Chuyện về ông Được

10:09, 25/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ông Đỗ Văn Được (50 tuổi), ở tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) có vóc dáng khỏe khoắn, nước da rám nắng, giọng nói hào sảng và gần gũi với mọi người. Ông không chỉ là một nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương, mà còn là người “truyền lửa” cho phong trào nuôi trồng thủy sản ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. 
[links()]
 
Ông Được hiện đang sở hữu 26 ô lồng nuôi cá mú trân châu, với khoảng 12 nghìn con cá. Nhờ sự tiếp sức của ông mà nhiều hộ dân ở tổ dân phố Thạch By 2 gắn bó với nghề nuôi cá, tôm, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên khấm khá.
 
Vươn lên trong gian khó 
 
Ở làng biển Sa Huỳnh, ông Được được nhiều người quý trọng vì đức tính hiền lành, chịu khó, cần cù lao động, đặc biệt là người tiên phong nuôi trồng thủy sản ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. Đã bước sang tuổi 50, nhưng tài lặn bắt tôm nhí của ông hiếm ai theo kịp. Tôm nhí do ông Được bắt thường là loại có kích cỡ lớn, nên quá trình nuôi tỷ lệ hao hụt thấp. “Nguyên tắc của tôi trong khai thác tôm nhí là đúng mùa vụ, đúng kích cỡ. Bởi, tôm nhí chính là tôm hùm giống và chỉ có ngoài tự nhiên nên giá bán rất cao, có thời điểm 400 - 500 nghìn đồng/con. Nếu bắt khi tôm nhí còn quá nhỏ sẽ dễ chết, vừa lãng phí, vừa gây thiệt hại cho người nuôi”, ông Được lý giải. Cũng bởi "nguyên tắc" rất trách nhiệm này mà nhiều người nuôi tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận tìm đến ông để mua tôm nhí, dù giá bán có thể cao hơn thị trường...
 
Ông Đỗ Văn Được được tuyên dương tại Hội nghị “Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI”, giai đoạn 2017 - 2022.          Ảnh: NVCC
Ông Đỗ Văn Được được tuyên dương tại Hội nghị “Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI”, giai đoạn 2017 - 2022. Ảnh: NVCC
Trò chuyện cùng ông, tôi càng thấu hiểu những cơ cực, âu lo và rủi ro thường trực của người nuôi trồng thủy sản. Ông Được có thâm niên 15 năm nuôi cá, tôm.  "Trước đây, vợ chồng tôi bươn chải mưu sinh khắp nơi, vào tận Phú Yên để xem người ta nuôi tôm hùm. Trở lại quê nhà cùng với ít kinh nghiệm, vốn liếng không được bao nhiêu nên vợ chồng tôi mua lưới, rồi chặt tre làm lồng bè, bỏ công sức ra để bắt những con tôm nhí tự nhiên về làm giống. Ai cũng nói nuôi tôm hùm giàu lắm, nhưng đó là chuyện trong các cuộc trà dư tửu hậu, còn thực tế thì chẳng ai biết người nuôi tôm cơ cực và rủi ro đến nhường nào", ông Được trải lòng. 
 
Ngày nào ông Được cũng phải ngâm mình dưới nước 2 - 3 tiếng đồng hồ để làm vệ sinh lồng nuôi, dọn thức ăn thừa. Ông vừa làm, vừa quan sát tình trạng của tôm, nếu phát hiện con nào lừ đừ, có biểu hiện bệnh là bắt ra để chữa trị ngay. Vất vả nhất là vào mùa bão lũ, nước lạnh như đá nhưng vẫn phải ngâm mình chăm tôm, canh thời tiết. Mỗi khi mưa to, gió lớn, ông phải gồng mình kéo lồng vào trong vũng, nếu không nước mưa sẽ làm tôm bị ngộp, có thể bị chết.
 
Cơ cực đã đành, đầu ra của tôm hùm lúc trước không ổn định. Tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, nên người nuôi luôn trong cảnh thấp thỏm. Nếu thị trường tiêu thụ mạnh, tôm hùm được giá thì người nuôi phấn khởi. Ngược lại, sẽ phải bán đổ bán tháo, người nuôi lâm vào cảnh nợ nần.  Trước thực tế đó, ông Được suy nghĩ tìm hướng đi bền vững cho người nuôi tôm. Ông nghĩ đầm nước mặn Sa Huỳnh, với địa thế “3 mặt biển, 1 mặt núi”. Điều kiện này không chỉ giúp nguồn nước có độ mặn chuẩn, mà còn ít bị tác động bởi hiện tượng ngọt hóa trong mùa mưa. Vậy là ông Được triển khai nuôi hải sản trong lồng lưới, từ cá bớp, cá mú trân châu đến hàu Thái Bình Dương. Mỗi đối tượng nuôi, ông theo dõi và ghi chép cẩn thận đặc điểm phát triển, cách chăm sóc cũng như biện pháp điều trị các loại bệnh. Sau nhiều lần chọn lọc, 10 năm qua, ông tập trung đầu tư nuôi cá mú trân châu - loại cá sống ở tầng đáy, dễ nuôi lại ít bệnh. Thêm nữa, cá mú trân châu được tiêu thụ mạnh trong thị trường nội địa, không phụ thuộc vào Trung Quốc nên giá bán ổn định.
 
Giúp nhau làm giàu   
 
Với 26 ô lồng nuôi trồng thủy sản ở đầm nước mặn Sa Huỳnh, ông Được chia làm 2 khu vực: Khu ươm dưỡng và khu cá lồng. Cá bột mua về sẽ đưa vào khu ươm dưỡng và được chăm chút cẩn thận đến 3 tháng. Đây là thời gian quyết định đến tỷ lệ sống của cá mú nuôi sau này. Vì vậy, suốt thời gian ươm dưỡng cá, ông tỉ mẩn theo dõi, cũng như chăm chút vệ sinh lồng lưới, thức ăn. Vậy nên, dù thuê 2 - 3 nhân công phụ giúp, nhưng ông vẫn trực tiếp đảm nhận khâu đi chọn mua thức ăn và cho cá ăn.
 
Ông Đỗ Văn Được thành công với mô hình nuôi cá mú trân châu trên đầm nước mặn Sa Huỳnh.	 Ảnh: M.Hoa
Ông Đỗ Văn Được thành công với mô hình nuôi cá mú trân châu trên đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ảnh: M.Hoa
Sáng sớm hằng ngày, ông Được cùng vợ chạy xe máy đến cảng cá Sa Huỳnh, hoặc cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á để mua cá. Một ngày, ông cho cá ăn 4 - 5 lần. Sau 10 - 12 tháng nuôi, cá mú đạt trọng lượng chuẩn từ 1 - 1,2 kg/con là có thể xuất bán. Giá cá mú dao động từ 250 - 280 nghìn đồng/kg, có thời điểm đạt 300 nghìn đồng/kg, nên ông Được thu lợi nhuận lớn. Nhận thấy nuôi cá mú trân châu hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn học hỏi ông Được cách nuôi cá và mạnh dạn làm theo. Dần dà, nơi đây hình thành xóm nuôi hải sản, đối tượng nuôi nhiều nhất là cá mú trân châu và hàu Thái Bình Dương.
 
Ngụp lặn một hồi trong lồng cá mú trân châu, ông Được ngoi lên mặt nước giục vợ đi lấy thức ăn cho cá. Thức ăn vừa thả xuống, mặt nước tung bọt trắng xóa. Đàn cá ken đặc liên tục quẫy đuôi đớp mồi. Vừa nhìn chăm chăm đàn cá, ông Được vừa nói oang oang.

"Mỗi ô lồng có khoảng 500 - 600 con cá, trọng lượng chừng 0,7 - 0,8kg, chừng 1,5 tháng nữa là đủ chuẩn xuất bán. Giờ cá lớn nhìn đã con mắt chứ ít ai biết cách đây 5 tháng, nó bé tí, chỉ bằng đầu đũa. Để nuôi được cá mú, ngoài kinh nghiệm thì phải chăm sóc kỳ công, biết rõ đặc điểm sinh trưởng của cá để bắt bệnh và chữa bệnh. Cái khó của nuôi cá mú trân châu là làm sao “vỗ béo” chúng mà không được sử dụng thức ăn công nghiệp, để đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng".

Ông ĐỖ VĂN ĐƯỢC, cho biết.

Ông Được không chỉ “mát tay” trong nuôi trồng thủy hải sản, mà còn là người tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ người dân địa phương trong thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản. Ông chịu khó nghiên cứu cách điều trị khi cá mắc bệnh và hướng dẫn cho mọi người cùng thực hiện. Ông Cao Nhanh, ở tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh bảo rằng, chúng tôi thường gọi vui là ông Được... chuyên gia. Cá, hàu ở ô lồng nào có dấu hiệu bệnh là ông đến tìm hiểu và giúp xử lý, điều trị ngay. Ông ấy hết lòng giúp đỡ người khác nên được nhiều người quý mến...

 
Gần 15 năm lênh đênh trên đầm nước mặn Sa Huỳnh nuôi hải sản, ông Được không chỉ vui với thành quả lao động của mình, mà còn "truyền lửa" để các hộ dân ở địa phương nuôi trồng thủy sản, có đời sống kinh tế ngày càng khấm khá. Các hộ dân luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đặc biệt là hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi trồng thủy hải sản, và ông Được luôn là người đi đầu!
 
Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc 
 
Ông Đỗ Văn Được là một trong 6 nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi được tuyên dương tại Hội nghị “Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 13/9/2022. Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng cho biết, từ mô hình đầu tiên của ông Được, đến nay đã có hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố Thạch By 2 đầu tư nuôi cá lồng trong lưới tại cửa biển và đầm nước mặn Sa Huỳnh đạt hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điều mong mỏi của người dân là Nhà nước cần quy hoạch khu vực vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, để người dân yên tâm và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến đến hình thành và phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương.
 
MỸ HOA
 
 
 
 
 
 

.