Cổ tích giữa đời thường

02:11, 20/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những chuỗi ngày dài đằng đẵng đi tìm sự sống cho một cậu bé mắc căn bệnh hiếm gặp, luôn đong đầy tình yêu thương của gia đình và tình nhân ái giữa người với người. Đó là, câu chuyện về cậu bé Phạm Duy Quý (10 tuổi), ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), như cổ tích giữa đời thường.
 
Hành trình đi tìm sự sống
 
Bao lần bật khóc nức nở khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm của con, rồi nhiều lần lặng lẽ khóc thầm trong đêm, chị Lê Thị Mỹ (46 tuổi), mẹ của Quý, vẫn cố giữ niềm hy vọng dù nhỏ nhoi trong hành trình đi tìm sự sống cho con. Năm 2012, Quý chào đời trong sự chờ đón của cả gia đình. Thế nhưng, chỉ 15 ngày sau sinh, chị Mỹ phát hiện trong phân của Quý có lẫn máu. Từ đó, nỗi lo lắng, thấp thỏm mơ hồ cứ bám theo suy nghĩ của chị, bởi trước đó, anh trai của Quý (sinh năm 2006) đã mất khi mới được một tuổi. Chị không ngờ rằng, đó là dấu hiệu bắt đầu cho những chuỗi ngày lấy bệnh viện làm nhà và những giấc ngủ chập chờn chẳng trọn giấc.
 
Em Phạm Duy Quý ngồi giữa những người thân yêu của mình gồm mẹ, chị gái và bà Nguyễn Thị Thu Thảo (bên phải). ảnh: BẢO HÒA
Em Phạm Duy Quý ngồi giữa những người thân yêu của mình gồm mẹ, chị gái và bà Nguyễn Thị Thu Thảo (bên phải). Ảnh: BẢO HÒA
Quý được đưa vào khám tại bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh. Tiền sử gia đình cùng những kết quả xét nghiệm chuyên sâu khiến các bác sĩ e ngại về tình trạng bệnh của Quý, vì em bị suy giảm hệ miễn dịch do đột biến gen. Người mẹ từng trải qua nỗi đau mất con, nghe tên về căn bệnh lạ, cùng dự báo Quý chỉ có thể sống được đến 3 tuổi khiến chị như gục ngã. “Mỗi lần nghe bác sĩ tư vấn, tôi không kìm nén được lại òa khóc vì căn bệnh của con không thể chữa được. Còn nước còn tát, tôi nghỉ việc, ôm con đến khắp bệnh viện từ Nam ra Bắc, hết thất vọng rồi lại hy vọng”, chị Mỹ nhớ lại.
 
Một tia sáng lóe lên, khi bà Nguyễn Thị Thu Thảo (59 tuổi), ở thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận, nghe về tình trạng bệnh của Quý, đã kết nối với người bạn cũ hiện là bác sĩ tại Mỹ. Bà Thảo là giáo viên về hưu, cha của Quý là học sinh cũ  khiến bà đau đáu, trăn trở mãi. Với trường hợp bệnh của Quý phải thực hiện ghép tủy mới duy trì được sự sống, nhưng chi phí ghép tủy quá lớn. Và rồi, Quý được người bạn của bà Thảo tại Mỹ đồng ý hỗ trợ toàn bộ các chi phí đưa sang Mỹ ghép tủy. Thế nhưng, các chỉ số xét nghiệm của bố lẫn mẹ của Quý đều không phù hợp để hiến tủy cho con.
 
Trong gia đình, chỉ còn lại chị gái của Quý là Phạm Khánh Dân (19 tuổi) phù hợp với các chỉ số để ghép tủy cho em trai. Dẫu biết trước phải đối mặt với đau đớn, hiểm nguy, ảnh hưởng đến sức khỏe, Dân vẫn lên đường sang Mỹ để hiến tủy cho em. 
 
Nghĩa tình người dưng
 
Sau khi hoàn thành các thủ tục giấy tờ, ba mẹ con Quý lên đường bay sang Mỹ vào tháng 1/2019. Lần đầu tiên gặp nhau tại sân bay, các bác sĩ đã ôm chầm động viên mẹ con Quý như những người ruột thịt. Suốt 8 tháng ở Mỹ, tất cả các chi phí di chuyển từ Việt Nam sang, ăn uống, xét nghiệm tại Mỹ, đều do bác sĩ là bạn của bà Thảo chi trả. Với căn bệnh hiểm nghèo của Quý, các bác sĩ tại Mỹ đã quyết định chọn một nơi chuyên sâu hơn để chữa trị, ghép tủy cho cháu. Một bệnh viện tại Italy là nơi được các bác sĩ chọn. Ba mẹ con Quý lại được làm thủ tục, giấy tờ để bay sang Italy.
 
Hai chị em Phạm Khánh Dân và Phạm Duy Quý hạnh phúc vì được ở bên nhau sau những tháng ngày đầy dông bão.                             Ảnh: BẢO HÒA
Hai chị em Phạm Khánh Dân và Phạm Duy Quý hạnh phúc vì được ở bên nhau sau những tháng ngày đầy dông bão. Ảnh: BẢO HÒA
Đặt chân đến Italy, ba mẹ con Quý được ở khu tập thể của bệnh viện. “Khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày lên chuyến xe chở từ khu tập thể đến bệnh viện, tôi có cảm giác như nín thở. Rồi đến ngày, Dân được vào phòng phẫu thuật từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới được đẩy ra. Tôi gặp con gái xanh lét, đi không nổi, lòng tôi trào dâng niềm thương con vô hạn. Có hình dung đến cỡ nào, tôi cũng không nghĩ con phải trải qua cảnh đau đớn như vậy để cứu em”, chị Mỹ xúc động nhớ lại. Chỉ kịp ở bên cạnh con gái trong thời gian ngắn, bệnh viện thông báo đến lượt Quý vào phòng phẫu thuật để ghép tủy. Lòng chị Mỹ rối bời, không biết cách nào để chăm lo cho con gái đang mệt mỏi. May mắn thay, một người phụ nữ Italy đã tự nguyện chăm Dân trong đêm đầu tiên sau khi hiến tủy. Tất cả các chi phí chữa trị, ăn ở tại Italy đều do bệnh viện chi trả. Chị Mỹ cho hay, chi phí cho việc đi lại, ăn ở và chữa bệnh cho Quý là rất lớn, không thể đong đếm hết được.
 
Tháng 4/2022, ba mẹ con Quý trở về nước. Cậu bé Quý ốm đau ngày nào giờ đã bảnh bao trong bộ đồng phục học sinh lớp 1. Sau 2 năm hoãn lại việc học để hiến tủy cứu em, Dân đã tiếp tục hoàn thành chương trình học phổ thông với bao ước mơ còn ở phía trước.
 
Chuyện về bà giáo nhân ái
 
Chị Mỹ đi cả vòng trái đất để tìm sự sống cho con. “Càng đi càng thấy nhiều người tốt bụng. Lòng người rộng lớn mênh mông quá”, đó là câu nói mà chị Mỹ nhắc đi nhắc lại như một sự biết ơn về những ân tình mà mẹ con chị đã nhận được. Bên cạnh các bác sĩ đã hỗ trợ chi phí điều trị, một trong những ân nhân mà chị Mỹ nói đến chính là bà giáo Nguyễn Thị Thu Thảo.
 
Chúng tôi đến thăm nhà bà giáo Thảo vào một buổi chiều. Bà giáo có giọng nói trong trẻo, để lại ấn tượng tốt đẹp với người gặp. Bà Thảo cho hay, để kịp thời hỗ trợ cho mẹ con Quý chữa trị, làm các thủ tục ra nước ngoài ghép tủy, bà phải thường xuyên giữ liên lạc với người bạn. Vì sống ở hai đất nước chênh lệch múi giờ ngày và đêm, bà Thảo phải sắp xếp việc nhà, chăm sóc bố mẹ già yếu và lo liệu tiệm tạp hóa để kịp nói chuyện với bạn bên Mỹ. “Đằng sau hành trình đi tìm sự sống cho Quý là những cuộc liên lạc trò chuyện căng thẳng của tôi với người bạn bác sĩ của mình. Nhiều lần vội vàng, tôi làm rơi điện thoại vỡ màn hình. Nhưng chẳng hề sao, miễn là cuộc trò chuyện vẫn tiếp tục để tôi có thể kết nối hỗ trợ giúp đỡ Quý đi chữa bệnh”, bà Thảo bộc bạch.
 
Câu chuyện chúng tôi và bà Thảo được tiếp nối với những mảnh đời không may bị bệnh nặng, được bà Thảo kết nối vận động giúp đỡ đi chữa bệnh. Những năm qua, bên cạnh giúp đỡ, tiếp sức học sinh, sinh viên nghèo đến trường, bà Thảo còn giúp đỡ nhiều học trò bị bệnh nan y. Bà đã vận động hàng trăm triệu đồng giúp học trò cũ chữa bệnh ung thư trực tràng, ghép thận, giúp con của học trò bị bại não, động kinh... Có lần thấy một em bé đi ngang qua nhà với những biểu hiện lạ, bà lo lắng chẳng thể để em đi tiếp, liền hỏi thăm tìm hiểu mới biết em bị mù bẩm sinh. Vậy là, bà Thảo lại kết nối với nhà hảo tâm để đưa em bé ấy vào học ở TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, em đã biết đọc chữ nổi, hát líu lo. Bà Thảo còn kết nối với bác sĩ giúp đỡ, tài trợ kinh phí thực hiện một ca ghép tim, trao phương tiện làm kế mưu sinh sau khi khỏe mạnh. Trong cuốn sổ tay của bà Thảo là những dòng ghi chép về các trường hợp chuẩn bị đang chờ ghép tim, ghép gan. Những cuộc đời được hồi sinh từ sự kết nối ấy.
 
Và chúng tôi biết rằng, ở những nơi khác trên đất nước Việt Nam này, luôn có những tấm lòng nhân ái bao la giống như bà Thảo và những người bạn của bà. Để thắp lên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, như chuyện về cậu bé Quý...
 
Hạnh phúc lớn lao
 
Những ngày này, cũng như bao thầy, cô giáo khác đã chọn bảng đen, phấn trắng làm sự nghiệp, bà giáo Thảo cũng hòa vào niềm vui nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Với bà Thảo, khi chứng kiến nụ cười của các cháu, các em và gia đình của những mảnh đời không may bị bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.
 
BẢO HÒA
 
 
 
 
 
 

.