Ấm áp những việc làm nghĩa tình

10:07, 21/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, cả nước đang tập trung triển khai những hoạt động tri ân đối với người có công với cách mạng. Trên địa bàn tỉnh ta, nhiều gia đình chính sách cảm thấy ấm lòng hơn khi nhận được sự quan tâm của các cấp  ủy, chính quyền và nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Những năm qua, huyện Ba Tơ luôn nỗ lực quan tâm, chăm lo cuộc sống cho người có công với cách mạng. Từ năm 2007 đến nay, huyện đã tiếp nhận, giải quyết gần 2.000 hồ sơ hưởng chế độ chính sách và hàng ngàn trường hợp hưởng chế độ một lần tham gia du kích, bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; có 62 trường hợp được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, làm tốt việc quy tập mộ liệt sĩ đưa vào nghĩa trang; phối hợp với các địa phương tìm kiếm, đưa các anh về nơi nguyên quán...

Công tác chăm lo chỗ ở cho người có công với cách mạng được các cấp chính quyền chú trọng. Ở trong căn nhà mới còn nồng mùi vôi, bà Trương Thị Sự ở thôn Tân Long Hạ (xã Ba Động) xúc động nói: "Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì cả đời tôi cũng không thể làm được ngôi nhà khang trang này”.

Nghĩa trang huyện Ba Tơ được xây dựng khang trang.
Nghĩa trang huyện Ba Tơ được xây dựng khang trang.


Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương, cho biết: Trong 3 năm qua, huyện đã rà soát, lập danh sách các đối tượng khó khăn về nhà ở để kịp thời sửa chữa, xây dựng mới cho người có công. Đến nay, huyện đã xây dựng mới 183 nhà, sửa chữa khoảng 52 nhà, với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng.

Các đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng thêm 25 nhà tình nghĩa và nhà đồng đội. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", xây dựng và sửa chữa 23 nhà, với trị giá hàng trăm triệu đồng.

Là một trong 5 gia đình chính sách được hỗ trợ xây mới nhà ở trong năm nay, ông Trần Văn Non (thương binh 4/4) ở tổ dân phố 2, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) phấn khởi kể: Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có được ngôi nhà kiên cố để cả gia đình ở, vì gia cảnh còn nhiều khó khăn.

Ông Non tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hòa bình lập lại, ông và đồng đội trở về quê hương sinh sống, nhưng cái nghèo khó vẫn cứ bám víu lấy gia đình. Giờ đây, với số tiền 40 triệu đồng từ các tổ chức, cá nhân trong huyện, cùng sự hỗ trợ của bà con, ông Non đã yên tâm khi có nơi để an cư. Đó thực sự là tình cảm, sự tri ân sâu sắc, thể hiện tấm lòng biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cùng với việc hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, huyện Trà Bồng còn tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Trà Xuân, nơi yên nghỉ của 72 liệt sĩ những ngày này như đang khoác lên mình bộ áo mới, khi 72 mộ liệt sĩ được ốp đá hoa cương, tường rào, cổng ngõ được xây dựng mới... Công trình được tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 670 triệu đồng; huyện đã trích ngân sách gần 700 triệu đồng để tôn tạo.

Bà Trương Thị Sự ở thôn Tân Long Hạ (xã Ba Động) cảm thấy ấm áp khi được ở trong ngôi nhà tình nghĩa mới xây. Ảnh: M.Hạ
Bà Trương Thị Sự ở thôn Tân Long Hạ (xã Ba Động) cảm thấy ấm áp khi được ở trong ngôi nhà tình nghĩa mới xây. Ảnh: M.Hạ


Còn gia đình ông Nguyễn Xuân Lắm ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), rất vui khi được UBND xã Tịnh Khê quy tập và an táng phần mộ của hai người anh của ông là liệt sĩ Nguyễn Thế Nhỏ và liệt sĩ Nguyễn Tấn Thúy vào Nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Ông Lắm chia sẻ: “Trước đây, hai anh tôi nằm ở nghĩa trang nhân dân, nhưng gia đình có nguyện vọng đưa vào đây để trang nghiêm hơn và được xã chấp thuận”. Từ đầu năm đến nay, xã Tịnh Khê đã tổ chức quy tập 9 mộ liệt sĩ đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ xã theo nguyện vọng của thân nhân.

Tịnh Khê cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn thể, tổ chức xã hội... tham gia ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Từ nguồn quỹ này, trong 5 năm qua đã có 21 căn nhà của người có công được hỗ trợ xây mới, sửa chữa với kinh phí trên 800 triệu đồng. Chăm lo công tác dạy nghề, tạo việc làm cho con em các đối tượng chính sách, người có công.

Tạo mọi điều kiện để thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Với những kết quả đạt được, Tịnh Khê là một trong 20 tập thể được biểu dương tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu

HẠ- THUẬN- HIẾU


 


.