Nghề đánh bắt cá bống

02:10, 28/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dòng sông Trà đã ưu ái cho người dân Quảng Ngãi nhiều sản vật, đặc biệt là cá bống sông Trà, món đặc sản nổi tiếng. Sáng sớm, khi nắng chớm thu nhuộm vàng cả sông Trà, chúng tôi theo chân người dân ở ven sông đi đặt ống tre bắt cá bống...  
 
[links()]
 
Đặt ống cá...      
         
Đã vài bận đi đặt ống bắt cá bống, nhưng đến hôm nay, khi sông Trà nhuộm đỏ con nước đầu mùa mưa từ thượng nguồn chảy về, đi bắt cá cùng người dân, chúng tôi mới hiểu hơn về nghề bắt cá bống trên sông Trà. Ông Nguyễn Phan Văn Định (61 tuổi), ở tổ dân phố Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) lom khom lội nước cùng với một chiếc ghe nhỏ. "Sau lũ, bống con có lẽ nhiều hơn", ông Định nói. 
 
Ông Nguyễn Phan Văn Định kiểm tra bẫy cá bống trên sông Trà. Ảnh: A.P
Ông Nguyễn Phan Văn Định kiểm tra bẫy cá bống trên sông Trà. Ảnh: A.P
Chúng tôi lội nước theo chân ông Định xuống sông Trà đi gỡ bẫy cá bống. Đồ nghề ông Định mang theo là hai cái rổ nhựa, kèm theo một cái mâm bằng nhựa để đựng cá. Trước khi lên ghe, ông Định chỉ về hướng tây của sông Trà bảo rằng: “Trên kia là nơi chú đặt bẫy, nhưng nước sông Trà mùa này lớn do có mưa trên nguồn đổ về. Không biết nay nước lớn cá có nhiều không nữa vì con nước lớn, dòng chảy mạnh cá sẽ ít trú ngụ”.
 
Nghề dùng ống tre bắt cá bống bằng thủ công dưới sông Trà gắn bó với ông Định hàng chục năm qua, từ lúc theo cha mẹ chèo ghe, đến lúc tự cầm mái chèo ra sông đặt ống. Vì vậy, cứ nhìn dòng sông là biết "mùa nào nước ấy". Mùa này, nước sông Trà có màu nâu sẫm, do nước mưa trên nguồn đổ về kéo theo đất đá.
 
Ông Định dừng ghe khi qua khỏi chân cầu Trà Khúc 1, rồi nhảy ào xuống nước lội bộ kéo ghe đi chầm chậm đến bãi tiêu đặt bẫy cá. Ông cẩn thận đưa hai tay xuống nước gỡ bẫy cá, bịt hai đầu ống lại và xem trong đó có thứ gì cử động không. Có khi gỡ bẫy hai, ba lần chưa thấy cá. Đến lần thứ tư, ông Định lặn ngụp đầu xuống nước và đem bẫy lên, trong ống tre nghe tiếng lụp bụp. “Cá bống đấy”, vẻ mặt ông lúc này tươi hẳn vì đã có chiến lợi phẩm đầu tiên. Ông Định bảo, nghề này nó vậy, kéo ống lên có cá là mừng lắm.  Nhìn con cá bống cát màu vàng, nhiều chấm đen li ti, to khoảng bằng ngón tay út, ông Định nói: "Đây mới là cá bống sông Trà". 
 
Nghiệp sông nước
 
Nhấp ngụm trà nóng, ông Định bảo, nghề bắt cá bống không nặng nhọc, nhưng phải kiên trì, chịu khó. Mỗi sáng thức dậy lúc 4 giờ sáng, ông Định xuống sông chèo ghe đi đặt bẫy cá rồi quay lại gỡ những cái bẫy đặt trước đó để thu hoạch cá. Đến 7 giờ sáng, ông chèo ghe vào bờ và bán cá. “Tuổi giờ cũng đã cao, con cái đã lớn, có nghề nghiệp ổn định nên tôi đi bẫy cá cũng để cho đỡ quên cái nghề và rèn luyện cơ thể mỗi ngày”, ông Định nói.
 
Ông Nguyễn Phan Văn Định ở tổ dân phố Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá bống trên sông Trà. Ảnh: Anh Phong
Ông Nguyễn Phan Văn Định ở tổ dân phố Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá bống trên sông Trà. Ảnh: Anh Phong
Ông Định cho biết, khi xưa trên dòng sông Trà có rất nhiều người làm nghề chài lưới, sinh sống dọc hai bên bờ sông. Người đánh bắt cá bằng lưới, người dùng rập, ống tre... đi làm gặp nhau trên sông vui lắm. “Bây giờ làm nghề bắt cá bống bằng ống tre như tôi còn ít, một số nơi vẫn còn đánh bắt theo kiểu này dọc dòng sông Trà như ở các xã Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Hà (Sơn Tịnh), xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi)”, ông Định cho hay.
 
Muốn có tre làm bẫy bắt cá bống, ông Định phải đi xin tre đã qua sử dụng hoặc đổi cá bống lấy tre với một số hộ dân. Tre cưa thành từng khúc bằng nhau khoảng 60 - 70cm. Hai đầu ống tre thông với nhau, ở giữa hai đầu ống ông đục một cái lỗ để đóng cọc dài khoảng 50cm. Mục đích đóng cọc là để giữ ống tre khi cắm xuống cát không bị nước cuốn trôi. Hiện tại, ông Định có khoảng 300 cái bẫy để bắt cá bống. 
 
Theo ông Định, một năm đặt bẫy cá bống "chính vụ" được 5 tháng, từ tháng 4 - 8 âm lịch. Những tháng còn lại, ra sông nhìn theo con nước. Khi nước sông Trà vơi đi, đoạn còn một vài mét nước là đặt ống "cho vui chứ không dễ gì có cá bống". Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cá còn nhỏ, từ tháng 9 - 11 là vào mùa mưa, dù có cá nhưng nước lớn rất khó đặt bẫy. Đặt bẫy cá cũng tùy theo con nước, mỗi lần nước lớn là không đặt được phải đợi nước rút, khi đặt bẫy xong phải dùng một cây tiêu làm dấu để nhận biết. Muốn cá vào ống tre trú ngụ phải chờ từ 2 đến 3 ngày, vì khi mới đặt bẫy xuống nước ống tre còn mùi và chưa có rêu bám nên cá không vào. Đặt bẫy phải ở cồn cát nước thấp hoặc ở độ sâu không quá 1,5m. Ông Định đặt bẫy luân phiên để ngày nào cũng có cá bán cho thương lái hoặc cho người dân có nhu cầu.
 
Nỗi niềm mưu sinh
 
Ông Định kể, khi vào mùa cá bống, ngày nào tôi cũng bắt được từ 3 - 4kg cá. “Khi đặt bẫy cá vào mùa sinh sản, trong một ống tre có lúc có đến 4 con ở chung với nhau, mà con nào cũng mập ú nhìn rất thích, có ống chỉ được 2 con, rất ít ống có một con. Vì đến mùa sinh sản cá bống hay bắt cặp ở với nhau nên mới được như thế”, ông Định chia sẻ.
 
Người dân đánh bắt cá bống bằng lưới. Ảnh:  A.P
Người dân đánh bắt cá bống bằng lưới. Ảnh: A.P
Trên sông Trà có nhiều dòng cá bống khác nhau sinh sống như cá bống cát, bống dừa,  bống mú... Điều đặc biệt là, cá bống ông Định bẫy được đa số là cá bống cát, một trong những dòng cá bống được khách hàng ưa chuộng. Cá bống cát có giá khoảng 300 nghìn đồng/kg; các loại cá bống khác có giá thấp hơn, khoảng từ 150 -  200 nghìn  đồng/kg. Nhờ cái nghề bắt cá bống mà ông Định nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Ông có ba người con, hai con gái, một con trai, cả ba đều học đại học, cao đẳng. 
 
“Trước kia, cá bống trên sông Trà rất nhiều. Những năm gần đây, môi trường sống bị ô nhiễm, một số người dùng kích điện để đánh bắt nên cá bống ít dần. Hồi trước, một ngày đặt bẫy ống tre tôi kiếm được khoảng vài ký cá là chuyện bình thường. Còn nay, cá khan hiếm rồi...”, ông Định nói. Còn bà Nguyễn Thị Kiền (66 tuổi), cũng ở tổ dân phố Liên Hiệp 2 (chị ruột ông Định) cũng có thâm niên mấy chục năm làm nghề đánh bắt cá bống. Bà Kiền đánh cá bống bằng lưới, còn ông Định đánh cá bằng ống tre. Trầm ngâm nhớ lại một thời mưu sinh trên sông, bà Kiền bảo, trước đây, giá cá bống không cao, nhưng được cái là mỗi lần đánh bắt được rất nhiều cá. "Bây giờ, nhiều người đánh bắt kích điện nên cá không còn nhiều như trước. Rồi mai mốt, lo cho dòng sông không có nhiều bống...", bà Kiền nhìn theo con nước, tiếc cho mùa đã qua...
 
ANH PHONG
 
  
 

.