Tấm lòng của những người thầy thuốc

02:02, 27/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Với tấm lòng thiện lương, tất cả vì người bệnh, những người thầy thuốc thầm lặng đã nguyện dành trọn cuộc đời cho nghề y. Dù nhận công tác ở đâu, làm ở lĩnh vực nào, họ vẫn không hề quên lời Bác dạy “lương y như từ mẫu”.
Âm thầm với cuộc chiến xóa bỏ hủ tục
 
Về vùng cao Sơn Hà công tác hơn 15 năm, bác sỹ Trương Văn Nam đã vượt qua không ít khó khăn, nỗ lực cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch. Từ tình cảnh phải đến từng nhà năn nỉ người dân đi khám bệnh, uống thuốc, đến nay, người bác sĩ trẻ đã thực sự chiếm trọn niềm tin của đồng bào H’re nơi đây.
 
Hiện đang làm việc tại Trung tâm y tế huyện Sơn Hà, nhưng người bác sĩ quê ở TP.Quảng Ngãi này vẫn không quên những năm tháng khó khăn khi mới nhận nhiệm vụ tại Trạm y tế xã Sơn Hải. Ngày ấy, đường sá còn ghồ ghề đầy dốc đá, nhiều đồng bào bị bệnh sốt rét, thương hàn tấn công. Nhưng họ cứ tin vào các hủ tục và bỏ tiền, giết mổ heo, bò để cúng theo lời thầy mo. Gia đình ngày càng khánh kiệt, nhưng “cái bệnh” lại cứ mãi quấy rầy, thậm chí cướp đi tính mạng của nhiều người.

 

Bác sĩ Trương Văn Nam đã chiếm trọn niềm tin của đồng bào H’re ở Sơn Hải sau nhiều năm cố gắng vận động xóa bỏ hủ tục cúng bái khi đau ốm
Bác sĩ Trương Văn Nam đã chiếm trọn niềm tin của đồng bào H’'re ở Sơn Hải sau nhiều năm cố gắng vận động xóa bỏ hủ tục cúng bái khi đau ốm
 
Tự đặt trên mình gánh nặng phải xóa bỏ các hủ tục địa phương, vận động người dân tin tưởng và khả năng khám, chữa bệnh của mình, bác sĩ Nam đã không quản ngại gian nan ngược đồi, ngược núi tìm đến nhà dân ở những thôn xa xôi hẻo lánh nhất. Ban ngày, chăm chỉ đi vận động khám bệnh, tư vấn là vậy, nhưng bác sĩ Nam vẫn tận dụng cả thời gian nghỉ ngơi ban đêm để học tiếng của đồng bào H’re. “Mình là người miền xuôi nên cản trở lớn nhất chính là bất đồng ngôn ngữ. Nên mình phải học được tiếng nói của đồng bào H’re thì mình nói họ mới hiểu và nghe theo. Dần dần bà con đã biết khi đau ốm phải đến trạm y tế xin thuốc”- Bác sĩ Nam chia sẻ.
 
Bác sĩ Nam cũng rất kiên trì khi tìm đến nhà nhiều người dân để thăm, khám và cho thuốc men đầy đủ. Có những đêm, có người ốm bệnh đến gọi thì người bác sĩ tận tình chẳng ngại ngần đi làm nhiệm vụ cứu người thiêng liêng. Đến bây giờ, bà Đinh Thị Leo ngụ thôn Tà Mát, xã Sơn Hải vẫn nhớ như in tấm lòng thiện lương của bác sĩ Nam. “Già hay đau ốm lắm, hơn 90 rồi mà, nhưng mỗi lần như vậy thì có bác sĩ Nam đến tận nhà cho thuốc uống. Nhiều lúc nhà không có đồng tiền nào, nhưng bác sĩ vẫn động viên rồi cho thuốc uống để khỏi bệnh. Già biết ơn bác sĩ Nam lắm!”- bà Leo xúc động nói.
 
Cứ lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ cứu người của mình như vậy, hình ảnh người bác sĩ trẻ đã nhẹ nhàng bước vào lòng của đồng bào H’re ở vùng cao Sơn Hải tự lúc nào không hay. Để đến khi bác sĩ Nam đi nhận công tác ở Trung tâm huyện, đồng bào ở xã Sơn Hải vẫn cứ mãi lưu luyến không thôi.
 
Không ngại khó và khổ
 
Cũng mang tấm lòng yêu thương người bệnh như bác sĩ Nam, bác sĩ trẻ Hồ Viết Duẫn (quê ở Hà Tĩnh) đang công tác tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ngãi luôn có sự đồng cảm với các bệnh nhân. Với công việc mang tính đặc thù, mỗi ngày bác sĩ Duẫn phải tiếp xúc với những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Thế nhưng, đối với người bác sĩ trẻ, họ không khác gì những người thân trong gia đình.

 

Bác sĩ trẻ Hồ Viết Duẫn mong muốn được sẻ chia nhiều hơn với các bệnh nhân HIV/AIDS ở vùng sâu vùng xa
Bác sĩ trẻ Hồ Viết Duẫn mong muốn được sẻ chia nhiều hơn với các bệnh nhân HIV/AIDS ở vùng sâu vùng xa
 
“Nhiều họ hàng biết mình theo nghề y mà lại thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân HIV thì ai cũng lo cho mình. Nhưng bản thân mình không hề thấy có trở ngại mà lại càng thương những hoàn cảnh ấy hơn”. Hầu hết các bệnh nhân mang trong mình virut HIV đều có khó khăn. Nhất là đối với các bệnh nhân ở vùng cao và các huyện xa, đôi lúc họ chỉ đủ tiền bắt xe đến Trung tâm phòng chống Hiv/AIDS để lấy thuốc, mà không có tiền để về. Với những trường hợp ấy, bác sĩ Hồ Viết Duẫn luôn chia sẻ và tự bỏ tiền túi để giúp đỡ.
 
“Các bệnh nhân HIV chịu tìm đến mình, trải lòng với mình, đó là điều thật đáng quý. Nên tôi luôn nỗ lực tạo sự gần gũi, thân thiết để tạo lòng tin ở họ và tư vấn cho họ biết cách không lây bệnh cho những người xung quanh. Đồng thời, sự động viên sẽ giúp các bệnh nhân lạc quan, vui vẻ mà sống tiếp”- Bác sĩ Duẫn bày tỏ chuyện nghề. Với người bác sĩ trẻ ấy, khoảng cách xa xôi về địa lý để đến với những bệnh nhân HIV ở vùng cao chẳng thấm vào đâu so với quyết tâm đẩy lùi căn bệnh thế kỷ trong cộng đồng. Thế cho nên, anh vẫn tận dụng thời gian để được về cơ sở ở các vùng sâu vùng xa, được tiếp tục không ngại ngần và chia sẻ những những khó khăn với người bệnh.
 
Vẫn còn nhiều lắm những gương sáng trong ngành y như bác sĩ Trương Văn Nam và Hồ Viết Duẫn. Ở họ, bầu nhiệt huyết được cống hiến, được sẻ chia với người bệnh chưa bao giờ vơi. Và ở họ, những bộn bề trong cuộc sống lại trở nên thật tầm thường trước tinh thần trách nhiệm thực hiện công việc thiêng liêng là chữa bệnh, cứu người…
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.