Kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2017):
Những thầy thuốc như mẹ hiền

02:02, 27/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong thư gửi Hội nghị ngành y tế ngày 27.2.1955, Bác Hồ căn dặn: “Lương y phải như từ mẫu”. Thấm nhuần lời dạy đó, các thế hệ thầy thuốc ở tỉnh ta đã không ngừng nỗ lực, trau dồi chuyên môn, y đức để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Ở nông thôn và vùng miền núi, hải đảo xa xôi của tỉnh, người dân ít có điều kiện thăm khám sức khỏe định kỳ, cùng với đó là nhận thức còn hạn chế, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn... đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây cũng là trăn trở của những thầy thuốc tuyến cơ sở...

Hành nghề nơi rẻo cao

Là người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, bác sĩ Đinh Thị Thùy ở Trạm Y tế xã Sơn Ba (Sơn Hà) luôn trăn trở với tình hình bệnh tật và chế độ dinh dưỡng của đồng bào vùng cao. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, bác sĩ Thùy tình nguyện về Trạm Y tế xã Sơn Ba công tác. Không ngại khó khăn, nghe dân ở khu dân cư nào bị bệnh không đưa đến bệnh viện mà tổ chức cúng bái là chị có mặt để khuyên giải, không chỉ một lần mà còn thực hiện nhiều lần, đến khi nào đồng bào hiểu và làm theo thì chị mới thôi. Cứ thế, chị lặn lội hết nhà này đến nhà nọ, vượt qua bao sông suối, đèo cao với đôi chân rướm máu chỉ mong đồng bào mình mỗi khi đau ốm thì tin thầy thuốc hơn là thầy cúng; hiểu được ý nghĩa của việc khám phụ khoa, khám thai định kỳ, tiêm phòng cho trẻ em...
 

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đinh đã có hơn 30 năm gắn bó với Trạm y tế xã Tịnh Long.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Đinh đã có hơn 30 năm gắn bó với Trạm y tế xã Tịnh Long.
 
Những hy sinh trong 20 năm qua của chị đã được đền đáp bằng niềm tin của người dân là, khi có người thân đau ốm đều đưa đến trạm xá. "Điều tôi vui nhất là, đồng bào bây giờ mỗi khi có dịp gặp bác sĩ là biết tranh thủ nói về sức khỏe của mình, với mong muốn được bác sĩ tư vấn điều trị, chứ không còn lẩn tránh như ngày xưa. Phụ nữ khi có thai đều đến khám định kỳ, đưa trẻ con đi tiêm phòng đúng lịch... Vì thế mà sức khỏe của người dân và chế độ dinh dưỡng của con trẻ ngày càng được nâng lên", bác sĩ Thùy chia sẻ.

Với bác sĩ trẻ Đỗ Văn Thông ở xã Ba Động (Ba Tơ), năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y dược Huế, anh trở về quê công tác, sau đó được phân công làm Trưởng Trạm Y tế xã Ba Xa một thời gian rồi được ngành điều chuyển về xã Ba Điền. Lúc bấy giờ, anh vừa làm chuyên môn, vừa là một tuyên truyền viên về cách chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. Nhờ sinh sống ở địa phương mà anh hiểu được tập quán của đồng bào, nên nói vấn đề gì, làm việc nào đồng bào đều tin và làm theo.

Từ khi Trạm Y tế xã Ba Điền được đầu tư máy siêu âm và điện tim, bác sĩ Thông nỗ lực học tập và sử dụng thành thạo các thiết bị y tế này, nên người dân không còn phải xuống Trung tâm Y tế huyện. Đến khi Làng Rêu của xã Ba Điền bùng phát hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, bác sĩ Thông cùng các đồng nghiệp về với dân để thực hiện 3 cùng, giúp người dân biết cách phòng bệnh, đẩy lùi hội chứng này trong khu dân cư.

Coi bệnh nhân như người thân

Đến với Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, chúng tôi được các thầy thuốc và bệnh nhân ở đây dành nhiều lời khen cho bác sĩ Đinh Thị Đường. Chị sinh ra ở Làng Nà, xã Sơn Trung còn nhiều nghèo khó và đã nhiều lần phải rơi nước mắt khi chứng kiến bà con trong làng bị bệnh đơn giản, nhưng không qua khỏi vì những nhận thức, tập quán lạc hậu. Vì thế, khi học xong phổ thông chị quyết định theo học ngành y với mong muốn được chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình. Năm 2011, cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa chính quy trên tay, bác sĩ Đường tình nguyện về đầu quân ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây.

Sau hơn 6 năm công tác, chị được tín nhiệm giữ chức Trưởng Khoa phụ trách Nội-nhi-lây của Trung tâm. "Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, y bác sĩ còn phải làm tốt khâu tâm lý cho người bệnh và cả người nhà nữa. Phải coi người bệnh như người thân của mình thì mới dồn hết công sức, trí tuệ để theo dõi, chẩn đoán và điều trị bệnh mới có hiệu quả", bác sĩ Đường chia sẻ.
 
Nói là làm, ngoài những giờ thăm khám, chị còn đến từng phòng tận tay phát thuốc, đi mua thức ăn, bón cháo cho không ít người bệnh. “Tôi bị viêm phổi nằm viện hơn 10 ngày rồi, nhưng không có người nhà chăm sóc. May nhờ bác sĩ Đường giúp đỡ, nên đến nay sức khỏe đã ổn”, bà Đinh Thị Xong, 63 tuổi, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) xúc động nói.

Còn sức, còn cống hiến

Đó là chia sẻ của thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Thị Thanh Hòa, nguyên bác sĩ Bệnh xá X50, nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dù đã bước sang tuổi 80, nhưng ông vẫn dành tình yêu thương và trách nhiệm với người bệnh. Năm 1998, sau khi về hưu bác sĩ Hòa tình nguyện cùng các đồng nghiệp tham gia khám, chữa bệnh cho người dân tại Phòng khám Đông y từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP.Quảng Ngãi. Mặc cho tuổi cao, sức yếu, nhưng bằng lòng yêu nghề, cái tâm của người thầy thuốc, bác sĩ Hòa luôn tận tụy với từng bệnh nhân, coi nỗi đau của họ như chính bản thân mình.

 

Đối với đồng bào CaDong bác sĩ Đường là một thầy thuốc giàu lòng nhân ái.
Đối với đồng bào CaDong bác sĩ Đường là một thầy thuốc giàu lòng nhân ái.


Bác sĩ Nguyễn Hữu Đính cũng vậy. Hơn 30 năm cống hiến ở Trạm Y tế xã Tịnh Long, ông đã đóng góp rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Dù ở gần thành phố, nhưng phần lớn người dân đều ghé trạm mỗi khi ốm đau, sau đó không khỏi mới chuyển lên tuyến trên. Để có được điều đó, người thầy thuốc ở trạm phải tạo được niềm tin cho người dân về khả năng chẩn đoán bệnh, bằng sự nhiệt tình, không quản ngại nắng mưa, khuya sớm...

Trong hơn 30 năm công tác ở đây, ông đã can thiệp, hỗ trợ nhiều trường hợp sản phụ sinh khó. Hay như những trường hợp sốt rét ác tính trước đây được bác sĩ cấp cứu qua khỏi cơn nguy kịch; những ca tự tử bằng thuốc trừ sâu được ông sơ cứu kịp thời trước khi chuyển lên tuyến trên điều trị.

Những thầy thuốc hôm nay phải gách vác trên vai nhiều trọng trách lớn lao, dẫu còn nhiều việc phải làm, nhưng với những nghĩa cử xuất phát từ trái tim của người thầy thuốc đã cho chúng ta một niềm tin lớn, họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa y tế, góp phần tỏa ngát hương thơm cho đời, đem lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà.

 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 

.