Rút ruột sinh con để dâng hiến cho đời...

05:07, 24/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giải bóng đá xã Đức Hòa (Mộ Đức) được tổ chức nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), đã trở thành giải đấu đặc biệt. Không phải vì các đội tham gia đông, giải thưởng lớn, mà vì tất cả các trận đấu đều có sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, trong đó có một cổ động viên vô cùng đặc biệt. Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Ngô Thị Lùng (95 tuổi), ở thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa.
 
 
Mẹ bình dị, Mẹ Anh hùng
 
Mấy ngày nay, mưa nắng thất thường, nhưng các trận bóng tại Giải bóng đá 7 người ở xã Đức Hòa vẫn diễn ra sôi nổi. Rất đông cổ động viên đủ mọi thành phần, lứa tuổi có mặt tại sân vận động trước giờ thi đấu. Hòa chung dòng người ấy có Mẹ VNAH Ngô Thị Lùng. Tất cả 12 trận vòng loại, Mẹ Lùng không vắng trận nào. Các trận bán kết, chung kết, Mẹ là người đến sớm nhất. Mẹ không chỉ đến xem, cổ vũ, động viên tinh thần thể thao xã nhà, mà Mẹ còn ủng hộ tiền mặt để "các cháu mua chanh, đường hòa nước uống lấy sức mà thi đấu"...

 

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng (hàng đầu, bên trái) đang xem, cổ vũ trận đấu bóng đá của thanh niên xã nhà tại Sân vận động thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức).                         Ảnh: T.Nhị
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng (hàng đầu, bên trái) đang xem, cổ vũ trận đấu bóng đá của thanh niên xã nhà tại Sân vận động thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức). Ảnh: T.Nhị
Lần đầu tiên tôi được gặp Mẹ Lùng, nhưng không khó để nhận ra Mẹ giữa rất nhiều người ngồi ở hàng ghế cổ động viên hôm ấy vì những điều đặc biệt. Mẹ mặc chiếc áo bà ba, ngồi trên một chiếc ghế dựa, dưới đất là chiếc nón lá. Mái tóc Mẹ bạc phơ, đôi mắt luôn dõi theo các cầu thủ, nét mặt buồn, vui, hồi hộp theo diễn biến đầy kịch tính của trận bóng. Tôi chăm chú dõi theo Mẹ và bắt gặp giây phút Mẹ nở nụ cười hào sảng khi được thưởng lãm một pha bóng đẹp. Tôi chợt thấy mắt Mẹ ngời sáng giữa muôn trùng ánh mắt, tiếng hò reo.
 
“Nhiều đêm nằm thấy nhớ thương lắm, nhất là thằng Năm khi nó hy sinh chưa tròn 15 tuổi. Rồi tôi tự nhủ, đất nước chiến tranh thì nỗi mất mát đâu chỉ của riêng gia đình mình. Vì thế, tôi phải mạnh mẽ sống. Sống thật tốt, thật ý nghĩa để tri ân chồng, con và cả những người khác đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc".
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng
NGÔ THỊ LÙNG

Kết thúc trận đấu, tôi theo chân Mẹ Lùng về nhà. Đường làng ở thôn Phước Toàn hoa khoe sắc thắm. Mẹ bảo với tôi rằng: "Hoa tháng 7 đó con. Ít hôm nữa, xã tổ chức tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã. Nhà ai có hoa tươi sẽ mang đến nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ những người đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc". Tôi chưa kịp thưa gì với Mẹ thì đã đến cổng vào nhà. Căn nhà Mẹ sống là của người con gái út. Ngồi xuống ghế, Mẹ bồi hồi kể về những người thân yêu đã anh dũng hy sinh cho đất nước được hòa bình, độc lập. 

 
Mẹ Lùng có 6 người con, 4 trai và 2 gái. Chồng Mẹ cũng là người cùng thôn Phước Toàn. "Ổng gan dạ lắm. Khi tôi sinh một mạch 4 thằng con trai, ông vui ra mặt. Ổng nói con trai thì cho nhập ngũ hết, chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Vậy là ổng dắt các con vào chiến trường. Rồi cả ổng và 4 đứa con đều hy sinh. Bây giờ mỗi năm tôi giỗ 5 người, nhưng chỉ có 3 đám giỗ", Mẹ Lùng kể. Rồi Mẹ  giải thích vì sao 5 người hy sinh lại chỉ có 3 đám giỗ. "Thằng Ba, thằng Tư hy sinh trong cùng tháng 9/1969, tôi làm giỗ cho hai đứa nó cùng một ngày. Thằng Năm và ba nó hy sinh cùng ngày 7/2/1973, nên cũng giỗ chung. Chỉ có thằng Hai là hy sinh năm 1974 thì làm giỗ riêng. Vậy nên, giỗ 5 người mà chỉ làm 3 đám giỗ là thế", giọng Mẹ mạch lạc, nhẹ nhàng mà nơi khóe mắt bỗng rưng rưng...
 
Chiều tà, gió từ cánh đồng phía trước lùa về ràn rạt. Mẹ đứng dậy, ra giàn trầu trước nhà hái đôi lá vào têm, nhai bỏm bẻm. Mẹ bảo năm nay tuổi đã 95, nhưng muốn ăn rau Mẹ vẫn tự trồng được. Như dây trầu ngoài kia, Mẹ cũng tự tay trồng để có lá ăn quanh năm và đãi các bạn cao niên cùng xóm. Chuyện cơm nước, Mẹ vẫn tự lo được nhưng con gái Mẹ ngăn không cho. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Huỳnh Thanh An cho biết, Mẹ Lùng đi tới đâu là tiếng cười vui ở đó. Mẹ hăng hái tham gia cổ vũ, động viên các phong trào sản xuất, văn hóa, văn nghệ và xây dựng lối sống văn minh. Vậy mà mỗi lần đại diện chính quyền địa phương nói lời cảm ơn, Mẹ lại gạt đi và bảo "chuyện bình thường thôi mà"...
 
Hiến dâng cho đời
 
Hỏi về những trăn trở, buồn thương chồng và 4 người con hy sinh trong suốt gần 50 năm qua, Mẹ Lùng cười hiền, bình thản như thể cuộc đời Mẹ chưa từng trải qua mất mát, đau thương nào cả. "Nhiều đêm nằm thấy nhớ thương lắm, nhất là thằng Năm khi nó hy sinh chưa tròn 15 tuổi. Rồi tôi tự nhủ, đất nước chiến tranh thì nỗi mất mát đâu chỉ của riêng gia đình mình. Vì thế, tôi phải mạnh mẽ sống. Sống thật tốt, thật ý nghĩa để tri ân chồng, con và cả những người khác đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc", Mẹ Lùng nói. 
 
Cán bộ địa phương thường xuyên thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức).                                  Ảnh: T.Nhị
Cán bộ địa phương thường xuyên thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lùng, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức). Ảnh: T.Nhị
Cuộc trò chuyện với Mẹ Lùng đang hồi sâu lắng, thì hai người con gái của Mẹ đi làm về. Mẹ nhìn về phía người con gái lớn Võ Thị Linh (65 tuổi) rồi chuyển hướng câu chuyện. "Nếu chiến tranh không kết thúc thì con Linh đã vào bộ đội tiếp bước cha và 4 anh nó rồi. Hồ sơ tôi đã kê khai hoàn tất, nộp cho huyện và xã vào đầu tháng 4/1975, thì cuối tháng 4 cách mạng thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vậy nên con Linh mới không vào bộ đội", Mẹ Lùng nhớ lại.
 
Tôi nhỏ nhẹ hỏi Mẹ rằng, Mẹ không sợ chiến tranh sẽ không cho con gái Mẹ trở về nữa hay sao mà lại cho chị Linh vào bộ đội?. "Tôi sanh các con ra, muốn các con sống cho những điều tốt đẹp. Nếu phải hy sinh thêm con Linh nữa cho cách mạng thì cũng là hy sinh cho điều tốt đẹp mà. Nhưng may mắn chiến tranh đã kết thúc, mẹ con tôi được sớm tối bên nhau đến giờ", Mẹ Lùng nói đầy chí khí khiến tôi tự hiểu được một phần lý do vì sao Mẹ đã vượt qua mất mát, bình tâm vui sống cuộc đời đầy ý nghĩa cho đến tận hôm nay.
 
Cả xã Đức Hòa hầu như gia đình nào cũng biết chị Linh, không chỉ chị là con gái của Mẹ VNAH Ngô Thị Lùng mà cả quê hương kính trọng. Mọi người biết chị Linh còn do chị là "bạn của nhà nông", gắn bó cả thanh xuân với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đức Hòa. Chị Linh kể, giải phóng rồi nên tôi không vào bộ đội. Mẹ bảo tôi phải đi học, rồi làm công việc gì đó có thể góp sức động viên người dân lao động, sản xuất phục hồi kinh tế. Thế là tôi đi học, rồi xin vào làm ở HTX cho đến năm 2021 mới nghỉ. Tính ra tôi công tác ở HTX tròn 42 năm. 
 
Mong quê hương phát triển 
 
Sắp tới, Mẹ Lùng đại diện cho các Mẹ VNAH ở xã Đức Hòa tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do tỉnh tổ chức. Mẹ Lùng vui lắm. Mẹ nói đã chuẩn bị áo dài nhung để mặc dự lễ và mong sớm đến ngày ấy để được gặp lại những Bà Mẹ VNAH trong tỉnh. Thế rồi, Mẹ ngập ngừng, nhìn xa xăm, chậm rãi nói rằng năm nay chắc không còn đông đủ những Mẹ VNAH đã gặp mặt lần trước. Mẹ chỉ mong các Mẹ VNAH sống vui những ngày cuối đời, để có dịp gặp lại nhau hàn huyên đôi câu chuyện xưa, chuyện nay cũng là một hạnh phúc lớn.
 
Chiều muộn, câu chuyện cùng Mẹ Lùng cứ bị gián đoạn bởi những người trong xóm đến thăm hỏi như một thói quen thường nhật. Một người đàn ông trung niên chạy xe máy chở đến một chiếc chiếu trúc mới, thưa với Mẹ đó là món quà của cô cháu gái quê ở thôn Phước Toàn, sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh gửi về kính tặng Mẹ nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Mẹ cảm động đón nhận tấm lòng của con cháu xa quê. Mẹ nhớ lại cái ngày còn chiến tranh, loạn lạc, nhà cách nhau có một con mương mà không thể thăm nhau. Nay hòa bình rồi, con cháu ở thôn Phước Toàn đi học tập, làm ăn khắp muôn phương. "Tôi ước có sức khỏe, để nhìn ngắm người dân, cảnh vật quê tôi mỗi ngày. Tôi giờ chỉ mong sao quê hương mình mỗi ngày một phát triển hơn", Mẹ Lùng bày tỏ ước nguyện.
 
Trước khi chia tay, Mẹ Lùng bảo từ giờ đến ngày 27/7, Mẹ phải giữ gìn sức khỏe để lo tròn 2 việc lớn. Việc thứ nhất về dự lễ gặp mặt các Mẹ VNAH tiêu biểu toàn tỉnh. Việc thứ hai là đi cùng 2 con gái và người dân trong xóm lên Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đức Hòa để dự lễ giỗ tập thể các liệt sĩ, trong đó có chồng và 4 con trai của Mẹ. Mẹ tâm sự mấy đêm nay, cứ tỉnh giấc là Mẹ lại nghĩ về những điều tốt đẹp của gia đình, quê hương để hôm đó sẽ thưa trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ về giá trị của hòa bình, độc lập đang nở hoa, kết trái trên quê hương, đất nước. 
 
THANH NHỊ
 
 

.