Đêm về bên xe hủ tiếu

10:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Về khuya, phố xá trở nên yên ắng, tĩnh mịch, thưa dần bóng người. Đó cũng là thời điểm, những người bán hủ tiếu bắt đầu rong ruổi đến các nẻo đường ở TP.Quảng Ngãi để mưu sinh. Đa phần họ là người dân đến từ TX.Đức Phổ. Vì cuộc sống khó khăn mà họ phải cùng nhau rời quê, ra phố.
 
[links()]
 
Lang thang hủ tiếu đêm
 
Hơn 22 giờ, trên phố phường chỉ còn thấp thoáng bóng những người lao công quét rác. Cửa tiệm, hàng quán đều đóng cửa, kết thúc một ngày buôn bán, mưu sinh, chỉ còn những chiếc xe hủ tiếu chong điện, đón khách. Từ lâu, đường Quang Trung, khu vực phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), được ví là “phố hủ tiếu đêm”, đông vui và nhộn nhịp. Một đoạn đường ngắn đã có khoảng 4 xe hủ tiếu. Chỉ cần có xe hủ tiếu, vài chiếc bàn con, những phận đời nghèo khó đã có thể mưu sinh.
 
Gia đình ông Cao Đăng Nam mưu sinh trên hè phố.  ẢNH: THIÊN HẬU
Gia đình ông Cao Đăng Nam mưu sinh trên hè phố. ẢNH: THIÊN HẬU
Anh Nguyễn Ngọc Thịnh (46 tuổi), quê ở phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ), cùng vợ ra TP.Quảng Ngãi bán hủ tiếu từ năm 2006, gần cây xăng đường Quang Trung. Cái giọng rặc ri của người Đức Phổ là không lẫn vào đâu được, khi anh gửi những lời chào đầu tiên và hỏi thăm sở thích của từng người. Xe hủ tiếu của vợ chồng anh đã chiếm được cảm tình của nhiều người từ chính cách phục vụ thân thiện, chất phác và ngày càng được nhiều người biết đến hơn.
 
Đưa hủ tiếu về quê
 
Từ cuối năm 2021, khi dịch Covid-19 dần lắng xuống, một số người dân Quảng Ngãi ở các nơi trở về quê mưu sinh. Với họ, chẳng có nơi nào ấm áp hơn quê hương. Những chuyến xe hủ tiếu "hồi hương" đã góp phần tạo nên một nét đẹp rất riêng cho phố phường Quảng Ngãi. “Sau hơn 20 năm bán hủ tiếu ở Sài Gòn, tôi về quê, đoàn tụ cùng con cháu. Tha hương nhớ quê, hồi hương thì nhớ nghề. Tôi vẫn không quên được tiếng gõ hủ tiếu năm xưa, vị hủ tiếu đặc trưng phảng phất trong màn đêm... Vì thế, 2 vợ chồng quyết định ra TP.Quảng Ngãi ở với con gái, vừa phụ giữ cháu, vừa bán hủ tiếu cho đỡ nhớ nghề”, ông Võ Hoàng Huy (53 tuổi), quê ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), chia sẻ.
Mỗi tô hủ tiếu có giá dao động từ 20 - 25 nghìn đồng. Với phương châm “ăn phải ngon, giá phải phù hợp”, vợ chồng anh Thịnh dành hết tâm huyết để đem đến cho thực khách tô hủ tiếu chất lượng. Anh Thịnh chia sẻ, hủ tiếu ngon phải hội đủ các yếu tố như sợi phải dai, mềm; chả bò giòn, mịn; vị nước lèo đậm đà, quyện với hương thơm của hẹ sẻ, hành phi; xương bò, heo thì mềm rục... Ngoài ra, không thể thiếu rau và giá luộc. Đặc biệt, để có nồi nước lèo ngon, cần phải nấu thật nhiều xương bò, heo và không phụ thuộc nhiều vào gia vị.
 
Các xe bán hủ tiếu trên  đường Quang Trung đều là đồng hương Đức Phổ với nhau. Mọi người ra đây mưu sinh từ rất lâu. Nhiều nhất thì hơn 10 năm, ít cũng 5 năm. Mỗi một xe hủ tiếu đậu trên đường phố là một câu chuyện riêng, nhưng tựu chung đều có hoàn cảnh khó khăn nên phải rời quê, ra phố mưu sinh. Đa số người bán hủ tiếu đều ở nhà thuê. 
 
“Đức Phổ gần đây thôi, có khi nào anh nghĩ, vợ chồng, con cái về sống gần ông bà, hàng xóm, láng giềng sẽ tốt hơn?”, tôi hỏi. Anh Thịnh bảo, quê nhà gần nhưng giờ về làm ruộng sao đủ cho con ăn học. Tương lai các con rồi sẽ ra sao, nghĩ vậy nên 2 vợ chồng chỉ biết cố gắng. Dù gì thì đây cũng là nghề lận lưng, không lo đói. So với làm ruộng cũng có đồng ra, đồng vào hơn.
 
Anh Thịnh đã từng vào miền Nam lập nghiệp cách đây 15 năm. Ban đầu, anh làm thuê với vai trò "lính gõ". Về sau, có tiền tích góp, anh tách ra làm ăn riêng, cưới vợ, sinh con. Sau này, nhận thấy cuộc sống ở TP.Hồ Chí Minh hay Bà Rịa - Vũng Tàu không phù hợp. Anh về quê, gác lại giấc mơ làm giàu nơi xứ người. “Về đây buôn bán có vợ, có chồng và có con cái phụ giúp, cực nhọc mà ấm áp. Hằng đêm, cả nhà phải cố gắng kiếm được 3 triệu đồng thì mới đủ chi phí, trang trải. Ốm đau cũng phải ráng vì tương lai các con gửi hết vào xe hủ tiếu. Mừng nhất là từ khốn khó, gánh nặng mưu sinh, 2 vợ chồng thương yêu, chia sẻ nhiều hơn. Con cái ngoan hiền, chịu khó học tập và phụ giúp cha mẹ. Giàu có nào cho bằng...", chị Cao Thị Thu Nguyệt (41 tuổi), vợ anh Thịnh, trải lòng.
 
Mưu sinh trên hè phố
 
Phía trước quán cà phê Violet, đường Phan Đình Phùng, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), là nơi mưu sinh của vợ chồng ông Cao Đăng Nam (57 tuổi), quê ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ). Thời khắc giao mùa, càng về khuya càng se lạnh. Cơn mưa bất chợt đổ xuống. Vợ chồng ông trở tay không kịp, chỉ biết căng tạm tấm bạt nhỏ che tạm. “Nghề này ngủ ít lắm cô. Thức hoài thành quen. Hàng chục năm qua rong ruổi khắp nơi, hiếm khi có giấc ngủ trọn vẹn. Thức mà có tiền phải ráng, chỉ sợ ế khách thôi cô”, ông Nam trải lòng.
 
Nghề bán hủ tiếu bây giờ đỡ nhọc nhằn hơn. Không còn phải hì hục thổi, quạt than; chỉ cần gọi cho bạn hàng là nguyên liệu giao đến tận nhà. Thế nhưng, công việc mưu sinh ngoài đường, còn đó nhiều nỗi vất vả, nguy hiểm về đêm.
 
Thực khách thưởng thức hủ tiếu đêm ở TP.Quảng Ngãi.  ẢNH: THIÊN HẬU
Thực khách thưởng thức hủ tiếu đêm ở TP.Quảng Ngãi. ẢNH: THIÊN HẬU
Như một guồng quay nhịp nhàng và đều đặn, cứ khoảng 18 giờ, vợ chồng ông Nam đẩy xe hủ tiếu ra bán cho khách và đến 3 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà. Dọn dẹp, chợp mắt là lúc gà gáy vang, trời như hừng sáng. Khoảng 8 giờ lại thức dậy chuẩn bị mọi thứ, chế biến để kịp bán trong đêm tiếp theo. 
 
Bán hủ tiếu cũng phải biết trông chừng thời tiết, phải “né” mưa chứ không lại lỗ, ăn hủ tiếu trừ cơm. Sắp vào mùa mưa, vật giá lại leo thang, công việc buôn bán e rằng sẽ gặp trở ngại, vợ chồng ông phải chi tiêu dè xẻn, may ra còn trả được tiền thuê trọ, thuê người phụ giúp. “Dù gặp nhiều vất vả, nhưng điều đọng lại nơi vợ chồng tôi là niềm vui của khách. Người bán hủ tiếu giữ được điều đó là giữ được cái nghề”, ông Nam nói.
 
Thành phố chỉ ồn ào, náo nhiệt ban ngày. Ban đêm, sự tĩnh lặng như là đặc trưng riêng. Bên cạnh những xe hủ tiếu đêm còn là “góc tự sự” của nhiều phận người. Họ đến không chỉ để lót dạ, mà muốn được ngồi ngắm phố, giãi bày đời tư với những người cùng cảnh ngộ. Nhiều người kết thân nhau từ những buổi gặp gỡ vô tình như thế. Còn với anh Thịnh và ông Nam, ngoài những đứa con ngoan, chăm chỉ học hành, nghề đã cho 2 người đàn ông này chiêm nghiệm được nhiều thứ, biết vượt lên số phận, sống chậm hơn và biết đủ với những gì mình đang có. Họ vẫn có niềm tin, sau cơn mưa, trời lại sáng...
 
Một xã, hơn 4.000 người rời quê, bán hủ tiếu
 
Cuộc sống mới hôm nay ở quê nhà phát triển hơn nhưng sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đến nay vẫn còn rất đông người dân ở TX.Đức Phổ vào các tỉnh, thành phố lớn bán hủ tiếu, nhiều nhất là ở xã Phổ Cường. Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Võ Cương cho biết, địa phương có hơn 4.000 người mưu sinh bằng nghề hủ tiếu, rải rác từ Thừa Thiên Huế đến TP.Hồ Chí Minh. Ở TP.Quảng Ngãi, hiện có khoảng 80 người dân Phổ Cường đang mưu sinh với nghề này.
 
THIÊN HẬU
 
 

.