Thuyền nan lướt sóng...

09:11, 30/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gió mạnh. Buồm căng đẩy chiếc thuyền nan lướt trên sóng nước ra xa bờ. Những ngư dân sạm đen vì nắng gió tựa như những chiến binh sẵn sàng xung trận...
[links()]
 
Người dân ở thôn Phú Long, sống ven đầm An Khê, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) rất ngỡ ngàng khi gần đây có nhiều người già lẫn trẻ mua tre rồi cặm cụi chẻ nan đan thuyền và thúng chai. Những người thợ luôn tay làm việc, miệng hể hả nói cười, niềm vui ngời lên trong mắt. Nghề đan thuyền, thúng, trúm, trẹt... “bừng tỉnh sau bao năm ngủ quên” trong ký ức.
 
Giúp nhau mưu sinh
 
Nghề đan thuyền lắm công phu. Đấy là câu nói của tiền nhân trao truyền cho hậu thế. Đầu tiên, chọn mua rồi đốn hạ những cây tre già, lôi ra khỏi bụi, chặt ngọn, phát sạch cành gai với bao nỗi nhọc nhằn. Sau đó, chặt ra thành khúc rồi chẻ lấy phần nan cật (lớp vỏ bên ngoài) và dùng rựa chuốt bóng láng. Tiếp đến, đan những nan tre vào nhau. Thợ đan dùng dùi đục gõ vào thanh tre đẩy nan khít vào nhau tạo thành tấm phên khá đẹp mắt. Họ tỉ mẩn trét kín phân bò để ngăn nước luồn qua các kẽ nan. 
 
Công đoạn chống thấm cho vỏ thuyền nan. Ảnh: Thanh Kỳ
Công đoạn chống thấm cho vỏ thuyền nan. Ảnh: Thanh Kỳ
Khi phân bò khan hiếm, nguyên liệu thay thế là cám gạo với dây tơ hồng bứt trên vùng gò đồi. Tấm phên được để trong bóng mát đợi khô hẳn trước khi phết dầu rái phủ lên trên. Dầu rái vừa ráo, họ chẻ gốc cong thành những thanh tre cứng kẹp vào mép tấm nan và uốn thành hình thuyền, gọi là lận vành. Họ cẩn thận đục lỗ, đóng chốt và luồn dây mây hay cước cột chặt nan với vành khá chắc chắn trước khi đóng đà là những thanh gỗ sầu đâu hay mù u. Cuối cùng, họ quét dầu rái bên ngoài thuyền rồi đợi khô ráo trước khi đưa xuống nước. “Đan được cái thuyền như thế tốn hàng chục cây tre và cũng mất năm bảy chục công. Đó là chưa kể gỗ, dầu rái và cả cước để lận vành”, ông Nguyễn Vũ (67 tuổi) cho biết.
 
Thuở trước, thuyền nan là phương tiện mưu sinh trên đầm An Khê hay vùng biển gần bờ. Vậy nên nghề đan thuyền ở Phú Long truyền qua nhiều thế hệ. Ngày còn bé, ông Hồ Trọng thường sang chơi nhà hàng xóm. Gặp những bậc cao niên đan thuyền, ông lân la hỏi chuyện rồi lấy dùi đục gõ vào thanh tre đẩy nan khít vào nhau. Thương đứa trẻ sớm mồ côi cha với tính tình chăm chỉ, họ chỉ bảo ông cách đan, trét, lận vành, đóng khung thuyền cùng rổ, rá, thúng, mủng... dùng trong gia đình. Và nghề đan đã vận vào đời ông hơn nửa thế kỷ. “Nghề đan ở đây không giấu giếm gì cả. Mình làm siêng là các ông, chú, bác chỉ hết. Mình đan đồ trong nhà và cho cả bà con xóm làng”, ông Trọng tâm sự.
 
Đan thuyền lắm công phu, nhưng những người thợ chẳng lấy đó làm nghề mưu sinh. Họ tự nguyện vác rựa đến gia đình cần đan thuyền chẻ, chuốt nan rồi đan và thực hiện các công đoạn đến khi hoàn thành. Với thuyền, trúm, thúng chai... mưu sinh trên đầm An Khê, họ cùng nhau lội bộ vài cây số mua tre mỡ rồi chặt và vác về nhà. Thuyền ra biển rộng cần phải đan tre đằng ngà nên tốn khá nhiều công sức. Năm bảy người cuốc bộ hàng chục cây số ra Phổ Cường hay tận Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) mua tre rồi đốn hạ, chẻ nan tại chỗ trước khi vác về. “Lúc trước, mấy anh em thường đi bộ gần hai mươi cây số ra Phổ Ninh tìm mua tre đằng ngà. Mua xong rồi chẻ nan tại chỗ, ăn uống và nghỉ ngơi ở nhà người quen. Xong xuôi rồi mới vác nan về...”, ông Vũ hồi tưởng.
 
Người dân mưu sinh trên đầm An Khê.   Ảnh: TR.THY
Người dân mưu sinh trên đầm An Khê. Ảnh: TR.THY
Thuở trước, sở hữu chiếc thuyền nan vừa đan nồng hương dầu rái là niềm vui của bao người. Cả đêm lẫn ngày, họ chèo thuyền ra đầm An Khê buông - kéo lưới đánh bắt cá tôm. Hình ảnh con thuyền ẩn hiện trên mặt đầm trong sương sớm đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Chiều tà, thuyền lướt nhẹ với dáng người lom khom kéo lưới gợi vẻ yên bình nơi đầm nước mênh mông. Tiếng thanh tre gõ vào khung thuyền xua cá vào lưới với những âm điệu sôi động giục giã lòng người. Ngư dân Phú Long mưu sinh trên biển bằng thuyền đan nan tre đằng ngà. Sáng sớm, họ cùng nhau xuống thuyền chèo ra biển giăng câu, thả lưới. Người dân nơi đây còn gắn cánh buồm để nhờ sức gió đẩy thuyền băng băng trên sóng nước. “Thuyền chèo tay thường ra cách bờ gần 10 hải lý. Nếu sử dụng buồm ra xa đến gần 20 hải lý. Hằng năm, mua dầu rái về quét lên thuyền thì có thể sử dụng 7 - 8 năm mới hư”, ông Lê Tấn Lợi cho biết.
 
Phương tiện đưa đón cán bộ
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Trưởng thôn Phú Long Tướng Văn Minh còn là cậu bé lên chín, mười. Cậu thường theo chú ruột chèo thuyền thả lưới trên đầm. Dần dà, Minh chèo thuyền khá thành thạo. Đến một ngày, người chú thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Đêm nọ, cha cậu cùng đồng đội về làng hoạt động rồi ra đi. Cậu theo cha và các chú xuống thuyền trong đêm tối, những ngôi sao lẻ loi nhấp nháy phía trời xa. Cha cậu cầm chiếc dầm tre chèo nhẹ đẩy thuyền trôi chầm chậm qua đầm, hướng về phía bờ thôn Diên Trường. Tiếng người thầm thì, bóng dáng họ và con thuyền lẫn vào màn đêm mờ ảo. Vào đến bờ, mọi người lần lượt xoa đầu cậu bé và rời thuyền. Cha ôm cậu vào lòng rồi hôn trên trán và dặn dò con cẩn thận khi chèo thuyền trở về.
 
Trên thuyền chỉ còn cậu bé 9 tuổi nhìn theo bóng dáng cha dần khuất trong màn đêm. Khi thuyền ra cách bờ khoảng hơn trăm mét, cậu vô cùng hoảng sợ. Những loạt đạn từ bờ bắn về phía thuyền đang chầm chậm lướt trên mặt đầm. Minh cúi rạp xuống lòng thuyền, rướn tay chèo thuyền. Có lẽ binh lính Việt Nam cộng hòa cho rằng người trên thuyền đã chết nên ngừng bắn. Những viên đạn không cướp sinh mạng cậu bé nhưng xé rách áo và làm mạn thuyền thủng lỗ chỗ. Minh trở về nhà trong niềm vui giàn giụa nước mắt của ông nội và người mẹ thân yêu. Mẹ nghẹn ngào cởi tấm áo con trai đang mặc rồi vá vết rách do đạn bắn. 
 
Những người thợ cặm cụi đan thuyền nan.                      Ảnh: NGỌC HÀN
Những người thợ cặm cụi đan thuyền nan. Ảnh: NGỌC HÀN
Những ngày sau, ông nội cặm cụi chặt tre, chẻ nan vá các lỗ thủng nơi mạn thuyền. Nghe súng nổ, cha Minh lòng như lửa đốt. Ông dò hỏi và hết sức mừng vui khi biết con trai thoát chết. Từ đó, ông không cho con trai chèo thuyền đưa cán bộ qua đầm trong đêm tối. Phải đến 3 năm sau, cậu mới tiếp tục được cầm mái chèo đẩy thuyền đưa các cô, chú qua đầm khi về làng hoạt động. “Lần đó hết sức may mắn nên tôi mới thoát chết. Nếu không may mắn thì hôm nay đâu còn ngồi đây trò chuyện với chú em!”, ông Minh tâm sự.
 
Những năm chiến tranh ác liệt, Mỹ và Việt Nam cộng hòa lùng sục bắt bớ cán bộ cách mạng. Lãnh đạo xã Phổ Khánh thành lập đội chèo thuyền chuyên đưa cán bộ, du kích, bộ đội về với dân làng. Họ là những người dân trung kiên, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Khi có thông tin, họ liền chèo thuyền đưa đón “người bên mình” với niềm thương yêu vô bờ bến. Dân làng gom góp gạo, mắm rồi mang chôn sâu, giấu kỹ dành cho cán bộ cách mạng. Nhận được tin báo, cán bộ rời căn cứ về làng, mang lương thực, thực phẩm trở về nuôi quân trong những ngày gian khó. Những chiếc thuyền lại chậm rãi rời bến qua đầm trong đêm đen. “Lúc về lấy gạo, mắm có nhiều người lắm. Vậy nhưng ai cũng giữ bí mật, chỉ nói thầm chứ không to tiếng”, ông Minh hồi tưởng.
 
Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Long Trần Quang Long hồi tưởng, lúc đó, cha của Minh là Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh, thành lập đội chèo thuyền đưa cán bộ qua đầm. Năm 1972, tôi tham gia du kích thôn cũng chèo thuyền đưa mấy anh du kích xã qua đầm và toàn là vào ban đêm cả.
 
Bao đời, thuyền nan gắn với phận người bềnh bồng trên đầm hay sóng nước để mưu sinh. Giờ họ lại đan thuyền để phục vụ du khách thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ trên quê hương thanh bình.
 
Thuyền nan phục vụ du lịch
 
Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh Hồ Ngọc Hàn hiện đang huy động bạn bè hỗ trợ 20 triệu đồng để đan thuyền và thúng chai trước sự phấn khởi của dân làng. Khi hoàn thành, ông Hàn sẽ giao thuyền cho người dân trong thôn phục vụ du khách thưởng ngoạn khung cảnh trên đầm An Khê khi có nhu cầu. “Sắp tới, tôi sẽ huy động để đan thêm thuyền rồi giao cho người dân chèo đưa khách đi tham quan đầm An Khê, nơi gắn với nền Văn hóa Sa Huỳnh. Thuyền nan cũng sẽ tham gia đua trong những dịp lễ hội hay phục vụ du lịch cộng đồng...”, ông Hàn cho biết.
 
TRANG THY
 
 

.