Ngôi làng hạnh phúc

11:02, 06/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Làng Tà Dô, xã Sơn Tân (Sơn Tây) được mọi người gọi là “Ngôi làng hạnh phúc”. Bởi lẽ, nơi ấy không những có phong cảnh đẹp, mà còn lưu giữ, lan tỏa những câu chuyện ấm áp về tình người. Cuộc sống của những người Ca Dong rất hồn nhiên, gắn kết và vươn lên mạnh mẽ như cây rừng và nghĩa tình sâu đậm như dòng nước mát của con sông Đăkrinh uốn lượn dưới chân ngôi làng.
 
Tôi đã về làng Tà Dô nhiều lần. Trải nghiệm, yêu quý và ngưỡng mộ nơi đây nên tôi gọi Tà Dô là "Ngôi làng hạnh phúc".
 
Gieo hạt mầm hạnh phúc
 
Lần đầu tiên chúng tôi về Tà Dô vào tháng 5/2020, khi xảy ra sự việc một gia đình có 6 người nhưng 3 người (gồm 2 vợ chồng và 1 con nhỏ) không may qua đời, sau bữa cơm chiều ăn phải nấm độc. Ngôi nhà trống trải, chỉ có nước mắt là đầy trong mắt 3 đứa trẻ mồ côi. Tôi rời làng, lặng lẽ nghĩ thầm, có lẽ sự mất mát quá lớn ấy rồi sẽ quật ngã 3 đứa trẻ kia...
 
 Một góc ngôi làng Tà Dô, ở xã Sơn Tân (Sơn Tây).                                   Ảnh: Th.Nhị
Một góc ngôi làng Tà Dô, ở xã Sơn Tân (Sơn Tây). Ảnh: Th.Nhị
Ấy vậy mà Xuân này tôi trở về làng, ngôi nhà cũ nát khi xưa của cha mẹ các em đã không còn. Thay vào đó là ngôi nhà khang trang sạch sẽ, phía trước treo bảng nhỏ có dòng chữ "nhà tình thương". Người chị lớn đã nghỉ học, đi làm. Còn 2 em nhỏ đều được chăm lo học hành tử tế. Các em trở thành những đứa con chung của dân làng Tà Dô, được bao bọc, che chở, yêu thương hết mực. 
 
Tình yêu của dân làng đã thực sự mang đau thương ngày nào của các em đổ vào con suối, hòa với nước sông, xuôi về hạ nguồn. Trong ngôi nhà ấy, hôm nay tiếng cười đã trở lại vây quanh bếp lửa hồng, trong mâm cơm sum họp. Hạt mầm của tươi vui, hạnh phúc đang nhóm lên trong ánh mắt những đứa trẻ mồ côi ấy. Em Đinh Thị Xiêm (19 tuổi), người chị lớn nói với chúng tôi, chị em cháu biết ơn dân làng đã yêu thương và cho chúng cháu nương tựa khi cha mẹ qua đời.
 
Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tà Dô Đinh Văn Hia kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sau khi cha mẹ các em qua đời, chính quyền tỉnh và huyện quan tâm, muốn đưa các em về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Thế nhưng, hàng xóm láng giềng đã xin để các em ở lại cùng người làng. "Dân làng lo là các em mất cha mẹ, đau buồn nhiều lắm. Đi xuống trung tâm thì lại phải xa dân làng, sẽ càng buồn hơn. Cả làng ai cũng là người thân, người quen của các em mà. Chúng tôi muốn các em ở lại với dân làng để cùng nhau quan tâm, chăm sóc, giúp các em vơi đi nỗi buồn đau", anh Hia chia sẻ.
 
Bây giờ, cô chị lớn nhất Đinh Thị Xiêm đã nghỉ học đi làm để có thu nhập lo cho 2 em là Đinh Hồng Sương (13 tuổi) và Đinh Thị Hồng Sen (8 tuổi) ăn học.
 
Tô thêm vẻ đẹp cho ngôi làng
 
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Dô Đinh Văn Phân đưa chúng tôi đi về phía cuối làng Tà Dô. Khi đến ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ, có hàng rào, cổng ngõ thì dừng lại, mở cửa đưa chúng tôi vào gặp chủ nhân. Khi đối diện với người phụ nữ Ca Dong luống tuổi, dáng nhỏ nhắn, vui vẻ, anh Phân mới giới thiệu đó là chị Đinh Thị Miếu, người đơn thân duy nhất ở làng này. Ngôi nhà của chị, hệ thống điện, nước, hàng rào, cổng ngõ đều do dân làng góp công, giúp sức làm nên, để chị Miếu có chỗ ở, ổn định cuộc sống. Mỗi ngày, người làng có bát canh ngon, cái bánh thơm, chai dầu gội đầu đều đem đến biếu chị, như thể bù đắp sự đơn côi trong ngôi nhà ấy. Hằng đêm, phụ nữ trong làng lại rủ nhau đến nhóm lửa, ăn trầu, nói chuyện vui xua đi sự trống trải, mang hơi ấm đến với người phụ nữ đơn thân này. Chị Miếu bảo, cả làng này ai cũng là người thân của mình. Mình thấy hạnh phúc khi sống ở nơi này. Dù sống một mình nhưng không khi nào cảm thấy cô quạnh.
 
Cả làng Tà Dô có 52 ngôi nhà sàn, ngói mới đỏ tươi. Giữa thung lũng Tà Von bốn bề bao quanh là núi, làng Tà Dô như một bông hoa gạo. Hoa gạo ấy nở suốt 4 mùa chứ không chỉ tháng 3. Ban ngày, làng vắng lặng, người lớn đi làm, trẻ em đến trường, chỉ còn lại người già. Tối đến, họ trở về trong những ngôi nhà sàn rực sáng ánh điện, quây quần bên nhau. Ở Tà Dô, từ việc làm nhà, quét dọn đường, đến động viên thanh niên nhập ngũ, nhắc nhở trẻ em học hành, khuyên hộ nghèo phải cố gắng làm ăn là chuyện chung của cả làng. Vì việc chung ấy, ai cũng vui vẻ đóng góp. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Dô Đinh Văn Phân bảo rằng, cả làng cùng góp sức làm việc nhà, việc làng thì cả làng mới sạch, đẹp, khang trang, tiến bộ.
 
Làng Tà Dô là làng tái định cư được xây dựng từ ngân sách nhà nước, quy mô 52 nền cấp cho các hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở, vùng hẻo lánh về dựng nhà để ở. Trước khi xây dựng làng tái định cư này, huyện Sơn Tây đã họp dân, hỏi ý kiến về vị trí. Tất cả người dân đều thống nhất chọn đỉnh đồi Tà Voi bằng phẳng để xây dựng. Khi hoàn thiện, năm 2022, người dân dọn về làng mới. Có người, dù có thể chưa quen biết trước đó, nhưng về đây họ hòa thuận, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới.
 
Cả làng Tà Dô có 52 ngôi nhà sàn, việc dựng nhà người dân đều làm theo phương thức vần công. Thanh niên trong làng cùng nhau dựng nhà lần lượt cho tất cả các hộ. "Làng làm tới 52 ngôi nhà nhưng không ai tốn đồng tiền trả công nào cả. Dân làng tự giúp nhau làm hết. Nhà không có điều kiện thì thanh niên đi tìm lồ ô về làm sàn nhà, làm vách. Người có điều kiện thì làm bằng ván. Thanh niên cũng là người đi mua xi măng, sắt thép, xúc cát sông để đúc cột nhà. Ròng rã hơn 1 tháng trời, mấy chục thanh niên trong làng đã hoàn thành 52 căn nhà kiểu dáng kiến trúc tương đồng nhau.
 
Người dân làng Tà Dô thường xuyên thăm hỏi, động viên em Đinh Thị Hồng Sen.                                           Ảnh: Th.Nhị
Người dân làng Tà Dô thường xuyên thăm hỏi, động viên em Đinh Thị Hồng Sen. Ảnh: Th.Nhị
Anh Đinh Văn Hiền đưa chúng tôi đi ngắm làng từ trên đỉnh đồi cao nhất. Đứng ở nơi đây, phóng tầm mắt về phía những ngôi nhà sàn, cảnh sắc ngôi làng hiện lên như một bức tranh. "Làng đẹp thế mình phải sống đẹp. Khi đến làng, tất cả trở nên thân quen như người một nhà. Đã là một nhà thì phải tốt với nhau. Nhà nhà cùng sống tốt thì cả làng sẽ tốt, sẽ đẹp hơn", anh Hiền quan niệm.
 
Hương ước làng mới
 
Ở Tà Dô, khi làm nhà xong, họ lại bắt tay vào làm hàng rào để phân định ranh giới và cũng để việc chăn nuôi gà, heo, dê của nhà này không xâm phạm đến nhà kia. Đó cũng là sự rạch ròi, để sống chung mà không xảy ra xích mích. Hôm chúng tôi đến, lúc người dân tập trung về làng mới Tà Dô, cả làng họp bầu ra người chịu trách nhiệm quản lý hệ thống nước sạch. Căn cứ vào nhiều tiêu chí như nhanh nhạy, trách nhiệm, biết sửa đường ống, thông thạo đường lên trên nguồn, đường ống về nhà dân... anh Đinh Văn Tờ đã được chọn là "người quản lý hệ thống nước sinh hoạt". Hằng tháng, mỗi hộ dân đóng 10 nghìn đồng cho anh Tờ để hỗ trợ anh làm công việc bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hệ thống nước. Bây giờ ở làng mới, người dân có nước dùng thoải mái, có điện sáng. Không như ở nơi cũ, phải đi lấy nước rất xa, điện thì mờ mờ vì kéo nhờ người khác.
 
Vì xem việc của mỗi gia đình là việc chung của làng, nên khi nghe thanh niên Đinh Văn Thảy lên đường nhập ngũ, người dân nơi đây ai cũng vui. Cha mẹ của thanh niên Thảy là những người vui nhất, tự hào nhất vì có con trai đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. "Đây là niềm vui, niềm tự hào chung của làng chứ không riêng gì của gia đình đâu. Vì thế, mỗi người dân trong làng góp ít tiền, lon gạo nếp để mua con gà, nấu nồi bánh, trước cúng, sau cả làng liên hoan tiễn đưa thanh niên làng mình lên đường nhập ngũ. Mong sao Thảy lập được thành tích tốt, trưởng thành, là tấm gương cho con cháu trong làng noi theo", Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Dô Đinh Văn Phân chia sẻ.
 
Chia tay Tà Dô, chúng tôi nhớ mãi nụ cười ấm áp nở trên môi từng người dân trong làng. Cuộc sống dẫu chưa thật sự đủ đầy vật chất, nhưng mỗi người dân cảm nhận hạnh phúc theo cách riêng của mình, vì họ được sống bên nhau như tình ruột thịt. Hạnh phúc ở ngôi làng ấy được xây nên từ mỗi tấm lòng, bền chặt như rễ cây bám vào lòng đất, có suối mát nuôi dưỡng bốn mùa nên ngày ngày cứ thế lớn thêm lên...
 
THANH NHỊ
 
 
 

.