Quảng Ngãi: Dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát nhẹ

08:09, 19/09/2012
.

(QNĐT)- Tính đến thời điểm này, tỉnh ta đã ghi nhận hơn 1.300 ca bệnh tay chân miệng ở trẻ. Hiện đang là thời điểm dịch bệnh có nguy cơ tăng cao, cần có sự chủ động trong công tác phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe của trẻ tại gia đình và trường học.

TIN LIÊN QUAN


Mùa tựu trường vừa mới bắt đầu cách đây không lâu. Đây cũng là thời gian cao điểm thứ 2 trong năm (từ tháng 9 đến tháng 11) của dịch bệnh tay chân miệng. Hiện tại, Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đang phải tiếp nhận khoảng 10-20 ca/ngày, tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm này tháng trước. Các huyện Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi là những địa phương dẫn đầu với số ca bệnh cao nhất toàn tỉnh.

 

Hằng ngày có khoảng 15-20 ca tay chân miệng được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi
Hằng ngày có khoảng 10-20 ca tay chân miệng được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi


Theo nhận định của ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dịch bệnh tay chân miệng đang trong tình trạng bùng phát nhẹ với hơn 1.300 ca bệnh, giảm so với cùng kỳ năm trước. Ông Nên cho biết: Nếu như năm trước, tỉnh ta là một trong số các địa phương có số ca bệnh cao nhất trong cả nước tính theo tỷ lệ trên một vạn dân, thì năm nay, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt. Ngành y tế, giáo dục và cộng đồng dân cư đã có sự chuẩn bị, tích cực trong công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa dịch bệnh ở trẻ từ rất sớm.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ lây lan nhanh và nằm ngoài vòng kiểm soát nếu không có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Trong đó, phải kể đến sự cố gắng của ngành giáo dục mầm non ở tỉnh ta.

Bà Huỳnh Thị Lan Phương- Quyền trưởng phòng giáo dục mầm non tỉnh cho biết: Môi trường sinh hoạt tập thể ở các trường mầm non là nơi dễ phát tán bệnh tay chân miệng nhất, vì bệnh lây nghiễm qua đường hô hấp, đường phân- miệng và đường tay- miệng. Ngoài ra, ở độ tuổi 3-5 tuổi, trẻ còn chưa ý thức được cách tự phòng vệ cũng như việc tiếp xúc với nguồn lây nên rất dễ bị nhiễm bệnh.

 

Các trường mầm non bán trú cũng tích cực thực hiện nhiều biện pháp vệ sinh nhằm phòng chống bệnh cho trẻ
Các trường mầm non bán trú cũng tích cực thực hiện nhiều biện pháp vệ sinh nhằm phòng chống bệnh cho trẻ


Nhận thức được điều đó, nên ngành giáo dục đã chủ động có văn bản hướng dẫn, phân công đến các phòng giáo dục huyện, các trường mầm non trong tỉnh về các biện pháp phòng tránh bệnh cho các cháu. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành y tế tổ chức kiểm tra, vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi bằng chất khử trùng cho các cháu. Đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện ổ bệnh với số lượng ca bệnh đông ở bất kỳ trường mầm non nào.

Hiện tại, giáo viên, cán bộ cấp dưỡng ở 206 trường mầm non bán trú trong tỉnh đều đã nắm rõ các quy trình vệ sinh cá nhân, chú trọng đến bữa ăn hằng ngày cũng như cách khử trùng môi trường sinh hoạt cho trẻ bán trú. Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và bổ sung dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ tại nhà.

Vừa qua, tỉnh ta đã cấp kinh phí 2,2 tỉ đồng nhằm mua hóa chất khử trùng, các trang thiết bị cần thiết nhằm khống chế bệnh tay chân miệng trong năm 2012. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo tiếp tục tăng cường giám sát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giữ gìn vệ sinh trong cộng đồng.

Hy vọng, với nỗ lực phòng chống của ngành y tế, ngành giáo dục và các bậc phụ huynh, tình trạng dịch bệnh tay chân miệng sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm, nằm trong tầm kiểm soát, nhất là khi mùa mưa- thời gian cao điểm của dịch bệnh đang đến rất gần.


Thanh Phương

 
 

 


.