Thầm lặng một tấm lòng

06:07, 18/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ vào dịp tháng 7 hằng năm, người dân huyện Nghĩa Hành lại bắt gặp đôi vợ chồng thương binh già chở nhau trên chiếc xe máy đến các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện để thắp hương cho đồng đội. Nghĩa cử ấy đã theo vợ chồng người thương binh già suốt 40 năm qua...

TIN LIÊN QUAN

Ông đã gần 80 tuổi, là thương binh 2/4; bà chuẩn bị bước qua tuổi 70, thương binh 3/4, lại mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến ức (giai đoạn 3), nhưng vẫn không ngăn được bước chân của ông bà đến với đồng đội.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Bao năm qua, vợ chồng người thương binh già Nguyễn Chí Thành và Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) đã lặng lẽ đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, vận động xây dựng mộ cho đồng đội, Mẹ VNAH... đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương. Việc làm của ông bà là một nghĩa cử tri ân, nhưng đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.

Hai vợ chồng ông Thành thắp hương cho đồng đội ở Nghĩa trang  liệt sĩ xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).
Hai vợ chồng ông Thành thắp hương cho đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).


Nằm trong khu nghĩa địa thôn An Định (xã Hành Dũng), mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Liên được xây dựng khá kiên cố và gần như khang trang nhất ở đây. Năm 1972, chị Liên vừa tròn 22 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, nhưng đã bị địch giết và treo xác ở chợ huyện suốt 2 ngày mới cho gia đình đem về chôn cất trong khu nghĩa địa này.

Năm tháng trôi qua, ngôi mộ đất chưa một lần được gia đình xây lại, vì gia cảnh khó khăn. Bà Nguyệt kể: "Cách đây hơn 3 năm,  chúng tôi đến Nghĩa trang xã Hành Dũng, để thắp hương cho đồng đội, nhưng tìm mãi không thấy mộ liệt sĩ Liên, nên tìm đến gia đình chị thì được biết, phần mộ của chị chưa đưa về nghĩa trang.

Nguyện vọng của gia đình là muốn chị được ở cùng ông bà, cha mẹ, nên địa phương chấp nhận. Nhưng khi tận mắt thấy ngôi mộ đất nằm hoang sơ, vợ chồng tôi không cầm được nước mắt". Thấu cảm với người đồng đội từng gắn bó 4 năm, bà Nguyệt đã cùng chồng  đi quyên góp, vận động các cựu chiến binh trong huyện, để xây lại phần mộ cho chị Liên, với số tiền hơn 30 triệu đồng và đã hoàn thành trong năm 2015.

Với bản chất người lính Cụ Hồ, dường như cái nắng bỏng rát của miền Trung không ngăn được bước chân của vợ chồng ông Thành và bà Nguyệt mỗi dịp tháng Bảy về. Sau khi viếng mộ liệt sĩ Liên, ông bà lại đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hành Nhân để thắp hương cho đồng đội. Câu chuyện tại đây một lần nữa làm chúng tôi vô cùng quý trọng tấm lòng của ông bà.

Chị Trần Thị Thu Lạc ở thôn Nghĩa Lâm, cho biết: Khi hai chị Lê Thị Nhiên và Lê Thị Tuyết mất, gia đình chỉ nhận được giấy báo đã hy sinh, không có thông tin chôn cất ở đâu, nên không biết đâu mà tìm. Năm 1976, chị Nguyệt tìm đến gia đình tôi và cho biết chị là người trực tiếp chôn cất và muốn giúp gia đình tìm hài cốt của hai chị đưa về nghĩa trang.

Lúc đó, chị Nguyệt đang mang thai đứa con đầu lòng được 6 -7 tháng, nhưng vẫn đi bộ đường rừng đến đèo Chim Hút hơn 10km và tìm ra phần mộ của hai liệt sĩ. "Nói lời cảm ơn với gia đình chị Nguyệt thì bao nhiêu cũng không đủ, vì chị Nguyệt không chỉ giúp gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ mà khi Mẹ VNAH Trần Thị Nà (mẹ của hai liệt sĩ Lê Thị Nhiên và Lê Thị Tuyết) còn sống, chị cũng tận tình chăm sóc như mẹ ruột. Gia đình không sao quên được tấm lòng của vợ chồng người thương bình này", chị Lạc bộc bạch.

Với tâm huyết và trách nhiệm của mình, bà Nguyệt đã tìm kiếm và xác định được 5 liệt sĩ, cũng như cung cấp thông tin cho gia đình và chính quyền địa phương, quy tập hài cốt một liệt sĩ đưa về nghĩa trang. Bà Nguyệt xem đó là niềm hạnh phúc, niềm an ủi đối với đồng chí, đồng đội đã hy sinh tuổi thanh xuân cho độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước.


Hiện bà Nguyệt đã gần 70 tuổi, trải qua 30 lần xạ trị và 6 lần hóa trị, nhưng bà Nguyệt vẫn lạc quan. Trừ những lúc ốm đau, còn lại bà vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương và hết lòng vì đồng đội, đồng chí.

Tỏa sáng giữa đời thường

Ngày 12.7 vừa qua, UBND xã Hành Trung khởi công xây dựng phần mộ cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cận và sẽ hoàn thành trong tháng Bảy. Đây là ngôi mộ thứ hai được vợ chồng bà Nguyệt vận động để xây mới. “Mẹ đã mất gần 30 năm, nhưng vì không còn người thân, nên việc xây mộ rất khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có quy định xây mộ cho Mẹ VNAH, nên  vợ chồng tôi chủ động đóng góp và đề nghị chính quyền huy động để xây lại phần mộ cho Mẹ, với tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng. Mẹ Cận có tất cả 4 người con đều là liệt sĩ.

Đối với người dân xã Hành Trung, nói đến vợ chồng ông Thành, bà Nguyệt là nói đến những việc làm, nghĩa cử tốt đẹp, là tấm gương cần cù lao động. Dù mang trong mình 9 vết thương trong chiến tranh, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, khát vọng cống hiến vẫn luôn rực cháy.

Ông Thành nói:  Bác Hồ dạy rồi: “Thương binh tàn nhưng không phế", nên mình phải làm, chứ không trông chờ ỉ lại. Rời ba lô người lính, ông về nhận đất khai hoang sản xuất, làm ruộng nuôi heo, tích cóp nuôi con ăn học. Khi sức khỏe yếu, vợ ông chuyển qua nuôi bò; xin xã cải tạo đầm để trồng sen với diện tích gần 5ha. Với diện tích này, cứ sau 3 tháng vợ chồng ông thu hoạch và cho thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng ông Thành tìm cách giúp đỡ những người nghèo trong xã. Việc làm của ông được bà con trong xã nhắc nhiều nhất có lẽ là việc ông xây dựng “ngân hàng bò nhân ái”. Từ "ngân hàng bò nhân ái", vợ chồng ông đã giúp các hộ nghèo trong xã vươn lên trong cuộc sống.

Thay vì cho mượn tiền, vợ chồng ông cho mượn bò giống, đến khi bò đẻ thì cho hộ nghèo con bê con, rồi lấy bò giống cho hộ khác mượn. Nhờ đó mà đến nay đã có 12 hộ thoát nghèo từ đàn bò của vợ chồng ông.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Trung Trần Văn Thiện, cho biết: Vợ chồng ông Thành hết lòng vì dân, vì quê hương, vì đồng đội... Thôn Hiệp Phổ Tây có nhiều tuyến đường được bê tông, có hệ thống đèn đường thắp sáng một phần là nhờ công sức của vợ chồng ông Thành.

Năm 2016, gia đình ông đã hiến 750m2 đất và vận động người thân hiến gần 300m2 để xây dựng trường mẫu giáo của xã. Tháng 4.2017, trường đón nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, góp phần giúp địa phương đạt tiêu chí về giáo dục trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

“Đồng đội chúng tôi tháng Bảy nào cũng gặp nhau, không nói về nhau nhiều, chỉ bảo nhau cố gắng giữ gìn sức khỏe, còn sống ngày nào là phải lao động, làm gương cho con cháu và đóng góp xây dựng quê hương, để không phụ lòng những đồng đội đã ngã xuống cho chúng ta có được ngày hôm nay”, ông Thành nói.


Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.