Phòng chống bệnh tay-chân-miệng trong trường học: Nơi chú trọng, chỗ lơ là

10:04, 16/04/2012
.

(QNg)- Bệnh tay-chân-miệng bùng phát trở lại khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nhiều trường học làm tốt công tác phòng chống bệnh, song cũng có không ít cơ sở giáo dục xem nhẹ vấn đề này.  

TIN LIÊN QUAN


Đối với cán bộ-giáo viên Trường Mầm non 19/5 (TP Quảng Ngãi), công tác phòng chống bệnh tay-chân-miệng luôn được đặt lên hàng đầu. Cô giáo Trương Thị Ngôn-Hiệu trưởng Trường MN 19/5 cho biết, dù bệnh tay-chân-miệng "lắng xuống" hay bùng phát trở lại thì công tác phòng chống bệnh luôn được nhà trường tiến hành thường xuyên. Trường quán triệt trong toàn thể cán bộ-giáo viên và nhân viên không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh tay-chân-miệng. Cứ mỗi tuần 2 lần, trường khử khuẩn lớp học bằng dung dịch Cloramin B; mỗi ngày lau sàn lớp học 2 lần và thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ. Tại các điểm rửa tay của Trường MN 19/5 đều có xà phòng diệt khuẩn. Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tất cả học sinh được rửa tay sạch sẽ. Mỗi học sinh đều có khăn lau riêng. Ngoài ra, nhà trường dán thông báo và thường xuyên nhắc nhở phụ huynh tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh để phòng bệnh tay-chân-miệng cho trẻ.

Bệnh tay-chân-miệng luôn
Bệnh tay-chân-miệng luôn "rình rập" ở những ngôi trường thiếu điều kiện triển khai công tác phòng chống bệnh. Trong ảnh: Trường MN Tịnh An.


Trường lớp sạch sẽ, công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ ở Trường MN 19/5 được chú trọng nên các bậc phụ huynh có phần yên tâm. Trong môi trường giáo dục với cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, trẻ được chăm sóc chu đáo… không những góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh ở trẻ, mà còn tạo điều kiện để trẻ phát triển tốt về thể chất và tư duy. Trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay-chân-miệng cao do sức đề kháng yếu. Theo các chuyên gia y tế thì giữ gìn vệ sinh cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng hữu hiệu.

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là ở bậc học mầm non và tiểu học đang tăng cường công tác phòng chống bệnh tay-chân-miệng. Sở GD&ĐT cũng đã tranh thủ các nguồn tài trợ để cấp phát xà phòng diệt khuẩn cho học sinh ở một số trường mầm non. Tuy nhiên, hiện vẫn có  không ít trường học xem nhẹ công tác phòng chống bệnh tay-chân-miệng. Ở nhiều trường học, cán bộ-giáo viên mặc dù muốn triển khai công tác phòng chống bệnh cho trẻ nhưng "lực bất tòng tâm" vì thiếu kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo. Trước tình hình bệnh tay-chân-miệng tái phát, số lượng trẻ mắc bệnh ngày một tăng, nhiều người không khỏi lo lắng khi chứng kiến sự thiếu quan tâm phòng bệnh cho trẻ ở các trường mầm non, tiểu học, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Ở huyện Sơn Tịnh, phần lớn trường mầm non không có nhà vệ sinh, không có vòi nước để trẻ rửa tay; nhiều trường học đã xuống cấp. Học sinh học và chơi trên sàn nhà dơ bẩn, không được lau chùi thường xuyên bằng nước khử khuẩn…

Trường Mầm non Tịnh An là minh chứng điển hình. Nhiều cán bộ-giáo viên gọi đây là trường học "thê thảm" nhất bởi tình trạng xuống cấp, không đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Cô giáo Lê Thị Thanh Quýt (Trường mầm non Tịnh An, dạy ở điểm trường thôn Long Bàn), thở dài: "Biết là học sinh thiệt thòi nhưng điều kiện trường khó khăn nên đành chịu. Trường lớp cũ kỹ, không có nhà vệ sinh, không có điểm rửa tay… cô giáo chỉ có cách nhắc nhở phụ huynh vệ sinh cho các cháu lúc ở nhà. May là chưa có trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Dương Thị Thu Thủy-Phó phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh, cho rằng: "Quan tâm đầu tư cho các trường mầm non để trẻ được chăm sóc sức khỏe là vấn đề cấp thiết, nhất là xây dựng nhà vệ sinh. Phòng GD&ĐT đã nhiều lần đề xuất với cấp trên về khó khăn này, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa được đầu tư". Quả đúng như lời bà Dương Thị Thu Thủy, quan tâm đầu tư để trẻ được chăm sóc sức khỏe trong môi trường giáo dục là cấp thiết, là điều mà cộng đồng, xã hội đang mong đợi. Thiết nghĩ, trong tình hình bệnh tay-chân-miệng diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành giáo dục và các đơn vị có liên quan cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh ở các trường học-nơi tập trung đông trẻ ở lứa tuổi rất dễ mắc bệnh.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.