Về đất Tổ

02:04, 15/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lần đầu đặt chân đến Phú Thọ, dâng nén hương lên Đền thờ các vua Hùng, trong chúng tôi ai cũng trào dâng cảm xúc thiêng liêng khó tả. Bởi đã là người con đất Việt ai cũng mong một lần về đất Tổ, để thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên khai sinh dòng giống Lạc Hồng.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi vượt chặng đường dài hàng nghìn cây số từ Quảng Ngãi đến vùng đất Tổ thiêng liêng. Chị Phùng Thị Mỹ Hạnh - Giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Ba Giang (Ba Tơ) chia sẻ: "Từ lâu tôi đã mong được một lần về thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dâng nén nhang thành kính tri ân tiền nhân.

Đoàn cán bộ, công chức tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại đền Thượng.  ẢNH: T.THUẬN
Đoàn cán bộ, công chức tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại đền Thượng. ẢNH: T.THUẬN

Khi đặt chân đến đất Tổ, tôi rất xúc động, trào dâng niềm tự hào khó tả. Đứng trước mỗi cảnh quan, mỗi ngôi đền, lòng mình dường như lắng lại. Lịch sử 18 đời vua Hùng dựng nước và giữ nước hiện lên sống động qua mỗi công trình kiến trúc cổ. Đây sẽ là những tư liệu quý để tôi giảng dạy cho học trò và những đứa con của mình bài học về công lao các vị vua Hùng. Để từ đó, học sinh cũng như các con hiểu ý nghĩa của ngày giỗ Tổ và không quên nguồn cội".
 

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là một trong những khu di tích lịch sử cấp quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng. Ngoài quần thể kiến trúc, nghệ thuật tinh xảo, nơi đây còn có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú, có giá trị về mặt đa dạng sinh học.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, cách trung tâm TP.Việt Trì khoảng 7km, là nơi thờ cúng các vua Hùng và những nhân vật lịch sử. Nơi đây bao gồm các công trình kiến trúc: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, lăng Hùng Vương, chùa Thiên Quang, cột đá thề, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ... Để đến được các khu đền thờ, du khách đều phải đi bộ, leo lên cả nghìn bậc thang uốn lượn theo những hàng cây xanh mát, có những cây đại thụ vài người ôm mới xuể.

Từ chân núi Nghĩa Lĩnh rẽ qua Ðại môn (cổng đền), chúng tôi leo hết gần 300 bậc thang xây bằng gạch để lên đến đền Hạ với kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm tiền bái và hậu cung. Tương truyền nơi đây Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã nói chuyện với chiến sĩ của Đại đoàn quân tiên phong: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

 Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng. ẢNH: H.T
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng. ẢNH: H.T


Từ đền Hạ, chúng tôi tiếp tục leo thêm khoảng 200 bậc đá nữa mới tới đền Trung. Ngôi đền này có kiến trúc kiểu chữ nhất, gồm 3 gian. Tương truyền nơi đây các vua Hùng cùng Hùng hầu, Hùng tướng thường ngắm cảnh, họp bàn việc nước và cũng là nơi Vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy. Từ đền Trung đi tiếp hơn 100 bậc đá là tới đền Thượng hay còn gọi là Kính thiên lĩnh điện (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tại đây, các vua Hùng đã thực hiện những nghi thức tế lễ Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa.

Về đất Tổ dâng hương, chúng tôi nghe kể về truyền thuyết Rồng Tiên và ngắm nhìn sự đổi mới của một vùng đất thiêng liêng được xem là cội nguồn dân tộc. Đối với nhiều thành viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất đã sinh ra dòng giống Tiên Rồng. Mỗi người đều trào dâng cảm xúc thật khó tả và luôn nghĩ đến câu ca: “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn..."!

SA HUỲNH


.