Mẹ khuyên dân làng những điều hay

12:09, 02/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày tết độc lập năm nay, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Đinh Thị Máy, ở thôn Mang Lùng, xã Ba Tô (Ba Tơ) tròn 100 tuổi. Cuộc đời Mẹ đã trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, chứng kiến quê hương Ba Tơ hai lần vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Mẹ theo suốt những năm tháng đổi thay của quê hương từ khi hòa bình, độc lập...
 
Trong hoàn cảnh nào, Mẹ Máy cũng luôn vẹn nghĩa tình, nhân hậu, bao dung, anh hùng mà hết đỗi bình dị, thân thương.
 
Như cây cổ thụ trên đỉnh đồi Tà Man
  
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của Mẹ, chúng tôi ngỡ ngàng, không thể tin người phụ nữ trước mặt mình đã sống tròn 1 thế kỷ. Mẹ nở nụ cười hiền hậu, đưa bàn tay gầy xương nắm lấy tay tôi đưa đi vòng quanh làng. Mỗi lần đi ngang qua cầu thang nhà sàn của ai đó, Mẹ gọi dõng dạc tên chủ nhà, rồi nói như thông báo với người dân trong làng là hôm nay làng có khách. Nghe tiếng Mẹ Máy, mọi người cười vui, ra hiên nhà vẫy tay chào đón...
Mẹ VNAH Đinh Thị Máy.
Một chiều thu tháng Tám, khi những tia nắng đầu ngày trải tràn khắp triền sông, sườn núi, chúng tôi tìm về Mang Lùng, để thăm Mẹ VNAH Đinh Thị Máy. Chàng thanh niên Đinh Văn Phát, cháu rể của Mẹ Máy, đứng chờ sẵn bên cầu Nước Xi, đầu con đường dẫn về làng tại Km46 trên Quốc lộ 24 để đón chúng tôi. Mẹ Máy vui sống tuổi già cùng vợ chồng anh Phát. Ngôi nhà nhỏ sạch sẽ, ấm áp nơi chân đồi Tà Man. Mẹ Máy khơi bếp lửa ở giữa căn nhà sàn để đun nước sôi, rồi ra phía sau hè hái nắm lá chè xanh vào pha nước đãi khách.
 
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của Mẹ, chúng tôi ngỡ ngàng, không thể tin người phụ nữ trước mặt mình đã sống tròn 1 thế kỷ. Mẹ nở nụ cười hiền hậu, đưa bàn tay gầy xương nắm lấy tay tôi đưa đi vòng quanh làng.
 
Mỗi lần đi ngang qua cầu thang nhà sàn của ai đó, Mẹ gọi dõng dạc tên chủ nhà, rồi nói như thông báo với người dân trong làng là hôm nay làng có khách. Nghe tiếng Mẹ Máy, mọi người cười vui, ra hiên nhà vẫy tay chào đón...
 
Mẹ Máy bảo rằng khách của mình cũng là khách của làng. Nếu là người lạ về làng thì người dân trong làng càng phải biết. Ở làng này trước đây có một số người xấu đến dụ dỗ trẻ bỏ học đi làm thuê ở dưới phố, nhờ sự cảnh giác này mà người xấu không dám vào làng nữa. Mẹ Máy bảo, lúc trước nhiều gia đình mua xe máy cho con cái chạy với tốc độ cao, rất nguy hiểm. Mẹ nói với cán bộ ở thôn Mang Lùng phải họp dân lại, nhắc nhở chung.
 
Thế là từ đó, con cháu nghe lời người lớn đi xe không phóng nhanh, vượt ẩu. Nhiều người dân trong làng uống rượu triền miên, ít đi làm rẫy, Mẹ đến từng nhà khuyên bảo, họ nghe lời, giờ chỉ uống rượu khi làng có việc vui.
 
Việc nhà đã có mẹ lo
 
“Ngày xưa mình yêu nước là biết đánh giặc giỏi. Ngày nay yêu nước là phải chăm chỉ học hành, biết làm kinh tế giỏi, sống gương mẫu. Mình truyền dạy cho con cháu trong làng tinh thần yêu lao động, biết lắng nghe điều hay, làm điều tốt".
 Mẹ Việt Nam Anh hùng
ĐINH THỊ MÁY

Anh Lãi là chàng rể được Mẹ Máy rất yêu quý. Nhiều người dân trong làng bảo với chúng tôi, kể từ ngày anh về làm rể, anh lo lắng, quan tâm đến từng bữa cơm, giấc ngủ của Mẹ, luôn biết tạo niềm vui để bù đắp mất mát của người mẹ vợ mà anh luôn kính trọng. Ngày trước, khi Mẹ Máy còn khỏe mạnh, Mẹ sinh sống cùng vợ chồng anh Lãi trong căn nhà sàn khang trang trên đồi Tà Man. Vài năm trước, khi Mẹ sắp bước vào tuổi 100,  anh lo là Mẹ không thể đi lại tốt như trước nên đưa Mẹ về ở với vợ chồng con gái của anh, tức là cháu ngoại của Mẹ. Ngày ngày, anh Lãi đều ghé qua thăm, chuyện trò với Mẹ, dặn con gái lo cơm nước cho bà ngoại chu đáo. 

 
"Ngày trước, khi đến tìm hiểu con gái của Mẹ, Mẹ bảo phải viết ra giấy trình bày tên tuổi, ở đâu, con nhà ai, gia đình có tham gia cách mạng không... y như viết lý lịch trích ngang bây giờ vậy. Mẹ nói, Mẹ không quan trọng chuyện giàu nghèo, nhưng làm rể nhà Mẹ thì gia đình phải là gia đình cách mạng, bản thân nếu chưa là đảng viên thì phải cố gắng làm nhiều việc tốt, rèn luyện để trở thành đảng viên. Điều này tôi đều đáp ứng được", anh Lãi kể lại.
 
Một kỷ niệm khác mà anh Lãi không thể nào quên trong đời mình với Mẹ Máy, đó là khi vừa về làm rể, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đi chiến trường Campuchia. "Khi ấy, mẹ ruột mình khóc nhiều vì thương con mới cưới vợ. Còn mẹ vợ khuyên mẹ ruột của tôi rằng, đi bộ đội là nghĩa vụ cao cả của công dân, phải ủng hộ, động viên con chứ sao lại khóc. Mẹ vợ tôi còn làm liên hoan, tặng quà cho tôi trước khi lên đường, bảo tôi cứ an tâm làm tốt nghĩa vụ của mình, mọi việc ở nhà đã có Mẹ lo", anh Lãi chia sẻ.
 
Sống vui mỗi ngày
 
Nghe tôi hỏi về chiến công của chồng, con và bản thân Mẹ trong kháng chiến, Mẹ Máy mỉm cười bảo rằng, việc ấy bình thường thôi. Mẹ bảo, ngày có chiến tranh, cả nhà mình xung phong đi chiến trường để góp sức giải phóng quê hương, đất nước. Ngày hòa bình, chồng và con trai không về nữa, Mẹ buồn và nhớ. Nhưng nghĩ lại, mình còn có người dân trong làng ngày đêm bên cạnh, còn có mảnh vườn, con suối, cánh rừng, quả đồi, đám ruộng để dựng nhà, trồng keo, cấy lúa. Mình phải vui lên để cả làng cùng vui, có sức mạnh xây dựng lại cuộc sống.
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Máy vui sống cùng người dân ở làng Mang Lùng, xã Ba Tô (Ba Tơ). Ảnh: Th.nhị
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Máy vui sống cùng người dân ở làng Mang Lùng, xã Ba Tô (Ba Tơ). Ảnh: Th.Nhị
Mẹ Máy có chồng và con trai duy nhất là liệt sĩ. Cuộc đời Mẹ chứng kiến tiếng bom, tiếng súng của chiến tranh mấy chục năm trời, trải qua biết bao mất mát, đau thương. Mẹ Máy bảo, Mẹ nhớ như in những lần địch càn quét, đốt nhà, đốt hết kho lúa gạo của dân làng, nhưng Mẹ không muốn nhắc đến những điều đau thương ấy.
 
Mẹ chỉ muốn nói về những vụ lúa được mùa, con cháu trong làng học hành tiến bộ, thành đạt; nhắc đến đàn trâu của người dân làng ngày càng nhiều, những ngôi nhà sàn ngày càng to đẹp hơn. Giọng nói của người mẹ tròn 100 tuổi hôm nay không còn trong trẻo như những lần đi gặp gỡ, vận động nhân dân cùng đóng góp "Hũ gạo tình thương", vận động người dân từ bỏ hủ tục ma chay kéo dài, nghi kỵ đồ độc, nhưng giọng Mẹ vẫn rất ấm áp và dứt khoát. "Ngày xưa mình yêu nước là biết đánh giặc giỏi. Ngày nay yêu nước là phải chăm chỉ học hành, biết làm kinh tế giỏi, sống gương mẫu. Mình truyền dạy cho con cháu trong làng tinh thần yêu lao động, biết lắng nghe điều hay, làm điều tốt", Mẹ Máy nói.
 
Điểm tựa của người dân
 
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ bảo rằng, Mẹ VNAH Đinh Thị Máy kiên cường trong kháng chiến, bình dị trong thời bình, sống có trách nhiệm với quê hương, yêu thương người dân trong làng như người thân trong gia đình. Mẹ như cây bách, cây tùng trăm tuổi, kiên trung, không bị khuất phục trước gian khổ, ác liệt, khó khăn, là chỗ dựa của người dân trong làng. Mẹ luôn được người dân ở địa phương biết ơn và kính trọng.
 
THANH NHỊ
 
 

.