Rác thải: Nguy cơ ô nhiễm

Để đảm bảo tiêu chí môi trường, nhiều địa phương giao Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) tổ chức thực hiện việc thu gom rác thải trong dân. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là thu gom xong, việc xử lý sẽ thế nào? Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì hầu hết các địa phương đều xử lý bằng cách tập kết rác thải vào bãi, sau đó phơi rồi đốt, nếu trời nắng; hoặc bón vôi, chôn lấp, nếu trời mưa!. Dù biết cách xử lý này chưa triệt để, nguy cơ ô nhiễm môi trường – nhất là ô nhiễm mạch nước ngầm rất lớn, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân (Mộ Đức) Phạm Thanh Sơn thì “không còn cách nào khả thi hơn”. Bởi lượng rác thải sinh hoạt hiện nay rất lớn, nhưng địa phương không đủ kinh phí để xây dựng lò hoặc nhà máy xử lý.

 Liên quan đến vấn đề này, xã Đức Tân, Đức Thạnh (Mộ Đức) cũng đã từng liên hệ với ông Nguyễn Minh - Đội trưởng Đội thu gom và xử lý rác thải xã Đức Phong để được tư vấn xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, vì kinh phí đầu tư từ 400 - 500 triệu đồng, vượt quá khả năng của xã, nên việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải bất thành. Và để xử lý rác thải của địa phương, chính quyền xã Đức Thạnh đã hợp đồng với ông Nguyễn Minh để thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý rác thải Đức Phong xử lý.

Cùng với rác thải sinh hoạt, người dân một số địa phương vẫn thản nhiên vứt chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu, xác gia súc, gia cầm chết ở các tuyến kênh mương nội đồng. “Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà con tăng nguy cơ bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định sau khi kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia NTM ở xã Hành Thuận.

Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đã và sắp cán đích NTM như Bình Dương (Bình Sơn), Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa); Hành Thuận, Hành Thịnh, Hành Minh (Nghĩa Hành); Tịnh Châu, Tịnh Khê (Quảng Ngãi), Đức Tân (Mộ Đức), Phổ Vinh (Đức Phổ), Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cam kết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân; đồng thời nỗ lực kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các lò, nhà máy xử lý rác thải để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp đúng chuẩn NTM.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.