Thông điệp từ Gò Tranh trên

03:09, 16/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gò Tranh trên, thuộc thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) có địa thế hiểm trở, cây rừng rậm rạp cao xanh ngút ngàn, nước suối trong vắt tuôn chảy từ nhiều mạch nguồn, không khí quanh năm mát mẻ. Sự yên bình và kì vĩ của Gò Tranh trên đã níu chân 8 hộ dân, khiến họ trăn trở, đau đáu chuyện dời đi đến nơi tái định cư (TĐC) hay ở lại.
 
[links()]
 
Thôn Gò Tranh được chia thành 3 khu vực: Gò Tranh dưới, Gò Tranh giữa và Gò Tranh trên, với 123 hộ dân (có 501 nhân khẩu). Riêng Gò Tranh trên hiện có 8 hộ, nằm sâu trong rừng rậm, việc đi lại trắc trở. Cuộc sống của người dân còn thiếu thốn đủ bề. Sản xuất, sinh hoạt của người dân tự cung tự cấp. Nơi đây không có sóng điện thoại, wifi, thiết bị nghe nhìn... 
 
Thung lũng xanh 
 
Cùng đoàn công tác của lãnh đạo huyện Minh Long, tôi trở lại Gò Tranh trên vào một ngày chớm thu. Đường lên Gò Tranh trên vẫn trắc trở, dốc núi cheo leo, bên núi cao, bên vực sâu nhưng đã bớt hoang vu như chục năm về trước. Hai bên đường cây cối vẫn um tùm, nhưng không còn những rặng tranh đan xen chằng chịt như xưa. Bước qua "cổng làng", thực ra là tấm phên tre được người dân dựng lên để ngăn gia súc đi rông, hiện ra trước mắt chúng tôi một thung lũng xanh yên bình. Một bên là dãy nhà sàn san sát nhau, một bên là rặng quýt xanh, bưởi vàng trĩu quả. Từng đàn trâu, bò lũ lượt tìm về chuồng. Con suối sau nhà rộn rã tiếng nói cười của người dân trong làn khói chiều vương vấn. Khung cảnh thật thơ mộng, hữu tình. 
 
Đường lên Gò Tranh trên, thuộc thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) còn trắc trở bởi dốc cao, vực sâu.                Ảnh: Mỹ Hoa
Đường lên Gò Tranh trên, thuộc thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) còn trắc trở bởi dốc cao, vực sâu. Ảnh: Mỹ Hoa
Người dân ở Gò Tranh trên rất hiếu khách. Thấy chúng tôi, ông Đinh Văn Cu, người uy tín tại Gò Tranh hồ hởi tiếp đón. "Cán bộ về làng, bà con ưng cái bụng lắm. Nơi này không có gì, chỉ có chè xanh, quýt núi, bưởi vườn đãi cán bộ thôi", ông Đinh Văn Cu nói. Ông Cu giục vợ bóc vỏ quýt, rót nước chè xanh mời khách, còn mình thì vội đến ban thờ tổ tiên thắp nhang cảm tạ Bác Hồ và gia tiên. Nghi lễ này tôi đã từng chứng kiến khi đến Gò Tranh trên vào năm 2012, đến nay vẫn còn duy trì. Trên ban thờ, ông Cu đặt di ảnh của cha mình thấp hơn ảnh Bác Hồ. Ông Cu bảo, cha mình là bộ đội, là lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà Bác Hồ là thủ trưởng của bác Giáp, nên phải tôn thờ ở bậc cao hơn.
 
Càng đi sâu vào làng, Gò Tranh trên càng tĩnh mịch.  Khói bếp tỏa ra từ những ngôi nhà sàn lẫn vào màn sương mỏng làm cho thung lũng Gò Tranh trên càng thêm mờ ảo. Nhấp chén rượu gạo, ông Đinh Văn Đôi trầm mặc bảo, từng có nhiều người, nhiều đơn vị đến đây tham quan, họ trầm trồ trước cảnh đẹp hoang sơ của nơi này. Họ gọi đây là “thung lũng xanh”. Họ bảo sẽ đầu tư làm du lịch để đánh thức "nàng sơn nữ” đang ngủ say này. Nhưng địa thế hiểm trở, hoang vu, nên nhiều người đi không hẹn ngày trở lại.
 
Đoàn công tác của huyện Minh Long tặng quà cho người dân Gò Tranh trên trong chuyến thăm ngày 12/8/2022.     ẢNH: Mỹ Hoa
Đoàn công tác của huyện Minh Long tặng quà cho người dân Gò Tranh trên trong chuyến thăm ngày 12/8/2022. ẢNH: Mỹ Hoa
Điều đặc biệt ở Gò Tranh trên là người dân giữ rừng như báu vật. "Làng mình nép vào rừng mà tồn tại ngót trăm năm, người dân được Thần rừng che chở nên ai cũng ra sức bảo vệ rừng. Thế nên, nhiều năm rồi nhiều người cứ dùng dằng giữa ra đi hay ở lại. Ra đi để có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng ở lại thì rừng sẽ còn cơ hội xanh và “giàu” hơn", ông Đôi nói.  
 
Trao gửi niềm tin  
 
Nắng chiều dần khuất sau những ngọn núi cheo leo, nhường chỗ cho màn đêm dần buông. Dưới ánh lửa bập bùng, dân làng và cán bộ huyện, xã, thôn cùng trao nhau chén rượu, cùng chuyện trò rôm rả. Câu chuyện chuyển về khu TĐC Gò Tranh, hay ở lại với núi rừng tiếp tục được luận bàn. Bất chợt nhìn đám trẻ, đứa vui đùa, đứa địu em đứng nép mình bên cột nhà hóng chuyện, ông Đinh Văn Cu buông tiếng thở dài, cả cuộc đời cha ông mình ăn cây rừng, hít hơi rừng để sống, giờ đi hay ở cũng chẳng có gì phải lo nghĩ. Nhưng không lẽ cứ để mấy đứa trẻ lớn lên như cây rừng - không học hành, không được chăm sóc sức khỏe...
 
Y sĩ Đinh Văn Minh, Trạm Y tế xã Long Sơn khám bệnh cho trẻ em ở Gò Tranh trên.                               ẢNH: M.H
Y sĩ Đinh Văn Minh, Trạm Y tế xã Long Sơn khám bệnh cho trẻ em ở Gò Tranh trên. ẢNH: M.H
Tiếp lời ông Cu, ông Đinh Văn Đôi thẫn thờ bảo, chiều nay bác sĩ bắt bệnh cho con mình, thằng bé mới 9 tuổi mà thở khó, hay sốt và ngất xỉu. Bác sĩ bảo phải chữa trị càng sớm càng tốt, mà ở nơi này thì làm sao mà chữa bệnh được. Ông Đôi dứt lời, mọi người rì rầm, bàn tán. “Ở giữa rừng nhưng mình vẫn có nhà để ở, có chuồng trâu, vườn quýt, có gạo rau nước uống. Về khu TĐC Gò Tranh mà không có tiền thì sẽ không làm được nhà, không dựng được chuồng trâu, không có đất để nuôi gà, trồng quýt. Cán bộ tính giúp bà con với”, ông Đinh Văn Đôi bày tỏ những băn khoăn, lo lắng của người dân nơi đây.
 
Đáp lại tiếng lòng ấy, Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái bảo rằng, bà con tin Đảng, tin chính quyền, đồng ý về khu TĐC Gò Tranh thì chính quyền huyện, xã, thôn hứa sẽ giúp sức. Trước mắt, bà con chuyển nhà và chuồng trại về khu TĐC Gò Tranh để thuận lợi cho việc khám chữa bệnh, đến trường của con cháu. Còn thung lũng này vẫn là nơi để bà con sản xuất, trồng quýt, nuôi trâu, giữ rừng. Huyện sẽ nỗ lực vận dụng mọi cơ chế, chính sách và các nguồn lực để giúp bà con ổn định cuộc sống và sản xuất.
 
Thoáng thấy nét lo âu, ngần ngại vẫn chưa tan trên khuôn mặt, ánh mắt người dân nơi đây, Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Điết tiếp lời, về khu TĐC Gò Tranh để con cháu đi học dễ dàng hơn, để được khám, chữa bệnh kịp thời, để không còn cảnh tảo hôn. Về khu TĐC Gò Tranh, bà con cũng sẽ được làm quen với những cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hơn; bán được các sản phẩm mình làm ra để có tiền nuôi con ăn học, sắm ti vi, tủ lạnh... Cuộc sống sẽ dần đủ đầy và đầm ấm hơn. Trước mắt, huyện sẽ huy động các nhà hảo tâm, các nguồn lực xã hội để hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập, vật dụng cá nhân... giúp các cháu yên tâm ra lớp.
 
Những lời hứa đúng nguyện vọng, xuất phát từ thực tế, từ sự cảm thông của cán bộ với người dân ở Gò Tranh trên giúp họ yên tâm hơn, tin tưởng hơn. Trong ánh lửa bập bùng cùng men rượu, những câu hát nồng nàn tình yêu với Đảng, với quê hương, đất nước... ngân lên. “Anh đang nói về quê hương ta/ Có nắng ấm về khắp buôn làng/ Trên quê hương Gò Tranh hôm nay/ Biết bao nhiêu là đổi thay/ Gò Tranh ơi mùa xuân lại về/ Mùa xuân về buôn làng no ấm/ Mùa xuân về cây lúa trổ bông...".  Mãi đến khi bình minh thấp thoáng ló dạng, lời ca tiếng đàn mới tắt, trong sự bùi ngùi tiếc nuối.
 
Tiễn chúng tôi ra khỏi cổng làng, ông Cu, ông Đôi, cụ Xia nắm chặt tay, nghẹn ngào mãi mới cất lời, bà con tin Đảng, tin Nhà nước. Bà con hứa sẽ nuôi bò, trồng quýt giỏi, sẽ bảo vệ rừng xanh và cũng sẽ về khu TĐC Gò Tranh. Những đứa trẻ sẽ được ăn học tử tế, lớn khôn khỏe mạnh, rồi chúng nó cũng sẽ tìm về “thung lũng xanh” - nguồn cội của mình. Nhưng không phải để lầm lũi mưu sinh, mà là làm cho nơi này đẹp hơn, giàu có hơn. Và, đây cũng chính là thông điệp của 8 hộ dân ở Gò Tranh trên.
 
Sẵn sàng đưa người dân vào khu tái định cư 
 
Khu TĐC Gò Tranh nằm ở khu Gò Tranh được khởi công xây dựng vào tháng 7/2021, tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng. Khu TĐC có diện tích 3,9ha, gồm 39 lô đất nền (400m2/lô), nhà văn hóa thôn (diện tích sàn 120m2), 2 tuyến đường giao thông nội vùng dài trên 900m cùng hệ thống điện, nước. Hiện khu TĐC Gò Tranh cơ bản hoàn thành 34/39 lô đất dành cho người dân TĐC, xây dựng nhà văn hóa thôn. Hai tuyến đường giao thông nội vùng đã được san ủi, đường ống thoát nước đang được xây dựng. Chính quyền địa phương đang lập thủ tục, sẵn sàng di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm vào khu TĐC Gò Tranh ngay trước mùa mưa bão năm nay.
 
MỸ HOA
 
 

.