Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

08:08, 24/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đóng vai trò rất quan trọng. HTX giải quyết việc làm và góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể phát huy hết vai trò, làm thay đổi diện mạo nông thôn thì trước hết bản thân các HTX phải tự nỗ lực hơn nữa. Đồng thời, Nhà nước cần có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để HTX có điều kiện phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Nhân tố quan trọng trong xây dựng NTM

Một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM là phải có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả. Do đó việc quan tâm, phát triển loại hình kinh tế tập thể sẽ là biện pháp giúp phát huy nguồn lao động dồi dào tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM ở các địa phương. Xác định rõ điều này, thời gian qua kinh tế tập thể đã có nhiều nỗ lực, thay đổi hình thức tổ chức, sáp nhập các HTX thôn thành một thể thống nhất để phát triển.

Là một trong những HTX từng đứng trước nguy cơ giải thể, nhưng với sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, HTX Nông nghiệp Bình Thanh Đông (Bình Sơn) đã vực dậy và trở thành mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu trong tỉnh đang trên đà phát triển. Và chính sự phát triển trên đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Trong đó, HTX đã đóng góp hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn… Trong năm 2016, HTX Nông nghiệp Bình Thanh Đông sẽ tiến hành thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và mở thêm dịch vụ môi trường, sản xuất lúa giống, bao tiêu sản phẩm để tăng thu nhập cho nông dân và góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường.

Các HTX nông nghiệp đã đưa cơ giới vào sản xuất, giúp nông dân giảm công lao động.
Các HTX nông nghiệp đã đưa cơ giới vào sản xuất, giúp nông dân giảm công lao động.


Ông Phạm Hoài Nam – Phó Chủ tịch Liên minh HTX cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 260 HTX hoạt động đa ngành nghề, trong đó có 192 HTX nông nghiệp, 55 HTX phi nông nghiệp và 13 Quỹ Tín dụng nhân dân. Thời gian qua, nhiều HTX đã có đóng góp lớn vào chương trình xây dựng NTM. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và đã phát huy vai trò liên kết nhiều thành viên tham gia, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức kiến thiết đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn như HTX Nông nghiệp Bình Dương, HTX Nông nghiệp Bình Thới…

Bên cạnh đó có nhiều HTX đã đóng góp tiền và hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi. Lĩnh vực hoạt động của các HTX cũng ngày càng đa dạng như dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ vật tư nông nghiệp, thủy lợi, giống cây trồng, vật nuôi; dịch vụ làm đất và thu hoạch. Đặc biệt, dịch vụ tín dụng nội bộ, bao tiêu sản phẩm lúa giống và sản xuất gạch không nung là những dịch vụ mới nhưng đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của HTX, giúp bà con xã viên có đầu ra sản phẩm ổn định và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Vẫn còn những rào cản

Mặc dù trong những năm gần đây, kinh tế tập thể đã có nhiều cải cách, đổi mới, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu đất để sản xuất nên nhiều tổ hợp tác, HTX vẫn chưa thể phát huy hết năng lực.

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ nhiệm HTX  Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn) chia sẻ: “Mặc dù HTX chúng tôi mới thành lập và đi vào hoạt động đầu năm 2015, nhưng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động tại địa phương. Đầu ra cho sản phẩm thì không phải lo và sản xuất bao nhiêu cũng đã có nơi bao tiêu. Tuy nhiên, hiện tại cái khó là quỹ đất mà HTX đang sở hữu quá nhỏ nên không thể mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước cũng quá khó khăn”.


Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn có rất nhiều tổ hợp tác, làng nghề ăn nên làm ra, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, giúp nhiều hộ thoát được nghèo như làng nghề mây tre đan xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi); tổ sản xuất chổi đót, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành)… Song do thiếu vốn đầu tư nên các làng nghề này chưa phát huy hết năng lực sản xuất.

Do đó, để kinh tế tập thể có thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM thì cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở trong việc rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh. Đối với những HTX yếu kém thì phải kiên quyết không chuyển đổi. Còn những HTX có năng lực nhưng thiếu vốn thì Nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách thông thoáng,  tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để HTX phát triển.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.