Sống chật vật giữa rừng phòng hộ: Kỳ 1- Nhà to nhưng bụng không no

01:05, 20/05/2013
.

(QNg)- 5 năm chuyển qua khu tái định cư mới “nằm” ở khu vực rừng phòng hộ, hơn 130 hộ dân nhường đất cho thủy điện Hà Nang của thôn 4 và tổ 1 thôn 1 xã Trà Thủy (Trà Bồng) vẫn sống trong cảnh thiếu ăn triền miên do không có đất sản xuất. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều chuyện “dở cười, dở mếu”, dù cái công trình thủy điện đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ lâu.
 

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Nhà to nhưng bụng không no



 Từ trung tâm xã Trà Thủy, vượt qua hơn 10 km đường núi, trước  mắt tôi là những nóc nhà tái định cư khang trang, kiên cố giữa chốn rừng núi bạt ngàn. Thế nhưng phần lớn cửa nhà khóa im ỉm.  Theo lời của những đứa trẻ nơi đây thì người làng đều vào rừng “kiếm cái ăn” hết rồi.


Nông dân sản xuất giỏi  thành… hộ nghèo

Theo người làng, rừng phòng hộ trở thành “nguồn sống” của phần lớn người dân nơi đây. Đến mùa đót (tháng 2-3 hằng năm) cả thôn khăn gói rủ nhau vào rừng chặt đót về bán lấy tiền mua gạo. Còn đến mùa lấy mật ong, trai tráng trong thôn lại men đường mòn lên tít trên đỉnh núi cao để tìm tổ ong. Hết mùa “hái” lộc rừng, hơn 400 khẩu nơi đây chỉ còn biết trông mong vào việc chặt củi để đổi lấy gạo. Anh  Hồ Văn Lương, một người dân sống ở khu tái định cư thôn 4 cho hay, cứ 3 bó củi to thì đổi được 2 kg gạo, nhưng để có được lượng củi đó, anh phải bỏ công từ sáng sớm đến xế chiều. Kiếm củi ngày nào, đổi gạo ăn hết ngày đó. Cứ như thế, suốt 5 năm qua, hơn 400 người dân ở thôn 4 và tổ 1 thôn 1 (Trà Thủy) gắng gượng chờ đợi đất sản xuất.

 

 Những ngôi nhà tái định cư luôn cửa đóng then cài.
Những ngôi nhà tái định cư luôn cửa đóng then cài.


Ông Hồ Văn Dương, một hộ dân thuộc diện hộ nghèo phân trần: “Ngày trước ở nơi ở cũ, tôi làm ruộng, trồng hơn 20 ha quế, nuôi 20 con bò. Nhưng giờ, đến nơi ở mới, không có đất sản xuất nên không thể trồng trọt được nữa. Tôi đành phải bán dần từng con bò (đến nay đã bán hết đàn bò 20 con-PV) để lấy tiền mua gạo nuôi 10 miệng ăn của gia đình”. Được biết, trước đây gia đình ông Hồ Văn Dương là gia đình sản xuất giỏi của xã Trà Thủy, nhưng từ khi qua nơi ở mới lại trở thành một trong những hộ nghèo, thiếu ăn.

Dời sang nơi ở mới để nhường chỗ cho việc xây dựng thủy điện, thế nhưng hiện giờ đồng bào Cor nơi đây lại phải ăn cơm trong ánh đèn dầu. Thêm một nghịch lí nữa là, mặc dù nhà nào cũng có công trình nước sạch được xây dựng kiên cố, nhưng ngày nào bà con trong thôn cũng phải lặn lội xuống suối múc từng can nước về sinh hoạt, bởi công trình nước sạch năm thì mười họa mới có nước.

Bơi thúng… lên non

Bên cạnh những hộ gia đình bám trụ lại khu tái định cư, thì hơn 20 gia đình khác lại chọn giải pháp quay về khu sản xuất cũ để trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là để trở về nơi cũ, họ phải băng rừng hơn 2 giờ đồng hoặc chèo thúng qua lòng hồ thủy điện. Ngoài thanh niên khỏe mạnh, chị em phụ nữ trong thôn cũng đành “nhắm mắt” phó thác tính mạng cho số phận để leo lên thúng bơi về nơi ở cũ.

 

Người dân khu tái định cư bơi thúng qua lòng hồ thủy điện để về lại nơi sản xuất cũ.
Người dân khu tái định cư bơi thúng qua lòng hồ thủy điện để về lại nơi sản xuất cũ.



 Chị Hồ Thị Bông, vừa khó nhọc neo chiếc thúng vào bờ, vừa trầm ngâm trải lòng: Sáng nào chị cũng rời nhà từ lúc 5-6 giờ sáng để ra lòng hồ thủy điện chèo thúng về khu sản xuất cũ để chăm sóc hoa màu và kiếm thêm ít vỏ quế.  Để về được nơi ở cũ, chị phải chèo cật lực suốt cả tiếng đồng hồ trên chiếc thúng cũ. Đó là lúc con nước êm, còn những lúc trời trở gió, chiếc thúng tròng trành theo con nước khiến chị nhấp nhỏm không yên. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên chị phải gạt đi nỗi sợ hãi. Khệ nệ đeo chiếc gùi đầy ắp lúa rẫy đi ngược lên thành hồ dựng đứng, mặc dù mồ hôi nhễ nhại nhưng chị Bông vẫn cười tươi rói bởi: “Chiều nay, hai đứa nhỏ có cơm ăn no nê rồi”.

Không như chị Bông, đi về trong ngày, vợ chồng ông Hồ Văn Tra quyết định đóng cửa căn nhà khang trang mà Nhà nước xây cho để về nơi ở cũ dựng lán trại ở tạm. “Ai không muốn ở trong nhà kiên cố, chẳng sợ nắng sợ mưa. Nhưng nếu cứ ở đó mãi thì nhìn cái nhà cũng không no bụng được. Thà về chỗ cũ, tạm bợ hơn nhưng có củ mì, trái bắp mà dằn bụng”.

Trước tình trạng người dân rời khu tái định cư, mạo hiểm chèo thúng qua lòng hồ thủy điện để về lại nơi sản xuất cũ, ông Thanh Quí Dương - Chủ tịch UBND xã Trà Thủy khẩn thiết đề nghị: “Các ngành chức năng chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ không xung yếu thành đất ngoài lâm nghiệp để giao lại cho người dân sản xuất. Đồng thời  mở đường dân sinh vào khu sản xuất cũ của nhân dân thôn 4 để nhân dân có nơi sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Bài, ảnh: Ý Thu



*Kỳ 2:  Dân lành biến thành “lâm tặc”
 


.