KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG  ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

09:44, 07/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc ta mà còn có tầm vóc thời đại sâu sắc, bởi nó đã viết nên trang lịch sử “bằng vàng” cho dân tộc Việt Nam.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh.
Ảnh: TTXVN
Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Ảnh: TTXVN

Cứ điểm mạnh nhất Đông Dương

Điều trớ trêu là khi Nava (Navarre) được cử sang làm Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Xalăng (Raoul Albin Louis Salan), Nava không hề biết đến 3 chữ Điện Biên Phủ. Ngày 24/7/1953, Nava đã đệ trình lên Hội đồng Quốc phòng Pháp bản Bị vong lục về Đông Dương dày 25 trang (gọi là kế hoạch Nava) với nội dung tổng quan là đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Toàn bộ nội dung bản đệ trình không hề nhắc đến Điện Biên Phủ, mà Nava chú tâm xây dựng một đội quân cơ động mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, đủ sức đối phó với bộ đội chủ lực của Việt Nam. Vậy mà trong vòng 4 tháng, ngày 3/12/1953, Nava chính thức chọn Điện Biên Phủ làm nơi tiến hành một trận quyết đấu và cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 16,2 nghìn quân đóng trên 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu: Phân khu Bắc, phân khu Trung tâm, phân khu Nam. Đến thời điểm này, Điện Biên Phủ trở thành tâm điểm của kế hoạch Nava.

Điện Biên Phủ là một thung lũng nằm ở phía tây khu Tây Bắc, có chiều dài khoảng 12km, chiều rộng khoảng 5km. Quanh thung lũng là những ngọn đồi hình bát úp lổm chổm đá vôi sắc cạnh được phủ từng mảng rừng âm u. Giữa là con sông Nậm Rốn vắt ngang có các đỉnh cao, 2 bên sẽ là ưu thế cho ai làm chủ nó. Với vị thế đó, Điện Biên Phủ được xem là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Dưới con mắt nhà nghề của một viên tướng 4 sao như Nava và các tướng tá Pháp và Mỹ, Điện Biên Phủ được đánh giá là căn cứ phòng ngự chiến lược để bảo vệ Thượng Lào và Trung Lào; một ngã tư chiến lược có thể xoay tứ phía: Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc. Chiếm đóng Điện Biên Phủ, Pháp sẽ biến xứ này thành căn cứ phòng ngự vững chắc, sẽ là “cái bẫy” hiệu quả, vừa bảo vệ được Lào, vừa giải tỏa được đồng bằng Bắc Bộ, vừa thu hút bộ đội chủ lực của Việt Nam để tiêu diệt; lập căn cứ nơi này sẽ phát huy mạnh mẽ sự chính xác của pháo binh Pháp, vừa hạn chế tối đa pháo binh của Việt Nam; lòng chảo Điện Biên Phủ có căn cứ không quân tốt nhất, khi cần, có thể lập cầu hàng không vận chuyển hiệu quả, lại ngoài tầm pháo của quân đội Việt Nam.

Đầu tháng 12/1953, Nava cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một hệ thống phòng ngự kiên cố. Từ đó, Nava khẳng định: “Điện Biên Phủ là tập hợp những gì được phòng thủ mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương”. Các tướng lĩnh và chính khách cả Pháp và Mỹ tin chắc Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”. 

Điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch 
Mặc dù, Nava cho xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, thành “xương sống” trong kế hoạch của mình, nhưng việc Nava tiếp nhận và quyết chiến với ta ở đây là ngoài dự kiến và hoàn toàn bị cô lập: Căn cứ xa hậu phương, chỉ có con đường tiếp tế duy nhất bằng đường hàng không, nếu ta cắt đứt đường hàng không, địch sẽ rơi vào thế khó.

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn của ta và địch, để mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị quyết định “Dốc toàn bộ lực lượng tiêu diệt bằng được quân địch ở Điện Biên Phủ”, biến Điện Biên Phủ thành điểm “quyết chiến chiến lược giữa ta và địch”, có đánh thắng địch ở đây mới kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “Chiến dịch này là chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Đến đầu tháng 3/1954, mọi sự chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hoàn tất. Với tinh thần“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng địch ở Điện Biên Phủ”. Quân dân ta vững tin bước vào cuộc chiến đấu đầy cam go nhưng cũng đầy hứa hẹn.  

Đầu năm 1954, các đơn vị của ta đã đến vị trí tập kết, bố trí trận địa và sẵn sàng tiến công theo phương án “Đánh nhanh giải quyết nhanh”. Nhưng trong thời gian chuẩn bị, tiến hành có phần thay đổi, địch đã củng cố công sự, tăng cường phòng ngự vững chắc, nếu tiến công ta sẽ gặp phải những khó khăn nhất định nên Tổng quân ủy đã quyết định tiếp tục chuẩn bị theo phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc”. Việc thay đổi và thực hiện phương châm“Đánh chắc, tiến chắc” hoàn toàn phù hợp với lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường ra mặt trận: “Trận này rất quan trọng. Giao cho chú toàn quyền. Tướng quân tại ngoại. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Điều này cũng phù hợp với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” đã được xác định trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Quyết định đó nói lên tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người chỉ huy trước tình hình thực tế thay đổi “Quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân” (Lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, trong đợt 1, từ ngày 13 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã tiến công vào phân khu Bắc gồm các đồi Độc Lập, Him Lam, Bản Kéo. Chỉ trong thời gian ngắn quân ta đã làm chủ phân khu Bắc. Lúc này, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: “Buổi chiều ngày 13 tháng 3 lịch sử ấy, pháo của quân ta gầm lên, mở đầu trận đánh kéo dài suốt 55 ngày đêm “trời đất... sắt thép””.

Trong đợt tiến công thứ hai từ ngày 30/3 đến ngày 26/4, là những ngày chiến đấu để bóc dần những cứ điểm ở phía Đông khu Trung tâm nhằm cắt đứt sự tiếp viện của đối phương. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go, quyết liệt ở các cứ điểm C1 đồi E1, D1, D2, C2, A1, đặc biệt là cuộc giằng co ở đồi A1, giành nhau từng tấc đất với giặc.

Đợt tiến công thứ ba diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7/5/1954, quân ta đồng loạt tấn công khu Trung tâm Mường Thanh và phân khu Nam. Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã cắm trên nóc hầm Tướng Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries). Hàng binh địch lũ lượt ra khỏi hầm, lên mặt đất, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, kế hoạch Nava bị phá sản hoàn toàn.

Điện Biên Phủ làm “chấn động địa cầu” 

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, đã ghi dấu son phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, mà tầm vóc của nó như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX.

Chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng được xem là “cây cột mốc bằng vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Lần đầu tiên hàng nghìn sĩ quan, kể cả viên tướng chỉ huy, binh lính của quân đội một cường quốc phương Tây bị quân đội một nước, vốn là thuộc địa bắt làm tù binh. Đây là một thất bại nặng nề nhất, một đòn chí tử đánh sụp hoàn toàn ý đồ tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Thất bại ở Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954 về chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có tác dụng động viên, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, tạo ra niềm tin vô biên về thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tạp chí Á - Phi - Mỹ Latinh viết: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là tia lửa gây ra một loạt vụ nổ khác góp phần chấm dứt chủ nghĩa thực dân Pháp ở Châu Phi... Sự cổ vũ mang lại khắp nơi cho các dân tộc bị áp bức là không thể lường hết được và đó là một trong những nhân tố không thể thiếu đem lại niềm tin tưởng”.

Điện Biên Phủ có dấu ấn sâu sắc về nhiều mặt đối với phong trào giải phóng dân tộc nửa sau thế kỷ XX, và như là một tất yếu, Điện Biên Phủ trở thành một báu vật, một niềm tự hào lớn lao đối với các dân tộc đang chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân. Báo Sự thật Cách mạng tháng Tư của Ápganixtan ra ngày 7/5/1984, viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không những là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam anh hùng, mà còn là di sản quý báu của phong trào cách mạng thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc, 30 năm qua những bài học và những kinh nghiệm quý báu của Điện Biên Phủ vẫn còn mang tính thời đại nóng hổi”.

TRƯƠNG NGỌC THƠI

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:44, 07/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.