Đấu giá thuốc tại Bệnh viện: Giảm giá, có giảm chất?

07:07, 18/07/2013
.

(QNĐT)- Từ khi thực hiện Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu giá thuốc, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện mua 6 gói thầu giá thấp, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Người bệnh chưa kịp vui mừng vì chi phí khám, chữa bệnh theo đó cũng giảm, lại băn khoăn đến chuyện giảm giá, có giảm chất?

TIN LIÊN QUAN


Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu giá thuốc và Thông tư 11/2012/TT- BYT hướng dẫn hồ sơ mời thầu có hiệu lực từ tháng 9/2012. Quy định mới nhằm giúp việc đấu thầu thuốc vào các bệnh viện ổn định với giá hợp lý, tránh chênh lệnh ở các cơ sở y tế. Theo đó, thuốc đạt tiêu chuẩn và có giá thấp nhất sẽ được xét mua.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Sở y tế Quảng Ngãi đã tổ chức mua 6 gói thầu theo quy định mới với tổng trị giá 67 tỷ đồng cho hàng trăm mặt hàng thuốc. Nếu đem so sánh bảng giá với năm 2012, năm nay, Sở đã tiết kiệm chi phí mua thuốc đến gần 30%, khoảng trên 20 tỷ đồng.

 

Từ khi áp dụng đấu giá thuốc theo quy định mới Sở y tế đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng
Từ khi áp dụng đấu giá thuốc theo quy định mới Sở Y tế đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng


Cùng với việc tiết kiệm chi phí cho ngành y tế, khi thực hiện theo Thông tư mới, người bệnh còn được vui lây vì chi phí cho việc mua thuốc điều trị cũng giảm đang kể. Tuy nhiên, nỗi lo đi kèm chính là: Chất lượng thuốc rẻ có “rẻ” như giá?

Chị Nguyễn Thị Yên ngụ xã Hành Trung (Nghĩa Hành) hiện đang điều trị ngoại trú theo diện bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hành vì chứng đau cột sống. Mỗi tháng, chị Yên phải đến khám và lấy thuốc tại Bệnh viện 2-3 lần. Nhiều lúc, chi phí thuốc quá nhiều so với quy định nên chị vẫn phải bỏ tiền túi ra cùng chi trả với Bảo hiểm xã hội.

Chị Yên cho hay: Với bệnh nhân nghèo như tôi thì việc giảm giá thuốc theo quy định mới là điều hết sức vui mừng vì số tiền cùng chi trả cũng sẽ thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn đặt lên trên hết vấn đề chất lượng thuốc. Giữa thuốc rẻ nhưng uống mãi không khỏi và thuốc tuy đắt lại điều trị hiệu quả thì tôi thà chấp nhận đắt. Không người bệnh nào muốn thời gian điều trị để khỏi bệnh quá lâu chỉ vì dùng thuốc có chất lượng không cao!

Bác sĩ Phạm Văn Túc- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hành cũng bày tỏ: Băn khoăn của người bệnh cũng chính là băn khoăn của đội ngũ y, bác sĩ. Thuốc rẻ, chất lượng không cao thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và thời gian điều trị.

 

Việc chọn thuốc quá rẻ, chất lượng không cao gây ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian điều trị
Việc chọn thuốc quá rẻ, chất lượng không cao sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian điều trị


Theo quy chế đấu thầu mới, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất. Các loại thuốc của những nước sản xuất thuốc giá rẻ như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan cũng sẽ được đấu chung với thuốc có nguồn gốc nhập về từ Châu Âu có giá cao.

Điều này có nghĩa là, các công ty dược đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao và nhập nguyên liệu đắt sẽ có ít cơ hội trúng thầu. Và người bệnh không có cơ hội được sử dụng những sản phẩm tốt của các công ty này.

Ông Bùi Văn Long- Phó Giám đốc Sở Y tế lý giải: Quy định mới chỉ chú trọng đến giá thuốc chứ không “ngó ngàng” gì đến nguồn gốc nguyên liệu- đặc điểm quyết định chất lượng thuốc.

“Cũng là thuốc Paracetamol sản xuất trong nước, nhưng nếu nguyên liệu nhập từ Pháp thì hiển nhiên sẽ có chất lượng hơn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng theo Thông tư 01 thì thuốc có nguyên liệu nhập từ Pháp không có khả năng lọt vào các bệnh viện!”- ông Long đưa ra ví dụ cụ thể.

Theo quy định đấu giá thuốc mới, tình trạng một số loại thuốc chất lượng kém vẫn có thể được sử dụng điều trị tại các bệnh viện. Việc người bệnh lẫn người chữa bệnh nơm nớp lo sợ là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, để khắc phục bất cập này thì ngành y tế vẫn chưa tìm ra giải pháp lâu dài.

 

Người bệnh vẫn chú trọng nhiều đến chất lượng thuốc hơn giá thuốc
Người bệnh vẫn chú trọng nhiều đến chất lượng thuốc hơn giá thuốc. Trong ảnh: Bệnh nhân đang chờ lấy thuốc theo diện bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bình Sơn


Bác sĩ Trịnh Giao- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Sơn cho biết: Mỗi ngày bệnh viện có khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho 300-350 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Trong đó có đến 99% bệnh nhân khám, chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế. Tức là, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện đều sử dụng thuốc đấu thầu có giá rẻ. Nếu có trường hợp thuốc rẻ, kém chất lượng lọt vào bệnh viện thì chất lượng điều trị sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn. Chúng tôi biết là vậy, nhưng quy định đã đặt ra thì vẫn phải làm theo!

Ông Bùi Văn Long- Phó Giám đốc Sở Y tế đưa ra giải pháp tạm thời: Tình trạng bất cập khi thực hiện đấu giá thuốc theo Thông tư 01 và 11 đã quá rõ. Trước mắt, để hạn chế thuốc kém chất lượng lọt vào các Bệnh viện, Sở Y tế sẽ đặt mua gói thầu biệt dược gồm những loại thuốc chất lượng cao, giá cao theo quy định cho phép tại Thông tư 01.

Thông tư mới nhằm ổn định giá thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn phải chú trọng đến chất lượng thuốc. Việc chọn thuốc quá rẻ chẳng khác nào mua hàng theo kiểu “tiền nào của nấy”. Thuốc rẻ nhưng uống không hết bệnh hoặc phải uống tới 5-10 vỉ mới hết bệnh thay vì uống 1 vỉ thuốc giá cao một chút mà chất lượng thì vẫn tiết kiệm hơn nhiều.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.