Lại sắp tăng giá thuốc

03:02, 23/02/2011
.

Mặc dù, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các đơn vị bình ổn giá thuốc đến hết tháng 3/2011 nhưng hiện tượng tăng giá thuốc vẫn diễn ra, gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là người nghèo.

Sau quyết định tăng tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước thì hàng loạt các đơn vị sản xuất và phân phối dược phẩm đã có những điều chỉnh tăng giá một số danh mục thuốc nhập khẩu với mức tăng trung bình từ 3-10%.

Thuốc ngoại tăng giá

Khảo sát trên thị trường Hà Nội, hầu hết các nhà thuốc lớn nhỏ đều đã bắt đầu có sự điều chỉnh giá với một số mặt hàng thuốc, chủ yếu là thuốc nhập khẩu. Một số cửa hàng thuốc cho biết, họ đã liên tục nhận được bảng giá thuốc mới của doanh nghiệp sản xuất và phân phối với mức điều chỉnh giá tăng từ 3 và trên 10% cho một số mặt hàng thuốc nhập khẩu như thuốc kháng sinh và thuốc đặc trị cho tim và huyết áp. Và theo chủ các cửa hàng thì đây mới chỉ là khởi đầu của việc tăng giá thuốc.

 
Dược sỹ Lê Thị Hậu, chủ nhà thuốc Trường An, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Nói chung giá thuốc lên mọi người kêu lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Nhà thuốc nào có vốn thì nhập nhiều nên giá tăng từ từ. Hàng nào ít vốn, nhập ít một thì phải chấp nhận giá cao”.

Theo Dược sỹ Lê Thị Hậu, hiện tại chỉ có một số công ty nhỏ tăng giá thuốc còn các công ty dược phẩm lớn thì chưa tăng giá thuốc. “Nhưng tháng sau, tháng sau nữa giá thuốc sẽ lên” – DS Lê Thị Hậu nói.

Bà Nguyễn Phương Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH phân phối dược phẩm Hướng Dương cho biết: Tỷ giá USD tăng, cùng với việc tăng giá điện và xăng dầu; cùng với việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng lên tới 19-20%... sẽ là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp dược hiện nay. Nhiều công ty phân phối dược còn gặp khó khăn khi vẫn giữ nguyên giá hợp đồng cung cấp thuốc cho các bệnh viện đã ký từ năm 2010.

Bà Nguyễn Phương Hạnh cho biết: Các loại thuốc của công ty được điều chỉnh trong khung tăng của tỷ giá, khoảng 9-10%. Công ty chỉ điều chỉnh với các mặt hàng nhập khẩu có liên quan đến tỷ giá, còn các mặt hàng sản xuất trong nước không có nhiều thay đổi.

Thuốc nội…  đội giá

Rõ rang, việc tăng giá thuốc nhập khẩu là điều không tránh khỏi, nhưng nhiều mặt hàng thuốc sản xuất trong nước cũng bị bị đội giá do chi phí tăng từ các nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Thực tế cho thấy, thuốc nhập khẩu chiếm 49% lại là các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh còn thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng 51% nhưng hơn 90% các nguyên liệu cho sản xuất cũng phải nhập khẩu.

Theo ông Đỗ Văn Doanh, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam thì để bình ổn giá thuốc về lâu dài thì chúng ta phải tự chủ nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, công tác quản lý…

“Trong trường hợp đã áp dụng tổng hợp các giải pháp kể trên mà giá thành vẫn cao hơn giá bán thì buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán ra để đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả” – ông Đỗ Văn Doanh nói.

Để quản lý giá thuốc, Phó Chánh Thanh tra Bộ y tế Dương Xuân An đề nghị: “Với hoạt động bán buôn thuốc, cần ban hành mẫu hoá đơn thuế đặc thù của ngành dược, cần phải thông tin giá thuốc nhập khẩu về cảng Việt Nam và giá bán buôn dự kiến đã được kê khai và kê khai lại để tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định về bán theo giá đã kê khai.

Còn Dược sỹ Nguyễn Văn Luân, Hội dược học Việt Nam cho rằng, Cục Quản lý dược cần  phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ khâu đăng ký thuốc đầu vào, chủ động nguồn nguyên liệu dược trong nước và việc cần làm ngay là ban hành quy chế buộc bác sỹ kê đơn thuốc theo tên gốc, tránh trường hợp bác sỹ móc ngoặc với trình dược viên kê đơn thuốc biệt dược giá cao trong khi chất lượng như nhau. Còn đối với bệnh nhân thì nên tìm đến nhà thuốc có uy tín, có niêm yết giá và thu hút nhiều bệnh nhân đến mua./.
 
Theo VOV

.