Xuân sang trên bến cảng

10:01, 28/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xuân Quý Mão 2023 là tròn 30 năm ngày dự án Cảng biển nước sâu Dung Quất chính thức được các chuyên gia, các nhà khoa học báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để quyết định việc đầu tư xây dựng. Hành trình vừa đủ trưởng thành đó đã  minh chứng cho sự đúng đắn và cần thiết của việc đầu tư xây dựng Cảng biển nước sâu Dung Quất, trở thành điểm tựa vững chắc để KKT trọng điểm miền Trung cất cánh.
[links()]
 
Mùa xuân thứ 30 này, chúng tôi về Cảng biển nước sâu Dung Quất, nghe rộn ràng tiếng máy, nhộn nhịp tàu bè trong nước và quốc tế đưa hàng đến, chở hàng đi và cảm nhận rất rõ sự về sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Quảng Ngãi ngay từ những ngày đầu năm mới. 
 
Đón xuân trên cảng
 
Đến cảng nước sâu Dung Quất rất nhiều lần, từng xuống những con tàu chở hàng lớn nhất Việt Nam khi tàu cập cảng, nhưng đến cảng trong ngày xuân Quý Mão, đem đến cho chúng tôi cảm xúc mới lạ. Cán bộ trực làm nhiệm vụ giải quyết các thủ tục, hỗ trợ tàu ra vào cảng những ngày Tết kể cho chúng tôi nghe giây phút đón giao thừa trên cảng biển, về những chuyến hàng đầu năm mới.
 
Tàu lai dắt neo tại Cảng Gemandept (thuộc cảng nước sâu Dung Quất) sẵn sàng hỗ trợ tàu hàng ra vào nhập và bốc dỡ hàng hóa những ngày nghỉ tết Quý Mão 2023.  Ảnh: Thanh Nhị
Tàu lai dắt neo tại Cảng Gemandept (thuộc cảng nước sâu Dung Quất) sẵn sàng hỗ trợ tàu hàng ra vào nhập và bốc dỡ hàng hóa những ngày nghỉ tết Quý Mão 2023. Ảnh: Thanh Nhị
Đêm giao thừa, tại cảng biển nước sâu Dung Quất, tàu hàng mang quốc tịch Việt Nam "Nhà Bè 06" là con tàu vừa đón giao thừa, vừa nhập hàng trên bến cảng. Thuyền trưởng Phạm Mạnh Hải cho biết, các thủy thủ tàu vào cảng nước sâu Dung Quất lúc 16 giờ 41 phút ngày 21/1 (tức chiều 30 Tết). "Tàu chúng tôi vào cảng Dung Quất để nhập dầu D.O của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chở đi TP.Cần Thơ. Khi tàu vào được các hoa tiêu của Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc (Bộ GTVT) hướng dẫn cập cảng. Việc nhập gần 5.000 lít dầu diễn ra thuận lợi, chuyên nghiệp. Đêm 30 Tết, các thủy thủ đón giao thừa cùng anh em làm nhiệm vụ ở cảng, vui và ấm áp. Tàu nhập đầy hàng, được các cán bộ giải quyết thủ tục xuất bến nhanh chóng", anh Hải phấn khởi nói. Đúng 12 giờ 30 phút ngày Mùng 1 tết Quý Mão, tàu Nhà Bè 06 đã rời cảng tiếp tục hải trình Dung Quất - Cần Thơ trong tiếng cười rộn rã, chúc xuân thắng lợi.
 
Khi vừa xuất sản phẩm dầu D.O, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại đón tàu nước ngoài mang tên APACHE trọng tải 150 nghìn tấn cập cảng nhập nhiên liệu sản xuất về nhà máy. Các cán bộ phòng quản lý an toàn làm việc xuyên Tết hỗ trợ lai dắt, đảm bảo tàu cập cảng an toàn và bơm 50 nghìn tấn nhiên liệu. Tàu APACHE tiếp tục chở theo 100 nghìn tấn hàng ra neo lại ngoài khơi để chờ nhà máy sắp xếp bồn chứa, sau đó tiếp tục vào lại bến để giao nốt số hàng này. Những ngày đầu năm mới, các thủy thủ nước ngoài tàu APACHE đã cùng thưởng thức Tết Việt với bánh chưng, mứt gừng cùng các bạn Việt Nam trên cảng biển Dung Quất.
 
Vui đón bao chuyến hàng
 
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi vô tình trở thành những vị khách xông đất Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi. Sự đón tiếp nồng nhiệt của cán bộ cảng vụ giúp chúng tôi có cơ hội trải nghiệm phương thức quản lý cảng biển hiện đại ở cảng biển nước sâu Dung Quất. Ứng dụng công nghệ nên ngồi tại phòng làm việc, các cán bộ cảng vụ có thể biết được ngoài cảng, trên vùng biển cách đó khoảng 2.000m có bao nhiêu tàu thuyền đang ra vào.
 
Bật màn hình camera quan sát hoạt động của các cảng biển, gồm Jety, PTSC, Gemandept, Maria, Doosan, Hào Hưng và Hòa Phát Dung Quất, anh Thao (Phòng Pháp chế Cảng vụ Quảng Ngãi) nói với chúng tôi, hiện ngoài khơi có khoảng gần 100 tàu lớn. Nói rồi, anh chỉ cho chúng tôi xem cận cảnh những con tàu, giải thích tình trạng hàng hóa trên từng con tàu đầy hay vơi một cách rành rẽ dựa vào mớn nước. "Con tàu lớn màu đỏ kia mớn nước cao là khoang hàng còn trống. Còn con tàu màu đỏ cập sát cầu cảng Jety là đang nhập dầu D.O, sắp đầy rồi vì mớn nước còn lại rất ít. Khi tàu đầy hàng, thủ tục xuất bến sẽ thực hiện theo phương thức trực tuyến chỉ mất 5 phút là xong, chứ không như trước đây phải đến cảng vụ kê khai vào giấy, chờ đợi, mất nhiều thời gian", anh Thao nói. Anh Thao giải thích thêm, khi thời tiết không thuận lợi, màn hình camera hiển thị sẽ bị hạn chế, khi ấy việc xác định vị trí sẽ được kiểm tra trên màn hình rada. Nếu xét thấy cần phải triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải trong vùng cảng biển Dung Quất thì thông tin sẽ được truyền đi chính xác, nhanh chóng.
 
Cán bộ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi trực tết Quý Mão 2023 kiểm tra tình hình tàu hàng ra, vào cảng nước sâu Dung Quất qua màn hình camera. Ảnh: Thanh Nhị
Cán bộ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi trực tết Quý Mão 2023 kiểm tra tình hình tàu hàng ra, vào cảng nước sâu Dung Quất qua màn hình camera. Ảnh: Thanh Nhị
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết, từ ngày 20 đến trưa ngày 25/1/2023, cảng biển nước sâu Dung Quất đón 54 tàu hàng trọng tải lớn vào nhập hàng hóa, chủ yếu là xuất đi thị trường trong nước và thế giới. Tổng lượng hàng hóa đã rời cảng để đến các vùng miền khác là gần 310 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 60 nghìn tấn. Hàng hóa xuất chủ yếu là dăm gỗ, than, xỉ, sắt thép, xi măng, xăng dầu các loại. Theo con số thống kê của Cục Hải quan Quảng Ngãi, từ ngày 1đến 26/1/2023, tổng số thuế xuất khẩu thu được từ xuất hàng hóa qua cảng biển nước sâu Dung Quất đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (228 tỷ đồng) và Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất.
 
Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi Vũ Văn Hải cho biết, đây là tín hiệu vui khởi động hoạt động xuất khẩu đầu năm của Quảng Ngãi. Đặc biệt là sản phẩm của thép Hòa Phát Dung Quất đã có sự khởi sắc ngoạn mục. Trên đà này, tin tưởng tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu của Quảng Ngãi trong năm mới sẽ đạt được như mong ước.
 
Phát huy lợi thế cảng nước sâu
 
 Cách đây 27 năm trước, vào đầu năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/TTg về việc “Phê duyệt quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất”, nêu rõ KCN Dung Quất là KCN lọc hoá dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Đến nay, cảng biển này đã có 8 cảng trực thuộc, gồm 3 cảng tổng hợp PTSC, Maria (Công ty CP Dịch vụ dầu khí PTSC Quảng Ngãi), Gemandept và 5 cảng chuyên dùng là Doosan Vina, Hào Hưng, Hòa Phát Dung Quất, cảng Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và cảng Jety của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn. Năm 2022, các cảng biển này đã làm cầu nối cho xuất khẩu, thu về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục kể từ ngày đưa cảng nước sâu Dung Quất vào hoạt động, với 2.210 triệu USD, đóng thuế xuất khẩu gần 11 nghìn tỷ đồng.
 
Trong Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 và Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Dung Quất là khu bến cảng tổng hợp, container với các bến cho tàu trọng tải từ 10 - 50 nghìn tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU. Khu cảng này gồm các bến chuyên dùng xuất sản phẩm dầu của liên hợp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng, sửa tàu biển, bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiệp nặng cho tàu trọng tải từ 20 - 150 nghìn tấn hoặc lớn hơn. Toàn bộ cảng biển nước sâu Dung Quất có 14 bến cảng chính được đầu tư xây dựng, trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại, đáp ứng cả xà lan loại lớn và tàu container. 
 
Chúng tôi có mặt tại cụm cảng biển nước sâu Dung Quất vào những ngày đầu năm mới 2023, tàu trọng tải lớn neo đậu san sát, nhiều tàu đã nhận hàng, chờ lệnh nhổ neo rời cảng, đưa hàng đi muôn nơi. Tất cả tạo nên sự sôi động, trên vùng biển nước sâu Dung Quất với khí thế tưng bừng, mang khát vọng, tự hào, tin tưởng về chiến lược phát triển công nghiệp trên vùng đất Quảng Ngãi hôm nay và mai sau sẽ không ngừng vươn cao, bay xa...
 
THANH NHỊ
 
 
 
 

.