Chuyện ở Đắk Pao

08:10, 18/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở miền sơn cước xa xôi, người dân nói không với rượu, bia, chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống của người dân đã sang trang mới, những ngày chìm ngập trong bia, rượu, vòng lẩn quẩn của đói nghèo chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ. Đó là câu chuyện của người dân ở thôn Đắk Pao, xã Sơn Màu (Sơn Tây).
 
Giúp dân thoát khỏi bóng ma men
 
Một ngày cuối thu, bầu trời trong veo và xanh thẳm, chúng tôi tìm về thôn Đắk Pao, xã Sơn Màu. Đắk Pao bây giờ là một bản làng xanh mướt, bình yên với những ngôi nhà sàn khang trang ẩn mình dưới dãy núi cao tách biệt hoàn toàn với trung tâm xã. Mấy ai biết rằng ở nơi đây ngày trước, cả đàn ông và phụ nữ từng nghiện rượu, uống rượu từ ngày này qua tháng nọ, uống rượu từ sáng sớm tinh mơ đến đêm khuya... 
 
Nụ cười rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh niềm vui, Chủ tịch UBND xã Sơn Màu Đinh Văn Lia kể về chuyện giúp người dân thoát khỏi bóng ma men. Khi chuyển công tác từ huyện về xã, những lần về thôn Đắk Pao, anh Lia buồn rầu khi thấy cảnh cánh đàn ông người cắp chai rượu, chai bia, chân nam đá chân chiêu. Ở nhiều ngôi nhà, đàn ông và cả chị em ngồi bên chiếu rượu, chiếu bia từ lúc sáng sớm, lẽ ra giờ này họ phải lên nương lên rẫy. Rượu vào lời ra, rồi chồng đuổi đánh vợ, vợ chồng dắt nhau ra tòa ly hôn, con trẻ nheo nhóc. Nghiện rượu, lười lao động dẫn đến nhiều hộ đói nghèo triền miên. Trong thôn có 56 hộ thì có đến 25 hộ nghèo.
 
Nhờ bỏ được rượu, bia, vợ chồng chị Đinh Thị Vum đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, gia đình hạnh phúc.                                                    Ảnh: Ái Kiều
Nhờ bỏ được rượu, bia, vợ chồng chị Đinh Thị Vum đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, gia đình hạnh phúc. Ảnh: Ái Kiều
Anh Lia đau đáu suy nghĩ làm cách nào để người dân cai nghiện rượu, bia, bảo vệ sức khỏe, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc? Và rồi, anh đề xuất với Ban Thường vụ Đảng ủy xã giao Hội LHPN xã triển khai mô hình “Nói không với rượu, bia”. "Sở dĩ xã giao Hội LHPN xã phát động mô hình này là do người đồng bào Ca Dong theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình", anh Lia giải thích. 
 
Dừng lại chốc lát, nhấp ngụm nước trà đặc quánh, anh Lia tiếp câu chuyện. Ban đầu ý tưởng này vấp phải sự phản ứng của nhiều người. “Chính quyền không cấm nhưng người dân phải sử dụng rượu, bia có chừng mực, đúng nơi, đúng chỗ, chăm lo phát triển kinh tế để thoát nghèo, lo cho con cái học hành, xây dựng gia đình hạnh phúc”, anh Lia giải thích để người dân hiểu. Qua đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích của cán bộ địa phương, dần dà nhiều người gật đầu, hiểu được tác hại của rượu, bia.
 
Anh Lia kể, vào một đêm trăng mùa hè 3 năm trước, sau bữa cơm tối, khi lũ trẻ ngồi vào bàn học, tất cả các cặp vợ chồng tập trung về nhà văn hóa thôn để ký cam kết nói không với rượu, bia. Người dân chỉ được dùng rượu, bia khi gia đình có giỗ, cúng, tiệc, nhưng chừng mực. Ai uống rượu, bia quá chén, say xỉn bị lập biên bản, phạt tiền 50 nghìn đồng lần thứ nhất và 100 nghìn đồng lần thứ hai. Điều đáng mừng là 100% người dân dự họp vỗ tay tán đồng và vui vẻ ký vào bảng cam kết. 
 
Ngày mới ở Đắk Pao
 
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu Đinh Thị Hằng cho biết, ban ngày hiếm lắm mới có người dân ở nhà. Trẻ em đi học, người lớn đi làm cả rồi. Mùa này, người thì vào Tây Nguyên hái cà phê, người thì ở quê đi thu hoạch keo ngày cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng. Bỏ được rượu ai cũng ham làm ăn, có mấy hộ đã thoát nghèo, con trẻ được cha mẹ chăm chút học hành tiến bộ hẳn lên.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu Đinh Thị Hằng (bên phải) thường xuyên tới các gia đình động viên người dân chăm lo phát triển sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc.                   Ảnh: Ái Kiều
Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu Đinh Thị Hằng (bên phải) thường xuyên tới các gia đình động viên người dân chăm lo phát triển sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Ái Kiều
Dừng chân trước ngôi nhà sàn khang trang, bề thế, chúng tôi gặp ba mẹ con chị Đinh Thị Vum đang đùa giỡn trước hiên nhà. Nhớ lại những ngày tháng vợ chồng lục đục, hôn nhân bên bờ vực thẳm vì chồng nghiện rượu, Vum vẫn còn rùng mình. Mời chúng tôi lên nhà, pha cốc nước chè mời khách, Vum kể câu chuyện của gia đình mình. Vum từng là học sinh giỏi Văn, học đến lớp 11 thì nghỉ học lấy chồng. Cũng như bao người đàn ông khác trong thôn, chồng Vum suốt ngày nồng nặc mùi rượu. Khi Vum mở lời nhắc nhở, chồng lại làm ầm lên, đánh vợ. Vum bỏ về nhà bố mẹ đẻ cách nhà gần 20km giữa đêm khuya, vừa đi vừa khóc thương thân phận mình. Nhưng rồi thương con nên Vum lại quay về chung sống cùng chồng, chịu đựng cảnh khổ khi chồng nghiện rượu.
 
Niềm hạnh phúc của gia đình chị Đinh Thị Vum khi chồng chị Vum bỏ được rượu, lo làm ăn. Ảnh: Ái Kiều
Niềm hạnh phúc của gia đình chị Đinh Thị Vum khi chồng chị Vum bỏ được rượu, lo làm ăn. Ảnh: Ái Kiều
Không phải tự nhiên mà chồng Vum cai nghiện được rượu, bia. Từ khi hội LHPN xã triển khai mô hình “Nói không với rượu, bia”, đêm đêm Vum rỉ rả bên tai chồng: “Chồng ơi! Nhà người ta chồng ham làm ăn, xây nhà đẹp, sắm được cái này cái kia còn nhà mình vẫn chưa có gì”. Rồi cán bộ phụ nữ xã, thôn thường xuyên đến nhà nhắc nhở nên chồng Vum không dám uống rượu nữa, sợ bị phạt. Nhờ bỏ được rượu, vợ chồng bảo ban làm ăn, vợ chồng Vum đã thoát nghèo. Mạnh dạn vay 40 triệu đồng của Nhà nước cùng số tiền dành dụm từ khai thác keo, mì, bán trâu, bò, vợ chồng chị Vum đã xây được ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng, sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình.
 
Vum chưa dứt lời, một người phụ nữ đến nhà rủ Vum đi làm. Đưa ánh mắt về phía người phụ nữ ấy Vum bảo đây là chị Mười. Vợ chồng chị Mười từng nghiện rượu đến phát bệnh tâm thần, quên cả lối về, bạ đâu ngủ đó, không còn nhớ hai con đang nheo nhóc ở nhà. Anh Đinh Văn Tôn, chồng chị Mười bị thôn đến lập biên bản xử phạt, nhưng nghèo quá, không có tiền đóng phạt. Lúc này anh chị mới tỉnh ngộ và ký cam kết “đoạn tuyệt” với ma men. Từ ngày bỏ rượu, chị Mười thấy cơ thể khỏe mạnh, đầu óc tỉnh táo.
 
“Ổng đi hái cà phê trên Đắk Nông, tôi ở nhà đi thu hoạch keo thuê, cố gắng làm lụng để sớm thoát nghèo”, chị Mười bẽn lẽn nói. Nhìn đôi mắt sáng của chị Mười, tôi có niềm tin vợ chồng chị sẽ sớm thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Màu Đinh Văn Lia phấn khởi cho biết, hầu hết người dân trong thôn đã “đoạn tuyệt” với rượu. Cánh đàn ông chỉ uống bia khi gia đình, xóm làng có cúng, giỗ, tiệc... nhưng rất chừng mực, không còn tình trạng uống quá chén, say xỉn như trước. Từ 25 hộ nghèo đã có 10 hộ thoát nghèo, 5 hộ nghèo đã vươn lên thành hộ cận nghèo và tình nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm nay; thu nhập bình quân đầu người là 25 triệu đồng/người/năm. Bố mẹ bỏ được rượu, siêng năng lao động, quan tâm đến chuyện học hành của con cái nên bọn trẻ cũng nỗ lực không ngừng vì tương lai tươi sáng. Thôn có 2 em đang học cao đẳng mầm non tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, 2 em đang học tại Trường Cao đẳng Nghề Việt - Hàn, 2 em đang học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, 25 em đang học tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Từ hiệu quả của mô hình này, xã Sơn Màu sẽ nhân rộng ra 3 thôn còn lại.
 
Đắk Pao ngày mới đã không còn bóng ma men. Từ nay, người dân trong thôn đã biết chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống của người dân nơi đây đã và đang sang trang mới, những ngày chìm trong bia, rượu, vòng lẩn quẩn của đói nghèo chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ.
 
ÁI KIỀU
 

.