Về làng mới Măng Lăng

02:10, 07/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 10/2020, vào một đêm mưa bão, 47 hộ dân dưới chân núi Le Ngói, khu dân cư Huy Duỗi, thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) thất thần, tháo chạy vì núi lở. Tháng 10/2022, họ lại cùng nhau trong một chuyến di dân nhưng là chuyến đi đông vui, đầy ắp tiếng cười. Đó là ngày người dân về làng mới Măng Lăng...
[links()]
 
                                     Hành trình yêu thương
 
Vào một buổi sáng tháng 10/2022, khi sương đêm còn chưa chịu bay lên đỉnh núi Le Ngói, 47 hộ dân của khu dân cư Huy Duỗi đã rời nhà đến trụ sở xã Sơn Long. Hội trường nhà văn hóa xã mở rộng cửa, chuẩn bị sẵn chỗ ngồi để đón tiếp nhân dân.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cười rạng rỡ, bắt tay từng người một, mời ngồi và cuộc nói chuyện "Về làng mới Măng Lăng" bắt đầu. Các cụ già người Ca Dong chăm chú nghe cán bộ dặn dò, đôi bàn tay úp vào nhau để sẵn sàng vỗ nhịp khi lời phát biểu trên bục kết thúc.
 
Niềm vui chan hòa cả hội trường rộng lớn. Người dân vui vì được chuyển về làng mới khang trang, còn cán bộ vui vì đã thực hiện trọn vẹn lời hứa tái định cư (TĐC) cho người dân vùng sạt lở. Cuộc trò chuyện kéo dài chỉ 30 phút, rồi tất cả mọi người cùng nhau đi về một hướng để thu dọn đồ đạc, đưa cột, kèo, tôn về làng mới Măng Lăng - khu TĐC nằm trên quả đồi.
 
Những chiếc xe tải chuyên leo núi, vượt suối đã chờ sẵn ở cổng UBND xã Sơn Long để theo chân người làng vận chuyển đồ đạc. Cánh đàn ông trong làng từ đêm hôm trước đã cùng nhau dỡ dọn, tập kết vật dụng, đồ đạc ra đường lớn. Hôm nay, xe ô tô ghé sát, họ cùng với 40 thanh niên, dân quân trong xã khiêng, vác đưa lên thùng xe, chở về lô đất trong khu TĐC đã bốc thăm trước đó, để cất nhà.
 
Xe từ từ chuyển bánh, xuống dốc, qua suối về làng. Hai bên đường, các cụ già vẫy tay chào đón "những chuyến xe đặc biệt". Cụ Đinh Thị Thỏm, ở thôn Ra Pân bảo rằng, làng mình thỉnh thoảng cũng có xe ô tô qua lại nhưng là xe chở keo, mì. Còn xe ô tô chuyển nhà chở cột, kèo, lồ ô, tôn thì chưa thấy bao giờ.
 
"Mọi khi, làng chuyển nhà thì tất cả đều khiêng vác bằng vai thôi, chậm và mệt nhọc lắm, còn lần này có ô tô chở đi. Chuyển nhà cũng chưa bao giờ có đông người đến giúp như lần này. Mình thấy dân làng mình thật hạnh phúc", cụ Thỏm vừa nhai trầu vừa nói, ánh mắt chứa chan niềm vui.
 
Dân quân xã Sơn Long (Sơn Tây) giúp dân chuyển vật liệu làm nhà về làng mới Măng Lăng.
Dân quân xã Sơn Long (Sơn Tây) giúp dân chuyển vật liệu làm nhà về làng mới Măng Lăng.
Trên mặt bằng làng mới Măng Lăng, khi vật dụng làm nhà vừa đưa xuống khỏi thùng xe, cánh đàn ông bắt tay ngay vào việc dựng nhà. Họ thao tác khéo léo, thuần thục, nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc hình hài ngôi nhà mới đã hiện ra.
 
Chúng tôi tiến lại ngôi nhà sàn đang hoàn chỉnh bộ khung, anh Đinh Văn Treo vừa đục gõ, vừa quả quyết trong ngày mai sẽ hoàn thành, chủ nhà có thể dọn về ở. Anh Treo cho biết đây là ngôi nhà của gia đình ông Đinh Văn Hà, già cả, con cái đi làm ăn xa, anh em trong làng ưu tiên giúp trước để gia đình sớm có chỗ ở, vì sợ mưa lớn ập về.
 
Cả làng Măng Lăng, ai ai cũng dựng nhà ở vị trị cuối cùng của lô đất. Anh Đinh Văn Tường là một trong 47 hộ dân được bố trí TĐC tại làng mới này, giải thích rằng, đây là nhà tạm, còn nhà chính sẽ làm kiên cố ở phía trước. Nhà tạm làm xong, sẽ làm nhà chính. Khi nhà chính xong thì nhà tạm dùng làm nhà bếp. Anh Tường chỉ vào những đống cát, đá, gạch trước những ngôi nhà tạm, rồi bảo đó là vật liệu mua chuẩn bị xây nhà kiên cố.
 
An cư nơi làng mới Anh Đinh Văn Tường, người may mắn thoát chết trong trận lở núi Le Ngói kinh hoàng vào năm 2020. Đã 2 năm trôi qua, nhưng bây giờ nhắc lại giây phút ấy, anh Tường vẫn còn rùng mình.
 
"Đêm ấy, mưa rất to. Một tiếng nổ lớn vang lên, rồi đất đá ầm ầm đổ xuống. Tôi chỉ kịp dắt vợ con lao ra khỏi nhà giữa đêm tối. Sáng hôm sau trở về, nhà đã bị vùi trong đống bùn đất, đá cuội. Tài sản bao năm tích cóp chẳng còn gì, đến bộ quần áo cũng không. Vợ chồng tôi sống nhờ sự cưu mang của chính quyền, người dân trong làng và các mạnh thường quân. Đến hôm nay, tôi đã được cấp đất ở làng mới Măng Lăng để dựng nhà. Biết ơn mọi người nhiều lắm", anh Tường nhớ lại.
 
Vợ chồng anh Đinh Văn Tường có một mảnh đất đang trồng mì ở gần trụ sở UBND xã Sơn Long. Mặc dù mì chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng anh bàn với vợ nhổ bỏ để dựng căn nhà tạm cho gia đình và còn cho thêm 5 hộ khác cũng bị sập nhà mượn đất để làm nhà ở.
 
Lần ấy, chúng tôi về Ra Pân, gặp anh Tường khi đôi chân vẫn còn rướm máu vì vấp phải đá trên đường chạy sạt lở. Biết chuyện vợ chồng anh nhổ bỏ cả đám mì để lấy đất lập "làng tạm" cho những người dân mất nhà vì sạt lở, chúng tôi vô cùng cảm kích.
 
Đám mì ấy là nguồn thu nhập nuôi 5 miệng ăn trong gia đình cả một năm trời, nhổ bỏ đi, anh không tiếc à?- Chúng tôi hỏi. Anh Tường đáp ngắn gọn, cây mì cũng quý nhưng tính mạng, sức khỏe của người dân trong làng, vốn như ruột thịt thì quý hơn nhiều.
 
Chúng tôi ghé về "làng tạm" trên đất của vợ chồng anh Tường, thấy gia đình chị Đinh Thị Liên vẫn còn đang dọn dẹp vật dụng để chuyển về làng mới Măng Lăng. Quần áo, chăn màn, nồi xoong... đều là những vật dụng được trao tặng sau khi sạt lở xảy ra. Chị Liên vừa gấp chiếc chăn ấm, vừa khoe với chúng tôi rằng gia đình bốc thăm được lô đất đẹp, rộng 400m2.
 
 "Mình làm nhà khoảng 100m2 thôi, còn lại để trồng rau, trồng cau, nuôi gà. Làng Măng Lăng đẹp và an toàn lắm. Mình rất hài lòng về nơi ở mới. Ở đó con ma sạt lở không còn nữa. Làm xong nhà rồi thì mình đi làm rẫy trồng mì, trồng keo, lo cho con ăn học", chị Liên chia sẻ.
 
                                     Gầy dựng cuộc sống 
 
Còn nhớ khi sạt lở núi Le Ngói xảy ra, người dân trong làng bàng hoàng. Chính quyền lúng túng không biết phải bắt đầu an cư cho dân từ đâu, bởi chưa bao giờ ở một xã nghèo vùng cao lại phải lo "việc lớn" đến vậy.
 
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho các hộ dân. Sau chuyến thị sát, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng khu TĐC rộng 5ha, di dân đến nơi ở mới an toàn. 
 

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt nhớ lại, mỗi ngày hàng chục cuộc điện thoại gọi đến, nhờ UBND xã sắp xếp để về tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại.

Có đoàn thì chăn màn, quần áo, lương thực, thực phẩm. Có đoàn thì chở cả tôn lợp nhà từ đồng bằng lên. Không quen biết mà thân thiết như người một nhà. Các anh em trong Đảng ủy, UBND xã tích cực hỗ trợ các đoàn trao quà đến tận tay người dân.

Anh Đỗ Thanh Vượt bảo, người dân bị thiệt hại trong trận sạt lở ấy đều biết dành dụm và có tinh thần đoàn kết. Gạo ăn được tặng với số lượng nhiều, họ tự nguyện chia cho hộ cần gạo ăn.
 
Có gia đình ăn tiện tặn, để dành được gạo thì đem ra xã gửi nhờ vì sợ nhà tạm, mưa dột ướt. Tiền mặt được tặng, có gia đình tích cóp lại đem đến thợ mộc, thợ hồ gửi giữ hộ để khi làm nhà mới thì lấy tiền đó trả tiền công.
 
Trong suốt 2 năm chờ đợi xây dựng khu TĐC, các hộ dân đều chia sẻ, thông cảm. Khi hoàn thành, bốc thăm lô nền, họ cũng nhường nhịn, không thắc mắc, khiếu nại. Rồi họ vần công dựng nhà, cùng nhau an cư nơi làng mới.
 
Làng mới Măng Lăng hôm nay đã cơ bản hoàn thành, 47 hộ dân đã được cấp đất xây dựng nhà mới. Hệ thống nước, điện thắp sáng đang từng bước hoàn thiện. Trước ngày 15/10, toàn bộ các hộ dân sẽ được ngành điện về tận làng lắp đặt công tơ, ký kết hợp đồng mua bán điện. 
 
Tuy còn bộn bề khó khăn, song cuộc sống ổn định nơi làng mới đang được thắp lên mỗi ngày bằng sự đoàn kết, chung lòng, biết yêu thương, chia sẻ. Điều ấy là điểm tựa để tiếp tục tạo ra động lực, động viên mỗi người dân làng mới Măng Lăng nỗ lực không ngừng vì ngày mai tươi sáng hơn.
 
Bây giờ ở Ra Pân đang là mùa hoa lau nở. Hoa lau trắng triền đồi, sườn núi báo hiệu mùa đông, mùa mưa dông, mùa sạt lở đã về. Ở Ra Pân, đồng bào Ca Dong mỗi khi thấy hoa lau nở, lại thấp thỏm lo sợ sức tàn phá khốc liệt của thiên tai. Thế nhưng mùa hoa lau năm nay, hoa vẫn nở, nhưng lòng người nơi đây đã ấm yên bội phần. Nỗi ám ảnh về mùa hoa lau xác xơ, dông bão, sạt lở sẽ không còn nữa ở làng mới Măng Lăng...
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 

.