Công tác dân số ở Trà Thanh: Còn nhiều khó khăn

09:01, 06/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trà Thanh là một xã miền núi của huyện Tây Trà còn nhiều khó khăn. Người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, lâm nghiệp. Tuy nhiên, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa biết tận dụng nguồn lợi dồi dào từ cây keo, cây lúa nước và chăn nuôi nên cuộc sống của một bộ phận người dân luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Cùng với đó, do hiểu biết về DS - KHHGĐ còn hạn chế nên tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên luôn ở mức cao, năm 2015 có tỷ lệ 12,06%. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo kéo dài.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi được cán bộ dân số xã đưa đến thăm gia đình ông Hồ Văn Kích và bà Hồ Thị Yến ở thôn Cát. Vợ chồng ông đã bước sang tuổi ngũ tuần nhưng có đến 13 người con. Người con gái đầu 27 tuổi, nhưng con gái út chỉ mới tròn 2 tuổi. 11 người con còn lại mỗi người cách nhau 1, 2 tuổi. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại sinh con đông, sinh dày như vậy, thì ông Kích vẫn bình thản, nói: "Trời cho sinh cứ sinh thôi. Đông con để mà đi làm rẫy chứ!".

Cộng tác viên dân số thường xuyên
Cộng tác viên dân số thường xuyên "đi tận ngõ, gõ tận cửa", nhưng người dân vẫn chưa ý thức được hệ lụy của việc sinh đông con.


Được biết, cách đây 9 năm, chính quyền vận động 39 hộ dân ở thôn Cát chuyển ra nơi ở mới, vì nơi đây thường xuyên xảy ra sạt lở, nhưng hộ ông Kích và hộ người em của ông nhất quyết không đi. Từ đó họ sống tách biệt với bà con thôn, xóm. Căn nhà mái tranh của gia đình ông Kích nằm chênh vênh trên một chỏm đất. Trong nhà không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ kỹ. Bữa cơm của gia đình chỉ độc nhất món canh rau rừng. "Cực lắm, không có tiền cho con đi học nhiều đâu. Học tới đâu hay tới đó, chứ học nhiều cũng chả biết làm gì", ông Kích cho biết. Với suy nghĩ đó, nên những đứa con đầu của ông đều sớm nghỉ học để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền phụ gia đình.

Còn gia đình của chị Hồ Thị Xuyến (37 tuổi) ở thôn Môn cũng lâm vào tình cảnh đói nghèo bám riết do có đến 9 đứa con. Đứa con đầu chỉ kém chị 15 tuổi, nhưng đã có gia đình riêng và có con 10 tháng tuổi. Mặc dù có cháu nội, nhưng cách đây 1 tháng vợ chồng chị Xuyến mới sinh thêm người con thứ 9. Kinh tế gia đình đã khó nay càng khó khăn hơn. "Vừa sinh con xong tôi đã lên rừng phụ chồng chặt cây lồ ô, chăm sóc cây keo và kiếm thêm rau rừng. Vừa rồi đứa con út bị đau nổi mẩn ngứa khắp người, nhưng cũng không có tiền đi khám, may là cũng không bị nặng lắm. Sắp tới theo cán bộ đi đình sản, chứ con đông cực quá", chị Xuyến tâm sự trong nỗi thấm thía cái cực của việc có con đông.

Chị Hồ Thị Bích - cán bộ chuyên trách dân số ở xã Trà Thanh cho rằng, công tác dân số ở Trà Thanh vô cùng khó khăn. Bên cạnh dân cư phân bố rải rác, địa hình đi lại trắc trở thì khó khăn nhất là nhận thức của người dân còn hạn chế. Họ vẫn nghĩ "trời sinh voi sinh cỏ", sinh con đông sẽ có nhiều lao động phụ giúp công việc cho gia đình. Toàn xã có 8 cộng tác viên dân số, họ thường xuyên bám sát từng nhà dân để tuyên truyền về những khó khăn gặp phải của việc sinh con đông, nhưng người dân thay đổi quan niệm còn chậm. Do vậy, những đợt tuyên truyền, sinh hoạt định kỳ về việc thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ đạt kết quả chưa cao. Số người tham gia áp dụng các biện pháp tránh thai bền vững như triệt sản, đình sản, đặt vòng, cấy thuốc tránh thai rất thấp.

"Cứ bình quân 1 tháng, chúng tôi kết hợp với hội, tổ phụ nữ ở từng thôn để tổ chức sinh hoạt định kỳ. Trong buổi sinh hoạt, chúng tôi đều chia ra từng phần cụ thể, tháng này nói về chăm sóc sức khỏe sinh sản thì tháng sau nói về cách phòng tránh thai, nhưng rất ít chị em tham gia thực hiện. Điều này là trăn trở nhất trong công tác dân số ở Trà Thanh. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa. Bên cạnh việc tuyên truyền với chị em phụ nữ, chúng tôi sẽ trực tiếp nói chuyện với những người chồng để cả vợ chồng cùng thay đổi nhận thức, hạn chế sinh con thứ ba trở lên", chị Bích chia sẻ.
 

Bài, ảnh: P.V  
 


.