Làng nghèo nơi đại ngàn

08:12, 04/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới ngoài đôi mươi, nhưng nhiều cô gái trẻ ở vùng núi cao huyện Trà Bồng đã là mẹ của đàn con nheo nhóc. Cuộc sống trong vòng lẩn quẩn không lối thoát, theo một điệp khúc “đói nghèo đông con, rồi lại đói nghèo”...
 
Điệp khúc buồn
 
Từ trung tâm huyện Trà Bồng ngược lên phía tây, theo hướng về các xã của huyện Tây Trà cũ là đến đỉnh Eo Chim. Ở nơi đỉnh đèo nhìn xuống, tổ 5, thôn Trà Linh, xã Hương Trà nằm dọc Tỉnh lộ 622B thật yên bình. Thế nhưng, khi đến tận nơi mới thấy những mái nhà lọt nắng, tạm bợ hiện ra. Nhìn đâu cũng thấy phụ nữ và trẻ em nheo nhóc. Đây là ngôi làng đông con và nghèo nhất xã.
 
Cuộc sống của phụ nữ và trẻ em ở tổ 5, thôn Trà Linh, xã Hương Trà gặp nhiều khó khăn vì đông con.  Ảnh: THIÊN HẬU
Cuộc sống của phụ nữ và trẻ em ở tổ 5, thôn Trà Linh, xã Hương Trà gặp nhiều khó khăn vì đông con. Ảnh: THIÊN HẬU
Ở giữa làng là nhà của chị Hồ Thị Thắm. Mới ngoài 30 tuổi, nhưng trông chị già và xanh xao sau 4 lần vượt cạn. “Ở đây ai cũng đông con, nhưng vì nhà tôi nghèo nhất nên đặc biệt hơn cả. Cũng vì nghèo, không có tiền nên không áp dụng được các biện pháp tránh thai. Trong khi đó, chồng lại mong có con trai để nối dõi. Vì thế, nhà mới đông con như vầy”, chị Thắm thổ lộ. Nói rồi, chị liền chạy ra sau nhà, hái lá rừng giã nát cho đứa con đang ốm nặng uống trị bệnh.
 
Tổ 5, thôn Trà Linh là ngôi làng đặc biệt. Mặc dù nằm cạnh Quốc lộ, nhưng xung quanh là rừng phòng hộ, người dân thiếu đất sản xuất. Buôn bán sản vật rừng, làm thuê, làm mướn là sinh kế chính. Thế nhưng, từ khi huyện Tây Trà sáp nhập lại với huyện Trà Bồng, những chuyến xe lên non, về xuôi ít lại, việc buôn bán trở ngại, cuộc sống người dân càng thêm khó khăn.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trà Hồ Văn Trinh, tổ 5 có 43 hộ, nhưng có đến hơn 200 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo luôn dẫn đầu trong xã. Cuối năm 2021, tổ 5 có 26 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Hơn 15 phụ nữ trong tổ 5 chỉ vừa mới hơn 20 tuổi đã có từ 3 - 4 đứa con trở lên. Giúp người dân thoát nghèo là bài toán khó đối với địa phương, khi mà tình trạng sinh con ngày càng đông. Phụ nữ lo đẻ, chăm con. Đàn ông thì chìm trong men say. Đông con lại nhàn rỗi nên ở đây cũng từng xảy ra những hệ lụy khó lường. Nhiều đứa trẻ phải bỏ học từ rất sớm.
 
Anh Hồ Văn Linh, ở tổ 5, thôn Trà Linh, xã Hương Trà (Trà Bồng) và các con.  Ảnh: THIÊN HẬU
Anh Hồ Văn Linh, ở tổ 5, thôn Trà Linh, xã Hương Trà (Trà Bồng) và các con. Ảnh: THIÊN HẬU
Như gia đình anh Hồ Văn Linh (39 tuổi). Anh Linh có tất cả 5 người con. Đứa thứ 5 vừa mới được 9 tháng tuổi. Bản thân anh thường xuyên đau ốm nên những công việc nặng vợ đều gánh vác. Cuộc sống thiếu nước, hụt sau. Vì hoàn cảnh của gia đình, đứa con gái vừa bỏ học cách đây vài tháng để đi xa, kiếm tiền gửi về phụ giúp cha mẹ. Nơi quê nhà, gánh nặng chăm em, làm việc nhà, bán rau rừng đè lấy đôi vai Hồ Văn Nhã (15 tuổi), con trai đầu của anh Linh. Vừa đi học về, Nhã lại tất bật chăm em thơ, rồi chạy ra ven đường trước nhà bày soạn măng rừng, bắp chuối để bán cho người qua lại. “Điều đáng sợ nhất đối với em là một ngày nào đó, em cũng phải bỏ học như em gái. Trong khi đó, bản thân vẫn luôn khát khao được đến trường”, Nhã nói.
 
“Vì quên... nên đẻ nhiều”
 
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND tỉnh, huyện Trà Bồng với người dân xã Trà Thanh, nhiều cử tri phản ánh tình trạng sinh con thứ 3 đáng báo động ở địa phương. Năm 2022, toàn xã có 12 trường hợp sinh con thứ 3 và hiện có 9 trường hợp khác đang mang thai con thứ 3. Trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo ở xã Trà Thanh vẫn còn chiếm trên 67%. Đời sống người dân rất khó khăn.
 
Chúng tôi được chị Hồ Thị Bích (33 tuổi), một cộng tác viên dân số lâu năm ở xã Trà Thanh dẫn đến thăm một vài trường hợp sinh nhiều con ở thôn Vuông, xã Trà Thanh, trong đó có gia đình chị Hồ Thị Hạnh (30 tuổi). Chị Hạnh có 4 đứa con. Một con trai đầu lòng và 3 con gái. Chị không muốn sinh đông như vậy, hơn nữa bản thân cũng hiểu rõ những hệ lụy của việc sinh con đông. Thế nhưng, vì quên uống thuốc ngừa thai, thế là đứa thứ 3, thứ 4 liên tiếp chào đời. 
 
"Đi đến đâu, hỏi chị em nào họ cũng nói không muốn sinh nhiều và hiểu rõ hệ lụy của điệp khúc đông con, đói nghèo, nhưng sao họ vẫn đẻ", chúng tôi thắc mắc. “So với trước đây, bây giờ người dân có nhiều cơ hội để tiếp cận với kiến thức về sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Ai cũng tỏ ra hiểu biết, đồng lòng giảm sinh con thứ 3, nhưng một thời gian sau lại khệ nệ mang bụng bầu. Hỏi đến thì họ bảo quên dùng bao cao su, quên uống thuốc ngừa thai, không có tiền đặt vòng... Thế nhưng, cũng có một số trường hợp cố tình đẻ nhiều để có thêm lao động, nối dõi tông đường, đứng ra thờ cúng tổ tiên theo phong tục của người Cor... Những ngôi nhà đông con, đa phần đều có nhiều con gái”, chị Bích trả lời.
 
Mặt khác, ở những nơi có địa hình khó khăn như xã Trà Thanh, thì việc người dân lặn lội một quãng đường xa xuống thị trấn Trà Xuân để đặt vòng, mua bao cao su hay thuốc ngừa thai không hề dễ dàng. Hơn nữa, không phải ai cũng có tiền để mua. Bao năm nay, người dân vẫn luôn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, một số chương trình hỗ trợ cho người dân miền núi thực hiện kế hoạch hóa gia đình lại bị cắt giảm, chỉ còn hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo. Điều này cũng khiến cho việc sinh con thứ 3 gia tăng trở lại.
 
Chính sách còn bất cập
 
Năm 2022, huyện Trà Bồng có 415 trẻ được sinh ra, thì có gần 100 trẻ là con thứ 3 trở lên và có 65 trẻ là con của phụ nữ dưới 20 tuổi. Điều đáng lo ngại là, tỷ lệ sinh con thứ 3 đều rơi vào những phụ nữ dưới 30 tuổi. Ở cái tuổi lẽ ra chỉ cần sinh từ 1- 2 con, lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, thì phụ nữ lại dành phần lớn thời gian để sinh đẻ, chăm con. Ngoài ra, tình trạng tảo hôn cũng đang ở mức báo động.
 
Dù mới 30 tuổi nhưng chị Hồ Thị Hạnh, ở thôn Vuông, xã Trà Thanh (Trà Bồng) đã có đến 4 đứa con.  Ảnh: THIÊN HẬU
Dù mới 30 tuổi nhưng chị Hồ Thị Hạnh, ở thôn Vuông, xã Trà Thanh (Trà Bồng) đã có đến 4 đứa con. Ảnh: THIÊN HẬU
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng Đặng Văn Nam cho rằng, thực tế trên là điều đáng lo ngại của địa phương. Ngoài ý thức của người dân, tác động của việc cắt giảm các chương trình hỗ trợ cho công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số, hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình hay địa phương còn thiếu quan tâm đến công tác dân số, thì sự chồng chéo giữa các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trở ngại.
 
Ông Nam dẫn chứng, Nghị định 39 ngày 27/4/2015 của Chính phủ có quy định hỗ trợ 2 triệu đồng một lần cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách, cam kết không sinh con thứ 3. Trong khi đó, Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội lại quy định trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, được trợ cấp một khoản tiền nhất định hằng tháng. Một bên yêu cầu giảm sinh, còn một bên vô tình khuyến khích sinh nhiều. Vì thế, ngay từ cấp thôn, xã, nếu tuyên truyền không đúng cách để người dân nhận thức đúng sẽ dẫn đến những hệ lụy lường.
 
“Thời gian đến, ngành dân số huyện Trà Bồng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có ý thức hơn về lợi ích của việc sinh đủ con, những hệ lụy khi sinh nhiều con, nhận thức về bình đẳng giới. Ngành cũng sẽ chú trọng kiện toàn đội ngũ làm công tác dân số cấp cơ sở, tạo điều kiện cho lực lượng này hoạt động hiệu quả, kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số ở địa phương... Ngoài ra, ngành dân số rất cần sự chủ động phối hợp từ các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở”, ông Nam chia sẻ.
 
THIÊN HẬU
 
 
 
 
 

.